Đức công bố Chiến lược An ninh quốc gia đầu tiên trong lịch sử
Chính phủ của Thủ tướng Đức Olaf Scholz công bố Chiến lược An ninh quốc gia đầu tiên với 3 trụ cột chính nhằm tăng cường "năng lực phòng thủ, khả năng thích ứng và tính bền vững".
Hãng tin DW của Đức cho biết, Thủ tướng Olaf Scholz và các thành viên nội các của ông ngày 14/6 chính thức trình bày Chiến lược An ninh quốc gia đầu tiên của nước này, được xây dựng nhằm "tránh những sai lầm trong quá khứ" liên quan đến các diễn biến địa chính trị toàn cầu.
Đức từng ban bố nhiều văn bản chính sách về an ninh quốc gia, nhưng văn kiện vừa công bố là một chiến lược toàn diện và cụ thể đầu tiên.
Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Scholz nói rằng, chính phủ của ông đi đến quyết định xây dựng Chiến lược An ninh quốc gia trong bối cảnh cấu trúc an ninh của châu Âu đã thay đổi hoàn toàn liên quan đến chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine cũng như sự cố với tuyến ống Nord Stream.
Ông Scholz cho biết thêm, các chính sách trước đây thường chỉ tập trung vào vấn đề quốc phòng, thì văn kiện mới tập trung hơn vào chính sách đối ngoại. "Dù mọi sự thay đổi ra sao thì nhiệm cụ cốt lõi của một đất nước sẽ luôn là đảm bảo an ninh cho công dân của mình", ông Scholz nêu.
Theo Thủ tướng Scholz, Chiến lược An ninh quốc gia tuân theo nguyên tắc "an ninh tích hợp", trong đó không chỉ liên quan tới vấn đề quốc phòng, mà cả về ngoại giao, phát triển và khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng, nhằm giúp Berlin kiên cường hơn trước những cuộc khủng hoảng.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nêu rõ: "Trong tương lai, chúng tôi sẽ tập trung nhiều hơn vào vấn đề an ninh khi đưa ra các quyết định về chính sách kinh tế... Chúng tôi đã trả gấp đôi, thậm chí gấp ba lần bằng an ninh quốc gia cho mỗi m3 khí đốt Nga".
Chiến lược An ninh quốc gia của Đức dài 76 trang, do Bộ Ngoại giao nước này chủ trì soạn thảo. New York Times mô tả văn kiện này phân tích môi trường an ninh theo cách tiếp cận tổng thể có hệ thống dựa trên khái niệm rộng về an ninh và các biện pháp cụ thể.
Nhìn chung, chiến lược của Đức tập trung vào 3 trụ cột là "năng lực phòng thủ, khả năng thích ứng và tính bền vững".
Trong đó, trụ cột đầu tiên nhấn mạnh tới một nền quốc phòng tích cực, mạnh mẽ, có khả năng răn đe cao. Đức dự kiến tăng chi cho quân đội để đạt mục tiêu của NATO là 2% GDP từ năm tới. Mỹ từ lâu đã hối thúc Đức chi tiền nhiều hơn cho quốc phòng.
Bản chiến lược mới cũng mô tả Đức sẽ đóng vai trò quan trọng trong đẩy mạnh công nghệ quốc phòng ở cấp độ châu Âu và hài hoà các quy định về kiểm soát xuất khẩu vũ khí trên toàn Liên minh châu Âu (EU).
Chi tiêu quốc phòng của Đức hiện ở mức khoảng 1,5% GDP. Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner nhấn mạnh chỉ có thể đạt chi tiêu quốc phòng ở mức 2% GDP từ năm 2024 với các quỹ đặc biệt, nếu không sẽ cần đến các khoản tiết kiệm lớn hoặc tăng thuế.
Về khả năng thích ứng, Đức sẽ tập trung vào cải thiện năng lực của nước này và các đồng minh trong "bảo vệ các giá trị", giảm phụ thuộc kinh tế vào các đối thủ, ngăn chặn và đánh bại các cuộc tấn công mạng, đồng thời bảo vệ Hiến chương Liên hợp quốc (LHQ).
Trụ cột về tính bền vững sẽ nhắc đến cách thức giải quyết các vấn đề như biến đổi khí hậu, khủng hoảng năng lượng và an ninh lương thực.
Truyền thông phương Tây cho hay, Chiến lược An ninh quốc gia của Đức từng được lên kế hoạch công bố trong dịp diễn ra Hội nghị An ninh Munich hồi tháng 2/2023, song đã không được công bố vào thời điểm đó do các bất đồng nội bộ về việc xây dựng các nội dung cụ thể trong văn kiện.