EU quay cuồng trong "cơn bão" đình công

Thứ Năm, 20/04/2023, 06:47

Các nền kinh tế lớn nhất Liên minh châu Âu (EU) đang đối diện làn sóng đình công của người lao động bắt nguồn từ chính những mâu thuẫn về quyền lợi chưa thể giải quyết thỏa đáng. Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới đang đối mặt nhiều biến động, bài toán đình công một lần nữa gây đau đầu cho các ông lớn EU.

Mâu thuẫn kéo dài

Nghiệp đoàn đường sắt và giao thông Đức (EVG) ngày 19/4 tuyên bố sẽ thực hiện cuộc đình công trên toàn quốc nhằm gây sức ép yêu cầu chính phủ tăng lương cho các công nhân. Cuộc đình công dự kiến kéo dài từ 3h đến 11h ngày 20/4 sẽ gây ảnh hưởng tới 50 công ty giao thông vận tải của nước này, và hàng nghìn người dân cùng khách du lịch, theo Reuters.

Nghiệp đoàn EVG đang thay mặt 230.000 người lao động đàm phán với bên sử dụng lao động nhằm đạt mức tăng lương 12%, hoặc ít nhất tăng 650 Euro (712 USD) mỗi tháng. Nghiệp đoàn Verdi, đại diện cho khoảng 2,5 triệu người lao động, cũng đã kêu gọi các nhân viên kiểm soát an ninh đình công tại 3 sân bay trong 2 ngày 20 và 21/4 tới. Trong khi đó, Công ty đường sắt quốc gia Đức Deutsche Bahn đề xuất mức tăng lương 5%, cùng khoản thanh toán một lần tối đa 2.500 Euro.

EU quay cuồng trong
Người biểu tình đổ xuống đường phố Paris phản đối cải cách lương hưu của chính phủ Pháp. Ảnh: Reuters

Tại Anh, công đoàn ngành y tá (RCN) nước này hôm 17/4 cũng cảnh báo có thể đình công đến Giáng sinh nếu các yêu cầu của họ về tiền lương không được chính phủ giải quyết thỏa đáng. Lần đầu tiên trong lịch sử 108 năm hình thành và phát triển RCN, các thành viên của công đoàn này đã tham gia vào làn sóng đình công của người lao động cả ở lĩnh vực công và tư nhân nhằm kêu gọi tăng lương trong bối cảnh lạm phát tăng cao.

Dự kiến, các cuộc tuần hành sẽ kéo dài 48 giờ từ ngày 30/4. Trước đó, ngày 14/4, các thành viên của RCN đã bác bỏ đề xuất tăng 5% lương của chính phủ Anh. Còn tại Pháp, chuỗi ngày biểu tình và đình công nhằm phản đối luật hưu trí sửa đổi mà Tổng thống Emmanuel Macron vừa ký thông qua đang nhấn chìm nước này trong mệt mỏi.

Phát biểu trên truyền hình vào khung giờ vàng tối 17/4, ông Macron giải thích với người Pháp rằng "việc làm việc lâu hơn một chút, như các nước láng giềng châu Âu của chúng ta đã làm, sẽ tạo ra nhiều của cải hơn cho nền kinh tế và cho phép mức đầu tư lớn hơn". Thế nhưng, ngay khi phát biểu được đưa ra, đám đông người biểu tình đã tụ tập bên ngoài các tòa thị chính trên khắp nước Pháp, hô vang các khẩu hiệu phản đối dự luật này, theo France 24. Các đảng và đoàn thể đối lập cũng cho rằng kế hoạch của ông Macron là đòn tấn công tiêu cực vào mô hình phúc lợi của đất nước.

Hậu quả nhãn tiền

Những gì đang xảy ra tại ba nền kinh tế hàng đầu EU có thể coi là đỉnh điểm của làn sóng đình công, biểu tình vốn lan rộng ở châu Âu từ cuối năm ngoái tới nay trong bối cảnh gia tăng căng thẳng xã hội do tình trạng khủng hoảng chi phí sinh hoạt, giá năng lượng tăng vọt và lạm phát cao ở "lục địa già". Giá lương thực và năng lượng tăng cao đã góp phần đẩy mạnh lạm phát và tiếp tục ảnh hưởng trực tiếp đến mức sống của người dân châu Âu cũng như những nơi khác. Ảnh hưởng này đặc biệt nghiêm trọng với những người thu nhập thấp. Trong khi đó, chính phủ một số quốc gia châu Âu đang phải đối mặt với nhiều thách thức như dân số già, giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu, cuộc xung đột tại Ukraine và chấm dứt lệ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Nga. Điều này dẫn đến mâu thuẫn ngày càng tăng trong lực lượng lao động châu Âu, đẩy họ đến quyết định đấu tranh để duy trì lợi ích của mình trong chiếc bánh kinh tế đang dần "nhỏ lại".

Nhưng hậu quả nhãn tiền không quá khó để nhận ra, với việc ngành hàng không điêu đứng. Các cuộc đình công tại Đức đã khiến tất cả các chuyến khởi hành từ sân bay Hamburg của Đức sẽ bị hủy hoặc cất cánh mà không có hành khách, với khoảng 80.000 hành khách bị ảnh hưởng. Trong khi đó, ở Anh, các cuộc đình công này đã ảnh hưởng đến dịch vụ khám chữa bệnh tại nhiều bệnh viện và cơ sở y tế nhà nước, khiến hàng nghìn lịch hẹn phẫu thuật và khám bệnh bị hủy.

Ở mức độ rộng hơn, dữ liệu từ các công ty du lịch cho thấy, các cuộc đình công trên khắp châu Âu đã dẫn đến tình trạng hủy chuyến bay, hoãn chuyến bay và đặt vé đến các thành phố như Paris tăng đột biến, bất chấp nỗ lực của các hãng hàng không nhằm tránh lặp lại tình trạng gián đoạn như năm ngoái.

"Tình hình nhanh chóng xấu đi khi Pháp chìm trong cuộc khủng hoảng cải cách lương hưu. Sân bay Charles de Gaulle bị ảnh hưởng tiêu cực, cả với tư cách là điểm đến và trung tâm", Olivier Ponti, chuyên gia thuộc công ty dữ liệu du lịch ForwardKeys, cho biết.

Vòng xoáy bất ổn về kinh tế và địa chính trị vẫn đang tiếp diễn, trong khi thị trường lao động bị thắt chặt và lạm phát tăng cao đang tác động trực tiếp tới đời sống và thu nhập của người dân châu Âu, đặt các chính phủ EU vào bài toán cấp bách ngay lập tức - bài toán trấn an toàn dân. Bởi, các công đoàn sẵn sàng thực hiện chiến dịch đình công dài hạn, cho đến khi những quyết sách phù hợp được đưa ra.

An Nhiên
.
.
.