EU công bố kế hoạch cực tốn kém để thoát năng lượng Nga

Thứ Tư, 18/05/2022, 19:52

Liên minh châu Âu (EU) công bố kế hoạch trị giá tới 210 tỷ Euro, tương đương khoảng 220 tỷ USD, nhằm thực hiện các dự án hướng tới thoát khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch Nga.

Ủy ban châu Âu (EC) hôm nay (18/5) chính thức công bố kế hoạch táo bạo có tên REPowerEU nhằm chuyển đổi hệ thống năng lượng của toàn khối EU hướng tới thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguồn cung từ Nga, và theo hướng xanh hóa nhằm giải quyết các vấn đề về khí hậu.

EU công bố kế hoạch cực tốn kém để thoát năng lượng Nga -0
EU công bố kế hoạch REPowerEU hướng tới thoát phụ thuộc vào năng lượng Nga. Ảnh: AP

Theo thông cáo chính thức, khoảng "85% người dân ở châu Âu tin rằng EU nên giảm nhập khẩu khí đốt và dầu mỏ của Nga càng sớm càng tốt để hỗ trợ Ukraine", trong bối cảnh chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine tiếp tục diễn biến phức tạp.

Kế hoạch REPowerEU của châu Âu tập trung vào 3 giải pháp chính: Tiết kiệm năng lượng, giảm tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch trong công nghiệp và vận tải; đa dạng hóa nguồn cung năng lượng; và tăng cường khai thác năng lượng tái tạo.

Châu Âu dự kiến chi tới 210 tỷ Euro từ nay đến năm 2027, khoản chi phí lớn chưa từng có, nhằm hiện thực hóa kế hoạch REPowerEU.

Châu Âu khẳng định họ đã làm việc với các đối tác quốc tế để tìm kiếm các nhà cung cấp năng lượng mới ngoài Nga, đồng thời tăng cường mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) thay vì lượng khí vận chuyển từ Nga thông qua các hệ thống đường ống.

Để đảm bảo vị thế thương lượng và phân chia khí đốt công bằng, EU sẽ thiết lập cơ sở hạ tầng và phát triển một "cơ chế mua chung" giống như với vaccine ngừa COVID-19.

Nga đang cung cấp trên dưới 40% nhu cầu khí đốt của châu Âu, trong đó Đức, Italy và nhiều nước Trung Âu phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung này. Khoảng 25% nguồn dầu mỏ được sử dụng trên khắp châu Âu cũng đến từ Nga.

EU vài ngày qua thảo luận về việc áp đặt vòng trừng phạt thứ 6 nhằm vào Nga, nhưng vẫn chưa đạt đồng thuận về khả năng ban bố một lệnh cấm dầu mỏ Nga khi một số quốc gia, bao gồm Hungary, lo ngại động thái này sẽ gây tác động như “bom hạt nhân” với nền kinh tế.

Thái Hà
.
.
.