Đức cắt nước nóng vì thiếu nguồn cung khí đốt từ Nga
Hanover đã trở địa điểm đầu tiên ở Đức áp dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng khẩn cấp, như tắt đèn và cắt toàn bộ nước nóng tại các toà nhà công cộng cũng như các trung tâm giải trí.
The Guardian ngày 29/7 đưa tin, trong bối cảnh Đức đang phải đối mặt với áp lực thiếu nguồn cung khí đốt, các thành phố tại nước này, đi đầu là Hanover đã bắt đầu tắt đèn chiếu sáng tại các đài tưởng niệm công cộng, tắt đài phun nước, dùng vòi sen nước lạnh ở các khu bể bơi và nhà thi đấu thể thao.
Những nơi được ưu tiên sử dụng điện và hệ thống nước nóng bao gồm các bệnh viện, nhà dưỡng lão và trường học.
Thông cáo của giới chức Hanover nêu rõ: "Từ 1/10/2022 - 31/3/2023, các toà nhà không được phép chạy hệ thống sưởi ấm vượt quá 20 độ C. Tất cả các loại điều hoà hay quạt sưởi ấm cá nhân cũng bị cấm sử dụng".
Động thái này của Đức là một trong những nỗ lực nhằm đáp ứng mục tiêu mà chính phủ nước này và các nước châu Âu khác đặt ra là giảm tối thiểu 15% lượng tiêu thụ khí đốt trong giai đoạn từ tháng 8/2022 - 3/2023, trước nguy cơ bị Nga khoá van.
Được biết, Đức là nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) phụ thuộc lớn nhất vào nguồn cung năng lượng từ Nga khi nhập đến 55% lượng khí đốt từ Moscow vào thời điểm trước xung đột Nga-Ukraine. Hiện tập đoàn Gazprom của Nga chỉ cung cấp khoảng 20% lượng khí đốt cho Đức và châu Âu thông qua đường ống dẫn khí "Dòng chảy phương Bắc 1".
Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck hôm 28/7 cho biết, ngoài việc tiết kiệm năng lượng, chính phủ sẽ cho phép các công ty năng lượng Đức tăng giá. Do đó, mỗi hộ gia đình Đức sẽ phải trả thêm vài trăm euro vào mùa đông tới. Theo ông Robert Habeck, điều này là bắt buộc bởi chính quyền không thể gánh vác tất cả trong khi đang đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng lớn nhất lịch sử.