Hạn hán "bức tử" hồ chứa lớn nhất, Trung Quốc báo động đỏ
Ngày 23/9, lần đầu tiên chính quyền tỉnh Giang Tây, Trung Quốc ban bố tình trạng cấp nước ở mức "báo động đỏ" do hạn hán kéo dài làm cạn kiệt phần lớn nước trong hồ chứa nước ngọt lớn nhất nước này.
Reuters ngày 23/9 dẫn thông tin chính quyền tỉnh Giang Tây cho biết, mực nước trong hồ Bà Dương - một cửa xả lũ quan trọng cho sông Dương Tử - đã giảm từ 19,43m xuống còn 7,1m trong ba tháng qua.
Trung tâm quan trắc nước Giang Tây cho biết mực nước này dự kiến sẽ giảm hơn nữa trong những ngày tới, do tình trạng thiếu mưa trầm trọng. Lượng mưa kể từ tháng 7 giảm tới 60% so một năm trước, trung tâm này cho biết thêm.
Tháng 8 vừa qua, có tới 267 trạm thời tiết trên khắp Trung Quốc đã báo cáo nhiệt độ cao kỷ lục. Đợt khô hạn kéo dài trên lưu vực sông Dương Tử đã làm giảm nghiêm trọng sản lượng thủy điện và cản trở sự phát triển của cây trồng trước mùa thu hoạch năm nay.
Mặc dù mưa lớn đã giúp giảm bớt tình trạng khô hạn ở phần lớn miền Tây Nam Trung Quốc, các khu vực miền Trung vẫn tiếp tục hứng chịu cảnh này, với tình trạng cực kỳ khô hạn hiện kéo dài hơn 70 ngày ở Giang Tây.
Trong khi đó, theo Reuters, tổng số 10 hồ chứa ở tỉnh An Huy lân cận đã giảm xuống dưới mức "hồ chết", có nghĩa là chúng không thể xả nước xuống hạ lưu.
Các nhà dự báo thời tiết Trung Quốc nhận định, tình trạng khô hạn vẫn diễn ra phổ biến ở trung và hạ lưu sông Dương Tử, con sông dài nhất Trung Quốc, và cần phải có những nỗ lực để điều phối nguồn nước, thậm chí dùng công nghệ mưa nhân tạo để ứng phó với hạn hán.
Trước đó, theo AP, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc Đường Nhân Kiện cho biết giới chức sẽ cố gắng tăng lượng mưa bằng cách rải hoá chất vào các đám mây và phun chất giữ nước trên đồng lúa để hạn chế bốc hơi, ngăn hậu quả của hạn hán kéo dài đối với vụ mùa. Tuy nhiên, giới chức không nêu rõ sẽ thực hiện biện pháp này ở địa phương nào.