EU nhóm họp giữa ngổn ngang bất đồng

Thứ Bảy, 31/08/2024, 06:24

Ngoại trưởng các nước Liên minh châu Âu (EU) ngày 29/8 (giờ địa phương) đã nhóm họp tại Brussels của Bỉ, thay vì Thủ đô Budapest của Hungary, để tập trung bàn về cuộc xung đột Ukraine, tình hình Dải Gaza và cuộc bầu cử ở Venezuela.

Diễn ra trong bối cảnh các nước EU còn nhiều bất đồng, trong đó có khoản hỗ trợ Ukraine trị giá 6 tỉ euro, cuộc họp được mở rộng, trong đó có sự tham dự của 3 nhân vật đáng chú ý, gồm Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan và đại diện phe đối lập Venezuela Edmundo Gonzalez.

Đến với cuộc họp, Ngoại trưởng Dmytro Kuleba tiếp tục đưa ra lời kêu gọi các nước EU tăng cường viện trợ vũ khí trong bối cảnh Ukraine đang tấn công sang bên phần lãnh thổ Nga và muốn duy trì “động lực tấn công”. Ông cũng nhắc lại lời kêu gọi của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky rằng, nước này cần sự cho phép nhiều hơn của phương Tây về quyền được sử dụng vũ khí để tấn công các mục tiêu ở sâu bên trong lãnh thổ Nga. Điều này đã nhận được sự ủng hộ từ đại diện cấp cao EU phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell.

Ông nêu rõ: “Những hạn chế sử dụng vũ khí như vậy phải được dỡ bỏ hoàn toàn để Ukraine có thể tự vệ. Các thiết bị mà chúng ta cung cấp cho Ukraine phải được sử dụng đầy đủ để nước này có thể tấn công những nơi mà từ đó Nga tấn công họ”.

Ngoài ra, ông cũng thừa nhận EU vẫn chưa thể gỡ bỏ lệnh cấm phân bổ 6 tỉ euro (6,6 tỉ USD) từ Quỹ hòa bình châu Âu để chi trả cho các nguồn cung cấp vũ khí cho Ukraine với lý do các quốc gia thành viên trong khối thiếu sự thống nhất. Bên cạnh đó, quan chức hàng đầu EU tuyên bố khối này đã bắt đầu chuyển hướng doanh thu từ tài sản bị phong tỏa của Nga để thanh toán cho các nguồn cung cấp quân sự cho Ukraine.

Ông Josep Borrell khẳng định 1,4 tỷ euro (1,55 tỷ USD) đã được chuyển. Kiến nghị của Ngoại trưởng Dmytro Kuleba và quan điểm của ông Josep Borrell được Pháp, Thụy Điển, Latvia, Hà Lan và Ba Lan ủng hộ. Các quốc gia này cho rằng luật pháp quốc tế không cấm Ukraine tấn công vào Nga vì Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự trước.

EU nhóm họp giữa ngổn ngang bất đồng -0
Binh lính Ukraine khai hỏa lựu pháo về phía quân đội Nga. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto– quốc gia Chủ tịch luân phiên EU - tuyên bố Budapest phản đối những cuộc tấn công bằng vũ khí tầm xa vào lãnh thổ Nga do nguy cơ leo thang xung đột nghiêm trọng, đồng thời khẳng định Hungary sẽ bảo vệ lập trường hòa bình. Ông nêu rõ: “Phần lớn các quốc gia EU và các quan chức ở đây đều có lập trường ủng hộ chiến tranh tuyệt đối. Trên thực tế, tâm lý chiến tranh này làm nhiều người mù quáng. Ở thời điểm này, việc mở rộng lãnh thổ của cuộc chiến, hay việc gia tăng số lượng vũ khí, hay việc sử dụng vũ khí phương Tây trên lãnh thổ Nga mà không cấu thành mối đe dọa leo thang trong cuộc xung đột. Đó là suy nghĩ đi ngược lại thực tế”. Theo ông, nếu ngày càng có nhiều vũ khí xuất hiện trên lãnh thổ (Ukraine), nếu có những cuộc tấn công tầm xa vào lãnh thổ Nga thì nguy cơ leo thang sẽ gia tăng và mối đe dọa chiến tranh sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn. Ngoại trưởng Peter Szijjarto khẳng định: “Chúng tôi không muốn đối diện với nguy cơ này, đó là lý do chúng tôi cũng sẽ trình bày lập trường hòa bình tại Brussels ngày hôm nay”.

