Đức lần đầu tiên vạch chiến lược tiếp cận riêng với Trung Quốc

Thứ Sáu, 14/07/2023, 06:03

Trong bài phát biểu tại Viện nghiên cứu Trung Quốc Mercator ở Berlin hôm 13/7, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nêu rõ, chính phủ nước này không muốn tách mình khỏi Trung Quốc, nhưng mong muốn đa dạng hóa thương mại và chuỗi cung ứng nhằm củng cố khả năng phục hồi.

Trong bản chiến lược dài 64 trang, chính phủ Đức cho biết, họ muốn đảm bảo rằng hợp tác kinh tế giữa Berlin và Bắc Kinh “trở nên công bằng hơn, bền vững hơn và có đi có lại hơn”. Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nêu rõ, chính phủ Đức coi Trung Quốc là một đối thủ chiến lược trong những năm gần đây, khi Bắc Kinh chứng kiến sự tăng trưởng kinh tế chưa từng có.

"Trung Quốc đã thay đổi và do đó chính sách của chúng tôi về Trung Quốc cũng phải thay đổi. Chúng tôi không tách khỏi Trung Quốc nhưng chúng tôi muốn giảm thiểu rủi ro bằng cách đa dạng hóa các mối quan hệ kinh tế. Thực tế đã cho thấy, Đức đã mắc sai lầm khi phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nhiên liệu hóa thạch của Nga", bà Annalena Baerbock nhấn mạnh. 

Đức lần đầu tiên vạch chiến lược tiếp cận riêng với Trung Quốc  -0
Chính phủ Đức lần đầu tiên công bố chiến lược riêng về Trung Quốc hôm 13/7. Ảnh: Imago.

Được biết, chính phủ Đức có kế hoạch điều chỉnh danh sách kiểm soát xuất khẩu như một phần của sáng kiến toàn châu Âu nhằm bảo vệ các công nghệ chủ chốt mới, trong bối cảnh Trung Quốc gần đây đã áp đặt các biện pháp hạn chế xuất khẩu đối với một số kim loại được sử dụng trong chất bán dẫn.

Theo bà Annalena Baerbock, các công ty Đức làm việc nhiều với phía Trung Quốc cần nắm rõ các nguyên lý của lợi ích, hiểu rõ chuỗi cũng ứng của họ và đảm bảo rằng mọi bước đi là mình bạch. "Điều này vô cùng quan trọng không chỉ vì quyền con người mà còn nhằm bảo vệ lợi ích của chính nước Đức, trong đó có lợi ích kinh tế", Ngoại trưởng Đức khẳng định.

Cũng trong bài phát biểu, bà Annalena Baerbock thông tin, rằng chính phủ Đức sẽ kiến nghị lên Tổ chức Thương mại Thế giới xem xét lại việc coi Trung Quốc là một quốc gia đang phát triển, bởi thực tế đây là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. 

Bình luận về chiến lược này, phía đại sứ quán Trung Quốc tại Berlin cùng ngày cho hay, họ hy vọng Đức có thể nắm bắt sự phát triển một cách hợp lý, toàn diện và khách quan. Dù Đức coi Trung Quốc là một đối thủ nhưng trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu, Bắc Kinh luôn là một đối tác tích cực của Berlin. 

Theo một nguồn thạo tin, đảng Xanh của bà Baerbock ủng hộ đường lối cứng rắn với Bắc Kinh, không giống như sự linh hoạt mà đảng Dân chủ xã hội của Thủ tướng Olaf Scholz đề ra. Sự bất đồng giữa hai bên thể hiện rõ nhât sau thông tin về việc ông Scholz thúc đẩy bán một phần cổ phần của bến container tại Hamburg cho một công ty nhà nước Trung Quốc, bất chấp sự phản đổi của đảng Xanh. 

Trước đó, hồi giữa tháng 6, chính phủ của Thủ tướng Đức Olaf Scholz công bố Chiến lược An ninh quốc gia đầu tiên với 3 trụ cột chính nhằm tăng cường "năng lực phòng thủ, khả năng thích ứng và tính bền vững".

Phát biểu bên lề hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Vilnius (Lithuania) gần đây, bà Annalena Baerbock thông tin, chiến lược này nhằm truyền đi thông điệp rằng nước Đức muốn sống trong hòa bình và tự do cùng với tất cả các đối tác trên thế giới, với tất cả các quốc gia trên thế giới. Nhưng nước Đức không "ngây thơ". 

Kim Ngọc
.
.
.