Giá gạo kỷ lục gây áp lực lên hàng tỷ người trên toàn cầu

Thứ Sáu, 11/08/2023, 06:51

Giá gạo thế giới tăng lên mức kỷ lục, trong bối cảnh điều kiện thời tiết cực đoan ảnh hưởng đến mùa màng cũng như chuỗi cung ứng toàn cầu chưa được khơi thông, làm dấy lên lo ngại chi phí lương thực sẽ trở nên đắt đỏ hơn nhiều đối với hàng tỷ người có thu nhập thấp khắp châu Á và châu Phi.

CNBC ngày 10/8 dẫn thông báo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) cho biết, giá gạo trên toàn cầu đã tăng chạm ngưỡng kỷ lục trong vòng 12 năm qua. Chỉ số giá gạo của FAO tháng 7/2023 tăng 2,8% lên 129,7 điểm, cao hơn gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức cao nhất từ tháng 9/2021.

Trong khi đó, BangkokPost trích dẫn số liệu của Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, thông tin, giá gạo 5% tấm của nước này hôm 9/8 đã lên 648 USD một tấn, đánh dấu mức giá cao nhất từng được ghi nhận kể từ năm 2008. So với một tháng trước, giá đã tăng khoảng 20%. Giá này được coi là tham chiếu giá gạo trong khu vực châu Á.

luong thuc toan cau 10-8.jpg -0
Giá gạo tăng tác động đến cuộc sống của hàng tỷ người dân thu nhập thấp ở nhiều khu vực trên thế giới. Ảnh: GettyImages

Giá gạo trên đà tăng trong bối cảnh nguồn cung lương thực trên toàn cầu đối mặt nguy cơ thiếu hụt do điều kiện cực đoan ảnh hưởng đến mùa màng, tác động của các cuộc xung đột vũ trang, cũng như việc một số quốc gia, bao gồm Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, chiếm tới 40% thương mại gạo - tháng trước cấm xuất khẩu một số loại gạo để đảm bảo tình hình nội địa. Việc giá gạo tăng làm dấy lên lo ngại chi phí lương thực sẽ đắt đỏ hơn, gây áp lực lên người thu nhập thấp.

Theo Bloomberg, gạo là lương thực rất quan trọng đối với chế độ ăn của hàng tỷ người châu Á và châu Phi. Gạo đóng góp tới 60% tổng lượng calo cho người dân ở các vùng của Đông Nam Á và châu Phi, và tỷ lệ này chạm ngưỡng 70% ở một vài quốc gia như Bangladesh.

Nhà phân tích thị trường gạo Shirley Mustafa của FAO cảnh báo, giá cả tăng buộc những nhóm người thu nhập thấp nhất "buộc phải giảm lương thực tiêu thụ, chuyển sang các lựa chọn thay thế không tốt về mặt dinh dưỡng hoặc phải cắt giảm chi phí cho các nhu yếu phẩm cơ bản khác như nhà ở và thực phẩm".

Ông Joseph Glauber, thành viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực quốc tế ở Washington (Mỹ), thì nhận định: "Giá gạo cao hơn sẽ góp phần gây ra lạm phát lương thực, đặc biệt là đối với các hộ gia đình thu nhập thấp ở các quốc gia tiêu thụ gạo lớn ở châu Á". Theo ông, có nguy cơ các nước sẽ áp dụng chính sách tương tự khi một quốc gia nào đó áp đặt lệnh cấm xuất khẩu nông sản và người nghèo trên thế giới là đối tượng thua thiệt nhiều nhất. Ngay sau lệnh cấm của Ấn Độ, Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Nga cũng quyết định dừng xuất khẩu gạo ra nước ngoài.