Ngoài vấn đề Ukraine, vấn đề ngừng bắn cho Gaza cũng là một trọng tâm của cuộc họp. Hầu hết các Ngoại trưởng EU đều bày tỏ quan ngại về tình hình nhân đạo hiện nay ở Gaza, kêu gọi một lệnh ngừng bắn ngay lập tức để hỗ trợ nhân đạo cho người dân ở khu vực này. Liên quan tới vấn đề này, trong ngày 29/8 (giờ địa phương), Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) đã có cuộc họp mở về tình hình Trung Đông, tập trung vào tình hình nhân đạo tại Gaza, theo yêu cầu của Thụy Sĩ và Anh.

Quyền Trợ lý Tổng Thư ký LHQ phụ trách các vấn đề nhân đạo Joyce Msuya nhận định nỗ lực và hoạt động cứu trợ nhân đạo tại Gaza gặp thách thức nghiêm trọng. Lệnh sơ tán được Israel ban hành với số lượng tăng kỷ lục trong vài tuần gần đây đã gây ảnh hưởng lớn đến dân thường Gaza và các đội cứu trợ. Có đến hơn 88% diện tích lãnh thổ Gaza thuộc diện phải sơ tán, đẩy các cộng đồng dân cư phải sống trong tình cảnh bấp bênh. Theo bà, người dân Gaza gặp vô vàn khó khăn, sống đông đúc, tập trung vào diện tích lãnh thổ ít ỏi còn lại, thiếu thốn nước sạch, điều kiện chăm sóc y tế. Họ phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực, thiếu nước uống, không nhà cửa...

Đề cập nhiệm vụ trước mắt, quan chức LHQ nhấn mạnh nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong triển khai thành công chiến dịch tiêm chủng phòng, chống bại liệt cho trẻ em Gaza - căn bệnh mà thế giới từng cho rằng đã kiểm soát được. Theo bà, cần phải bảo đảm an ninh và các tuyến đường mở thông tới các địa điểm tiêm chủng để ngăn chặn thảm họa dịch bệnh, cùng với đó là mở cửa cho hoạt động cứu trợ nhân đạo.

Tại cuộc họp, đại diện các nước bày tỏ quan ngại về diễn biến leo thang bạo lực ở Bờ Tây, tái khẳng định sự cần thiết phải thiết lập một lệnh ngừng bắn, phóng thích con tin, mở thông các hành lang an toàn cho hoạt động nhân đạo và lâu dài là thực thi giải pháp hai nhà nước. Cùng ngày, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo Israel và Hamas đã nhất trí tạm ngừng giao tranh ở Dải Gaza để tạo điều kiện cho việc triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng bệnh bại liệt cho trẻ em từ ngày 1/9.

Quay trở lại với cuộc họp của EU, kết quả bầu cử Tổng thống tại Venezuela cũng là vấn đề được nhiều Ngoại trưởng EU quan tâm. Do đó, ông Edmundo Gonzalez đã được EU mời phát biểu trực tuyến tại cuộc họp. Ông Josep Borrell nhấn mạnh: “Phát biểu của ông Edmundo Gonzalez sẽ rất quan trọng đối với Ngoại trưởng các nước EU để đánh giá về tình hình ở Venezuela. Tôi hy vọng rằng, sau cuộc họp này, Ngoại trưởng EU sẽ quyết định nói gì về kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống Venezuela”.

Khổng Hà

.
.