Hai nước châu Phi giết mổ hàng trăm loài động vật hoang dã để nuôi dân

Chủ Nhật, 13/10/2024, 13:53

Hạn hán nghiêm trọng đang xảy ra ở một số vùng phía Nam châu Phi khiến chính phủ Namibia và Zimbabwe quyết định giết mổ hàng trăm loài động vật hoang dã, để nuôi sống những người dân đang phải đối mặt với tình trạng thiếu thốn lương thực.

CNN ngày 13/10 đưa tin, chính phủ Namibia thông tin rằng vào tháng 8, họ đã tiến hành giết mổ 723 loài động vật trong đó có 83 con voi, 30 con hà mã và 300 con ngựa vằn. Zimbabwe cũng ra một thông báo tương tự, nêu rõ đã giết mổ khoảng 200 con voi.

Chính phủ của hai quốc gia Nam Phi này cho biết, bước đi trên sẽ giúp giảm bớt tác động của đợt hạn hán tồi tệ nhất trong khu vực trong 100 năm qua, giúp dân có thực phẩm và ngăn chặn việc động vật tiến sâu vào các khu định cư của con người để kiếm thức ăn. 

Hai nước châu Phi giết mổ hàng trăm loài động vật hoang dã để nuôi dân -0
Quyết định giết mổ động vật hoang dã của Namibia và Zimbabwe nhận nhiều ý kiến trái chiều. Ảnh: Getty Images

Cụ thể, Namibia và Zimbabwe săn bắt những loài động vật lớn ở khu vực chúng từng xung đột với con người. Thịt của những loài này sẽ được sấy khô, đóng gói và chuyển tới những cộng đồng cần nguồn cung cấp protein. 

Chris Brown, một nhà bảo tồn và Giám đốc điều hành của Phòng Môi trường Namibia cho hay, loài voi có tác động tàn phá đến môi trường sống nếu chúng liên tục gia tăng theo cấp số nhân. 

Trong khi đó, Bộ trưởng Môi trường Zimbabwe Sithembiso Nyoni nói rằng, đất nước họ có nhiều voi hơn mức cần thiết, là nơi sinh sống của khoảng 100.000 con voi, quần thể voi lớn thứ 2 thế giới sau Botswana. Theo ước tính của Liên hợp quốc, khoảng 42% người dân Zimbabwe sống trong cảnh nghèo đói, khoảng 6 triệu người cần hỗ trợ lương thực trong mùa đói kém từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau, khi lương thực trở nên khan hiếm nhất.

Việc hai quốc gia này phải ban bố tình trạng khẩn cấp vì hạn hán và triển khai giết mổ động vật hoang dã lấy thịt, đã vấp phải chỉ trích của những người làm công tác bảo tồn. Họ cho rằng những hành động như vậy là không nhân văn, tạo tiền lệ nguy hiểm, thúc đẩy việc làm suy yếu các quy tắc quốc tế về buôn bán động vật hoang dã, đẩy hệ sinh thái mỏng manh của hai quốc gia này mất cân bằng, khiến chúng càng kém khả năng chống chịu với hạn hán.

Tuy nhiên, Namibia và Zimbabwe đều cho biết việc tiêu hủy sẽ không đe dọa đến sự tồn tại lâu dài của quần thể động vật hoang dã. Ngược lại, việc giảm số lượng sẽ giúp bảo vệ những động vật khác khi hạn hán làm giảm nguồn thức ăn và nước.

Bà Elizabeth Mrema, Phó Giám đốc điều hành Chương trình Môi trường Liên hợp quốc cho biết, việc tiêu thụ động vật hoang dã làm thực phẩm ở một số nước là thông lệ phổ biến ở nhiều nền văn hóa trên khắp thế giới. "Nếu việc tiêu thụ được thực hiện bằng các phương pháp bền vững đã được chứng minh thì không có gì phải lo lắng", bà Mrema nói. 

Kim Ngọc
.
.
.