Hậu vụ ám sát thủ lĩnh cấp cao Hamas - nguy cơ Trung Đông rơi vào vòng xoáy xung đột mới

Thứ Năm, 01/08/2024, 06:30

Với việc thủ lĩnh cấp cao của Hamas bị ám sát tại Iran giữa lúc chiến sự Gaza còn ác liệt, mọi sự chú ý đều đang đổ dồn về phía Israel, hàng loạt quan chức quốc tế kêu gọi các bên hạn chế sử dụng bạo lực để tránh việc chảo lửa Trung Đông rơi vào một cuộc chiến quy mô lớn hơn.

Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) ngày 31/7 xác nhận rằng thủ lĩnh chính trị cao nhất của phong trào Hamas Ismail Haniyeh đã thiệt mạng trong một vụ tấn công tại thủ đô Tehran của Iran. Chi tiết về vụ ám sát chưa được tiết lộ.

Được biết, ông Haniyeh và một vệ sĩ thân cận đã qua đời khi nơi ở của ông trở thành mục tiêu sau khi dự lễ nhậm chức của tân Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian. Trong tuyên bố đầu tiên liên quan đến vụ việc, phong trào Hamas đổ lỗi cho Israel thực hiện vụ tấn công.

Thông điệp của Hamas mà hãng tin Al Jazeera có được có đoạn: “Ismail Haniyeh, người đứng đầu phong trào đã bị giết trong một cuộc đột kích của quân đội Zionist (ám chỉ Israel) vào nơi ở của ông ở Tehran”.

Hậu vụ ám sát thủ lĩnh cấp cao Hamas - nguy cơ Trung Đông rơi vào vòng xoáy xung đột mới -0
Xung đột biên giới Israel – Lebanon có nguy cơ bùng phát thành chiến tranh quy mô lớn. Ảnh minh họa Times of Israel

“Vụ ám sát này là một sự leo thang nghiêm trọng nhằm phá vỡ ý chí của Hamas, ý chí của người dân chúng tôi và đạt được các mục tiêu giả tạo. Chúng tôi xác nhận rằng sự leo thang này sẽ không đạt được mục tiêu của nó”, Sami Abu Zuhri, quan chức cấp cao của Hamas cho biết. Israel vẫn im lặng sau cái chết của ông Haniyeh. Một số phương tiện truyền thông đưa tin rằng văn phòng của Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã yêu cầu các bộ trưởng nội các không bình luận. Tuy nhiên, Bộ trưởng Di sản nước này, Amichai Eliyahu, lại đăng bài trên mạng xã hội X bày tỏ vui mừng trước cái chết của thủ lĩnh Hamas.

Theo các chuyên gia, vụ ám sát này “có ý nghĩa quan trọng” đối với cuộc chiến giữa Israel và Hamas tại Gaza vì ông Haniyeh là người dẫn đầu các cuộc đàm phán liên quan đến lệnh ngừng bắn. Vụ ám sát thủ lĩnh chính trị của Hamas là “một vụ giết người mang động cơ chính trị hoàn toàn không thể chấp nhận được”, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov nhấn mạnh với hãng thông tấn nhà nước RIA.

Ông Bogdanov cho biết vụ việc có thể có tác động tiêu cực đến các cuộc đàm phán ngừng bắn ở Gaza, đẩy Trung Đông đến một cuộc xung đột quy mô lớn hơn. Trong khi đó, Nhà nước Qatar lên án mạnh mẽ vụ ám sát ông Ismail Haniyeh và coi đây là “tội ác tày đình, leo thang nguy hiểm và vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế và nhân đạo”, Bộ Ngoại giao Qatar tuyên bố, đồng thời khẳng định rằng “vụ ám sát này và hành vi liều lĩnh của Israel liên tục nhắm vào dân thường ở Gaza sẽ khiến khu vực này rơi vào hỗn loạn và làm suy yếu cơ hội hòa bình”.

Đại diện Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ ngày 31/7 phát biểu rằng vụ ám sát ông Haniyeh “một lần nữa chứng minh rằng chính phủ (Thủ tướng) Netanyahu không có ý định đạt được hòa bình. Khu vực này sẽ phải đối mặt với những cuộc xung đột lớn hơn nhiều nếu quốc tế không hành động để ngăn chặn Israel”.

