EU “bàn” về khả năng gia nhập liên minh của Ukraine

Thứ Bảy, 05/03/2022, 10:30

Các Ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU) ngày 4/3 bắt đầu thảo luận về yêu cầu xin gia nhập khối của Ukraine, Gruzia và Moldova. Việc kết nạp những quốc gia thuộc ảnh hưởng của Liên Xô trước đây được dự báo là một tiến trình không dễ dàng và thậm chí có nguy cơ làm đổ vỡ cấu trúc an ninh châu Âu.

Theo nước Chủ tịch luân phiên EU hiện nay là Pháp, ngoài những khía cạnh khác nhau của cuộc xung đột tại Ukraine, vấn đề tăng cường quan hệ với Ukraine cũng được đặt ra. Đây sẽ là một trong những trọng tâm thảo luận của một loạt Hội nghị thượng đỉnh EU ngay trong tháng 3 này.Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã coi việc kết nạp nước này ngay lập tức vào khối là một minh chứng cho sự ủng hộ và tình đoàn kết.

“EU sẽ mạnh mẽ hơn nếu có chúng tôi trong đó, điều này là chắc chắn. Chúng tôi đã chứng minh được sức mạnh của mình và giờ là lúc hãy chứng minh, các bạn cũng đang ở bên chúng tôi, chứng minh rằng các bạn sẽ không để chúng tôi đơn độc, chứng minh các bạn là những người châu Âu thực sự”, ông nói.

Dù việc kết nạp Ukraine từ lâu đã không phải là vấn đề nhận được sự đồng thuận của EU, song chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine đã làm thay đổi các lập trường. Trong khi hầu hết các quốc gia thành viên Đông Âu của EU như Cộng hòa Czech, Latvia hay Litva gần như ngay lập tức ủng hộ, thì Pháp, vốn không mấy mặn mà với việc kết nạp các thành viên mới, đặc biệt là từ Tây Balkan, cũng cho thấy sự cởi mở hơn.

EU “bàn” về khả năng gia nhập liên minh của Ukraine -0
Tư cách thành viên EU là một quá trình lâu dài và khắt khe, buộc các nước ứng viên phải đáp ứng được hàng nghìn quy định về dân chủ hay kinh tế thị trường.(Ảnh minh họa)

Điện Elyseé cuối tuần qua cho biết, vận mệnh của châu Âu đã thay đổi cùng với cuộc xung đột này. EU sẽ phải suy nghĩ lại về việc xây dựng liên minh với tất cả các đối tác, những nước có chung nhu cầu hòa bình và an ninh. Các nước Balkan và 3 nước thuộc Đối tác phía Đông (Ukraine, Gruzia và Moldova) chắc chắn sẽ cần được hội nhập sâu hơn. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel tỏ ra thận trọng hơn: “Hội đồng châu Âu cần xem xét nghiêm túc yêu cầu xin gia nhập của EU, một bước đi mang tính biểu tượng chính trị mạnh mẽ. Một yêu cầu mà tôi nghĩ là hợp pháp.EU cần đưa ra các định hướng và quyết định một cách công bằng”.

Về phía giới chuyên gia, theo nhận định của ông Olivier Costa tới từ Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp, dưới sức ép của Ukraine, EU có thể sớm sẽ thông qua quy chế ứng cử viên cho Kiev. Tuy nhiên điều này chỉ mang tính trấn an và không nói lên điều gì nhiều tương tự như trường hợp của Thổ Nhĩ Kỳ, một quốc gia ứng cử viên từ năm 1987. Bối cảnh đặc biệt mà yêu cầu của Ukraine được đưa ra cũng không đủ để khiến nước này trở nên khác biệt so với các ứng cử viên khác.Tư cách thành viên EU là một quá trình lâu dài và khắt khe, buộc các nước ứng viên phải đáp ứng được hàng nghìn quy định về dân chủ hay kinh tế thị trường.

Đối với những quốc gia đang khủng hoảng như Ukraine, việc đáp ứng được những quy định này chỉ trong vài năm là điều rất khó và châu Âu sẽ rất thận trọng để tránh không làm ảnh hưởng tới các dự án châu Âu trong tương lai. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến cho rằng, tư cách thành viên đầy đủ có thể không phải là tất cả và EU có thể cung cấp cho các nước thuộc Liên Xô trước đây một hình thức hỗ trợ khác.

