Doanh nghiệp Mỹ thấy Trung Quốc ngày càng khó đầu tư

Thứ Tư, 30/08/2023, 06:32

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo ngày 29/8 cho biết, các công ty Mỹ phàn nàn với bà rằng, Trung Quốc hiện nay trở nên “không thể đầu tư” do nhiều hành động khiến việc kinh doanh ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đối mặt nhiều rủi ro.

Doanh nghiệp Mỹ thấy Trung Quốc ngày càng khó đầu tư  -0
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo (trái) trong cuộc gặp với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường. Ảnh AP. 

Những bình luận được bà Gina Raimondo đưa ra với các phóng viên khi phái đoàn quan chức Mỹ đang có chuyến thăm Trung Quốc, đi tàu cao tốc từ Bắc Kinh đến Thượng Hải, đồng thời vẽ ra một bức tranh ảm đạm về cách nhìn của các công ty Mỹ đối với Trung Quốc và cũng là nhận xét thẳng thắn nhất mà bà đưa ra trong chuyến đi lần này.

“Tôi ngày càng nghe nhiều doanh nghiệp Mỹ nói rằng không thể đầu tư vào Trung Quốc vì điều này trở nên quá rủi ro”, bà Raimondo cho biết và nói thêm rằng, các công ty Mỹ đang phải đối mặt với những thách thức mới, trong số đó có “các khoản phạt cắt cổ mà không có bất kỳ lý do nào, các sửa đổi đối với luật phản gián không rõ ràng và gây ra làn sóng chấn động trong cộng đồng doanh nghiệp Mỹ” và đây là những điều Washington rất muốn được giải quyết.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ là quan chức cấp cao mới nhất của chính quyền Tổng thống Joe Biden đến thăm Trung Quốc trong nỗ lực tăng cường liên lạc, đặc biệt là về kinh tế và quốc phòng khi mà căng thẳng giữa hai siêu cường có thể vượt quá tầm kiểm soát.

Bà Raimondo khẳng định, Mỹ không muốn tách khỏi Trung Quốc nhưng nói thêm rằng, “chúng tôi không đặt trọn hết niềm tin vào một nơi”.

Trước đó, trong ngày 29/8, bà Raimondo đã có cuộc gặp với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tại Đại lễ đường nhân dân, Bắc Kinh. Tại đây, bà đề cập đến những lĩnh vực khác mà toàn cầu quan tâm như: biến đổi khí hậu, trí tuệ nhân tạo, cuộc khủng hoảng fentanyl... mà Mỹ muốn hợp tác với Trung Quốc với tư cách là hai cường quốc toàn cầu, “để làm những gì đúng đắn cho toàn nhân loại”.

Các doanh nghiệp là tâm điểm của cuộc “tranh giành quyền lực” giữa hai siêu cường trong nhiều năm. Trung Quốc đã chỉ trích những nỗ lực của Mỹ nhằm ngăn chặn nước này tiếp cận các chất bán dẫn tiên tiến thông qua các biện pháp kiểm soát xuất khẩu, trong khi Washington cho rằng đây là biện pháp cần áp dụng để bảo vệ an ninh quốc gia.

Mỹ cũng đang áp dụng chính sách thuế xe điện để thúc đẩy các nhà sản xuất ô tô chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc, đầu tư hàng tỷ USD vào trợ cấp để thúc đẩy sản xuất chất bán dẫn ở Mỹ cũng như các biện pháp khác để chuyển một số khoản đầu tư của Mỹ ra khỏi Trung Quốc.

Cùng với đó, Bắc Kinh đang hạn chế các lô hàng từ công ty chip nổi tiếng Micron, không phê duyệt kịp thời cho thỏa thuận tỷ USD của Intel, đồng thời đột kích và phạt công ty Mintz Group của Mỹ 1,5 triệu USD vì hành vi thực hiện “thống kê không được phê duyệt”. Hãng Boeing cũng đã không thể giao và nhận thanh toán cho 85 máy bay phản lực 737 MAX do khách hàng Trung Quốc đặt hàng nhiều năm trước.

Mỹ và Trung Quốc từng là đối tác thương mại lớn nhất của nhau nhưng Washington hiện “làm ăn” nhiều hơn với các nước láng giềng Canada và Mexico, trong khi Bắc Kinh cũng chuyển hướng sang Đông Nam Á.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ nhấn mạnh, những hành động gần đây của Trung Quốc “tạo ra sự không chắc chắn và khó đoán trước”. “Vì vậy, các doanh nghiệp Mỹ đang tìm kiếm những cơ hội khác, các quốc gia khác, những nơi khác để đến”.

Những bình luận này có thể chọc giận các quan chức Trung Quốc. Công ty tài chính JP Morgan trong một báo cáo năm ngoái đã “gán mác” các công ty về internet của Trung Quốc là “không thể đầu tư”, khiến giá cổ phiếu của những công ty này giảm mạnh, nhưng sau đó lại cho biết, thuật ngữ này đã được sử dụng do nhầm lẫn.

Duy Tiến (Theo Reuters)
.
.
.