Đáng quan ngại hơn, vụ ám sát xảy ra không lâu sau màn trả đũa của Israel với lực lượng Hezbollah ở Lebanon. Theo đó, quân đội Israel ngày 31/7 tuyên bố đã tiêu diệt chỉ huy cấp cao của Hezbollah, Fuad Shukr, trong một cuộc không kích vào Beirut ngày hôm trước. Đây là hành động nhằm đáp trả vụ tấn công xảy ra ngày 27/7 ở Cao nguyên Golan do Israel kiểm soát khiến ít nhất 12 người thiệt mạng.

Theo Bộ Y tế Lebanon, ít nhất 2 người thiệt mạng và khoảng 100 người khác bị thương trong cuộc không kích. Thủ tướng lâm thời của nước này, Najib Mikati, đã lên án mạnh mẽ cuộc tấn công, cho rằng đây là sự vi phạm rõ ràng luật pháp quốc tế. Ông kêu gọi cộng đồng quốc tế thể hiện trách nhiệm, gây sức ép buộc Israel chấm dứt hành vi leo thang căng thẳng. Liên hợp quốc ngày 30/7 kêu gọi các bên kiềm chế tối đa trong khi chính phủ các nước Nga, Iran, Iraq cảnh báo những hậu quả tiêu cực của vụ tấn công đối với an ninh và hoà bình khu vực. 

Nhận định về những diễn biến này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin ngày 31/7 cho rằng ông không nghĩ một cuộc chiến tranh quy mô lớn hơn ở Trung Đông là điều không thể tránh khỏi và Mỹ đang tìm cách làm dịu căng thẳng trong khu vực, nhưng vẫn kiên định bảo vệ Israel nếu bị tấn công. “Tôi không nghĩ rằng chiến tranh là điều không thể tránh khỏi. Tôi vẫn giữ quan điểm đó. Tôi nghĩ rằng luôn có cơ hội cho ngoại giao”, ông Austin nói với các phóng viên trong chuyến thăm Philippines.

Phát ngôn viên Hội đồng an ninh quốc gia Nhà Trắng, Adrienne Watson, khẳng định cam kết vững chắc của Mỹ đối với an ninh Israel. Theo bà Watson, Mỹ đang tiếp tục tìm kiếm một giải pháp ngoại giao để chấm dứt những cuộc tấn công khủng khiếp như thế này và cho phép công dân ở cả hai bên trở về nhà một cách an toàn. Thủ tướng Italy Giorgia Meloni bày tỏ lo ngại về những gì đang xảy ra ở Lebanon và nguy cơ leo thang khu vực trong bối cảnh đã có những hy vọng nhỏ nhoi trong các nỗ lực ngoại giao. “Mỗi lần chúng ta có vẻ tiến gần hơn một chút đến khả năng ngừng bắn, thì lại có điều gì đó xảy ra”, bà Meloni nói.

Cuộc tấn công xảy ra tại một khu vực đông dân cư ở ngoại ô thủ đô Beirut của Lebanon, đánh dấu lần leo thang căng thẳng nhất giữa Israel và Hezbollah kể từ tháng 10 năm ngoái. Hezbollah nhiều lần đe doạ sẽ tấn công Tel Aviv để đáp trả bất kỳ cuộc tấn công nào của Israel vào Beirut. Và giờ, cuộc tấn công đó đã xảy ra, nhưng không thể dự đoán được diễn biến sắp tới. Israel cho biết cuộc tấn công vào cuối tuần trước ở Cao nguyên Golan đã vượt qua ranh giới đỏ. Và câu hỏi đặt ra lúc này là liệu Hezbollah có nhìn nhận như vậy đối với phản ứng của Israel hay không. 

Trước nguy cơ xung đột leo thang giữa Israel và Lebanon, một số nước thành viên NATO, trong đó có Mỹ đã ban hành cảnh báo di chuyển tới Lebanon, kêu gọi công dân ngay lập tức rời khỏi nước này.

Duy Tiến
.
.
.