Trong một diễn biến liên quan, trả lời phỏng vấn Kênh truyền hình ZDF ngày 3/3 (giờ địa phương), Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhận định, việc từ chối Ukraine và Gruzia gia nhập NATO là một quyết định đúng đắn: “Đây là một quyết định đúng đắn, sau những cuộc đàm phán kéo dài trong NATO về vấn đề này”. Ông dường như muốn nhắc đến Hội nghị Thượng đỉnh NATO hồi tháng 6/2021 ở Brussles khi NATO thông qua quyền gia nhập liên minh của 2 nước này về mặt nguyên tắc, song không đưa ra khung thời gian cụ thể cho việc kết nạp và khẳng định cả hai nước này cần có những “cải cách” trước khi điều đó xảy ra.

Thủ tướng Đức cũng xác nhận tư cách thành viên NATO của Ukraine sẽ không nằm trong chương trình nghị sự của liên minh hiện nay.NATO lần đầu tiên thực hiện “chính sách mở cửa” cho các nước từng thuộc Liên Xô tại Hội nghị Thượng đỉnh Bucharest vào tháng 4/2008. Nga khẳng định mong muốn gia nhập NATO của Ukraine là một “lằn ranh đỏ” với an ninh quốc gia của nước này, đồng thời đưa ra cho Mỹ và NATO đề xuất cấu trúc an ninh châu Âu chung vào tháng 12.

Tuy nhiên, cả Washington và NATO đều từ chối. Thủ tướng Olaf Scholz đánh giá, các đối tác của Ukraine chưa sẵn sàng chấp nhận để Ukraine gia nhập NATO bởi Moscow không muốn Kiev ở trong liên minh này.

Phản ứng của nhóm bộ tứ

Diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động khi căng thẳng chiến sự Nga-Ukraine chưa hạ nhiệt, hội nghị thượng đỉnh nhóm Bộ Tứ được kỳ vọng sẽ đưa ra những cam kết mới nhằm thúc đẩy hợp tác và tăng cường vai trò của các bên trong việc duy trì hoà bình và ổn định.

Trên thực tế, đây chỉ là một cuộc họp trực tuyến giữa lãnh đạo nhóm Bộ Tứ và hội nghị thượng đỉnh của nhóm này vẫn diễn ra vào tháng 5 tại Nhật Bản. Ngay sau khi kết thúc cuộc họp, các bên đã ra thông báo chung, tái khẳng định cam kết đối với một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, nơi chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các nước được tôn trọng và là nơi các nước không phải chịu cưỡng ép quân sự, kinh tế và chính trị.

Lãnh đạo các nước cũng thảo luận về cuộc xung đột và khủng hoảng nhân đạo ở Ukraine đồng thời đánh giá những ảnh hưởng của tình hình tại Ukraine. Các bên cũng thống nhất thiết lập một cơ chế mới về giảm nhẹ thiên tai và trợ giúp nhân đạo nhằm giúp nhóm Bộ Tứ đối phó với những thách thức nhân đạo trong tương lai ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đồng thời cung cấp một kênh liên lạc trong bối cảnh mỗi nước có các cách thức riêng để ứng phó và xử lý cuộc khủng hoảng ở Ukraine.  

Những ngày qua, Mỹ đã tập hợp, hối thúc các đồng minh và đối tác trên toàn thế giới áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt hà khắc đối với hàng loạt thực thể và cá nhân Nga nhằm khiến Moscow phải chấm dứt chiến dịch quân sự tại Ukraine và rút quân đội về nước. (Mai Anh)

Và phản ứng của NATO

Ngày 4/3, Ngoại trưởng các nước thành viên NATO nhóm họp tại Brussels, Bỉ để bàn về tình hình Ukraine. Phát biểu trước cuộc họp, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố, NATO không tìm kiếm một cuộc xung đột với Nga, song sẵn sàng đương đầu với tình huống này.

“Như Tổng thư ký NATO đã nói, chúng tôi là một liên minh phòng thủ.Chúng tôi không tìm kiếm xung đột. Nhưng nếu xung đột xảy đến, chúng tôi sẵn sàng. Chúng tôi sẽ bảo vệ từng tấc lãnh thổ của NATO.Chúng tôi cũng đang chuẩn bị cho tương lai của NATO”, ông nói. Ngoại trưởng Mỹ cũng lên án các cuộc tấn công của Nga tại Ukraine, quan ngại về các báo cáo nhà máy điện hạt nhân tại quốc gia này bị tấn công. Ông kêu gọi Nga chấm dứt hoạt động quân sự tại Ukraine, rút hết quân về nước và tham gia vào các cuộc đàm phán một cách thiện chí. (PV)

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.