Ông Peter Timmer, Giáo sư Đại học Harvard (Mỹ), nhà nghiên cứu về an ninh lương thực trong nhiều thập kỷ qua và từng làm việc với các chính phủ châu Á về phản ứng chính sách của họ trong cuộc khủng hoảng lương thực năm 2008, dự báo giá gạo có thể tăng thêm 100 USD/tấn trong vòng 6-12 tháng tới. Theo ông Timmer, vấn đề đặt ra lúc này là liệu giá tăng sẽ diễn ra từ từ, giúp người tiêu dùng có thời gian điều chỉnh mà không hoảng loạn, hay giá sẽ tăng đột biến lên 1.000 USD/tấn thậm chí cao hơn. Sự quay trở lại của hiện tượng khí hậu El Nino, có thể gây khô hạn và ảnh hưởng đến các vụ lúa nước ở châu Á, đang làm trầm trọng thêm những lo ngại đó.

Reuters cho hay, gần 90% diện tích trồng lúa là ở châu Á, nơi đang xảy ra các sự kiện thời tiết bất lợi, đặc biệt là hiện tượng El Nino. Thái Lan, nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới, đang khuyến khích nông dân chuyển sang các loại cây trồng cần ít nước hơn, trong khi nông dân ở các vùng sản xuất lúa gạo hàng đầu của Indonesia đang trồng ngô và cải bắp.

Nhà kinh tế cấp cao của Tập đoàn Ngân hàng Đầu tư Maybank tại Singapore Chua Hak Bin đánh giá, rủi ro lớn nhất là El Nino và biến đổi khí hậu có thể làm gián đoạn sản xuất nông nghiệp và đẩy lạm phát lương thực nói chung lên cao hơn. Ông cho rằng, điều này có thể buộc nhà chức trách các quốc gia kích hoạt các chính sách bảo hộ, bao gồm kiểm soát xuất khẩu lương thực. Ông Chua Hak Bin nhận định các nền kinh tế thị trường mới nổi dễ bị tổn thương hơn trước những cú sốc giá lương thực như vậy do trọng lượng thực phẩm lớn hơn trong giỏ hàng tiêu dùng.

Tại hội nghị quốc tế về hệ thống lương thực diễn ra cuối tháng 7/2023, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng từng cảnh báo các hệ thống lương thực toàn cầu đang bị mất cân bằng khiến hàng tỷ người phải trả giá, bất chấp thực tế thế giới hiện nay đã phát triển hiện đại và nhiều người dân dư dả về vật chất. Ông trích dẫn các số liệu cho thấy hơn 780 triệu người trên khắp thế giới đang trong tình trạng thiếu lương thực, trong khi khoảng 30% lương thực trên thế giới vẫn bị lãng phí hoặc thất thoát.

Ngay lúc này, tại châu Phi, cuộc khủng hoảng lương thực đang đặt ra ngày càng nhiều thách thức. Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết, cứ trung bình 36 giây lại có một người chết đói ở Ethiopia, Kenya và Somalia. Gần 20 triệu người ở khu vực Sahel đang sống trong tình trạng mất an ninh lương thực. Tại Burkina Faso, số trẻ vị thành niên phải điều trị do suy dinh dưỡng nghiêm trọng tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Tại Niger, hạn hán tái diễn và lũ lụt thảm khốc, kết hợp với bối cảnh chính trị bất ổn khiến sản lượng ngũ cốc giảm gần 40%. Theo UNICEF, khoảng 430.000 trẻ em ở Niger bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng, trong khi số phụ nữ mang thai hoặc cho con bú bị suy dinh dưỡng được dự đoán là khoảng 154.000 người trong năm nay, tăng mạnh so với mức 64.000 người năm 2022.

Tình hình có thể diễn biến xấu đi nếu giá gạo nói riêng và giá lương thực nói chung không được bình ổn, vào thời điểm cuộc xung đột ở Ukraine khiến hoạt động xuất khẩu ngũ cốc qua ngả biển Đen bị gián đoạn. Các tổ chức quốc tế, bao gồm Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) gần đây liên tục kêu gọi các quốc gia hành động khẩn cấp để vượt qua cú sốc chưa từng có đối với hệ thống lương thực toàn cầu hiện nay.

Thái Hà
.
.
.