Giá khí đốt ở châu Âu "dựng đứng" sau khi Nga "khóa van" sang Ba Lan

Thứ Tư, 27/04/2022, 14:35

Giá khí đốt ở châu Âu tăng khoảng 25% lúc mở cửa phiên giao dịch hôm nay (27/4), sau khi Nga xác nhận cắt nguồn cung sang Ba Lan và Bulgaria vì từ chối thanh toàn bằng đồng ruble.

Interfax ngày 27/4 dẫn thông báo của tập đoàn Gazprom, nhà cung cấp khí đốt chính của Nga sang châu Âu, xác nhận, họ đã đình chỉ hoàn toàn việc cấp khí đốt cho Bulgaria và Ba Lan, do các nước này từ chối thanh toán tiền mua khí đốt Nga bằng đồng ruble.

Giá khí đốt ở châu Âu
Nga xác nhận đã ngắt nguồn cung khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria. Ảnh: Interfax

Gazprom khẳng định họ đã gửi thông báo cho Bulgargaz và PGNiG, hai tập đoàn nhập khẩu khí đốt của Bulgaria và Ba lan, về việc ngừng cấp khí từ ngày 27/4 cho đến khi việc thanh toán được thực hiện theo đúng yêu cầu được Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra tháng trước.

Bulgaria và Ba Lan nằm trên tuyến vận chuyển khí đốt từ Nga sang một số quốc gia châu Âu khác. Phía Nga cảnh báo trong trường hợp hai nước này "rút trái phép khí đốt của Nga quá cảnh sang các nước thứ ba", thì nguồn cung quá cảnh sẽ không được bù đắp tương ứng.

Ngay sau khi thông tin được xác nhận, theo Interfax, giá khí đốt hợp đồng tương lai giao tháng 5/2022 tại châu Âu khi mở cửa phiên giao dịch hôm nay (27/4) trên sàn ICE Futures đã tăng chóng mặt, vượt mốc 1.300 USD/1000 mét khối, tăng 25% so với mức giá đóng cửa 1.089 USD ngày hôm qua.

Giá khí đốt ở châu Âu
Giá khí đốt ở châu Âu tăng mạnh khi mở cửa phiên giao dịch sáng nay. Đồ họa: Bloomberg

Trong khi đó, Bloomberg nói rằng chỉ số giá khí đốt theo hợp đồng tương lai trên sàn giao dịch TTF của Hà Lan đã tăng 24% lên 127,5 USD mỗi MWh, mức cao nhất từ ngày 1/4, thời điểm Nga chính thức yêu cầu các nước châu Âu thanh toán khí đốt Nga bằng đồng ruble.

Theo quyết định của phía Nga, các quốc gia "không thân thiện", bao gồm hầu hết thành viên Liên minh châu Âu (EU), phải mở một tài khoản tại ngân hàng Gazprombank của tập đoàn Gazprom, sau đó chuyển USD hoặc Euro vào đó, để chúng được chuyển sang đồng ruble và trả về cho Nga.

Các nước châu Âu và Nga đã tranh cãi nhiều tuần về quy chế thanh toán mới. Cách đây vài ngày, Ủy ban châu Âu (EC) cho rằng các tập đoàn nhập khẩu khí đốt ở châu Âu có thể thực hiện yêu cầu của Nga mà không vi phạm các lệnh trừng phạt.

Nga hiện cung cấp khoảng 40% nhu cầu khí đôt ở châu Âu. Gazprom, nhà xuất khẩu chính của Nga, duy trì hơn 40 thỏa thuận dài hạn với các quốc gia ở "Lục địa già".

Với Ba Lan, Gazprom cung cấp khoảng 10,2 tỷ mét khối, tương đương 50% nhu cầu thường niên của nước này. Trong khi đó, Bulgaria nhập khoảng 3 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm của Nga, tương đương 90% nhu cầu. 

Thái Hà
.
.
.