Điều gì khiến thế giới lo ngại biến chủng Lambda?
Các nghiên cứu chỉ ra rằng biến chủng Lambda của virus SARS-CoV-2 có tốc độ lây lan cao hơn các biến chủng ban đầu và hiện đã "có mặt" tại ít nhất 29 quốc gia.
Hơn một năm rưỡi từ khi xuất hiện, virus SARS-CoV-2 đã biến đổi liên tục và hiện có đến hàng ngàn biến chủng khác nhau của loại virus này được ghi nhận, trong đó, một số biến chủng gây lo ngại diện rộng vì có khả năng lây lan nhanh hơn, nguy hiểm hơn.
Sau các biến chủng Alpha (lần đầu tìm thấy ở Anh), Beta (lần đầu tìm thấy ở Nam Phi), Gamma (lần đầu xuất hiện ở Brazil) hay Delta (lần đầu tìm thấy ở Ấn Độ), các nhà khoa học gần đây rất quan tâm tới biến chủng Lambda, khi số ca nhiễm biến chủng này có dấu hiệu gia tăng.
IndiaToday thông tin, Lambda lần đầu được tìm thấy ở Peru tháng 8 năm ngoái. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hiện xếp Lambda vào danh sách các biến chủng cần được chú ý (VOI), tức thấp hơn các biến chủng cần quan tâm (VOC) như Delta.
Tại Peru, Lambda nhanh chóng chiếm đa số các ca mắc mới COVID-19, sau đó lan ra một số quốc gia ở Nam Mỹ như Chile, Brazil và Ecuador rồi các châu lục khác. Đến nay, 29 quốc gia đã ghi nhận người nhiễm biến chủng Lambda.
Tại Mỹ, tâm dịch lớn nhất Trái đất, ca nhiễm Lambda đầu tiên được phát hiện trong bệnh viện ở Houston cuối tháng 7/2021. Sau chừng một tháng, ít nhất 1.060 ca nhiễm Lambda đã được xác nhận tại Mỹ, theo CNN trích dẫn số liệu từ sáng kiến chia sẻ dữ liệu GISAID.
Dù con số này tương đối nhỏ so với số ca nhiễm chủng Delta, nhiều chuyên gia vẫn tỏ ra thận trọng. "Tôi nghĩ bất kỳ khi nào một biến chủng được xác định và cho thấy khả năng lây lan nhanh trong cộng đồng, bạn đều phải lo lắng", chuyên gia Gregory Poland thuộc trung tâm y tế Mayo Clinic ở Mỹ, phát biểu.
"Biến chủng mới xuất hiện hàng ngày với các đột biến mới. Nhưng câu hỏi đặt ra là liệu những đột biến có mang lại khả năng cho virus để chúng gây bất lợi hơn cho con người hay không? Với Lambda, câu trả lời là có", vị chuyên gia nhận định.
CNN dẫn kết quả một nghiên cứu trên biorxiv.org tiết lộ, Lambda mang 2 đột biến T76I và L452Q, vốn được cho là giúp virus lây lan nhanh hơn.
Ngoài ra, nó còn mang 3 đột biến RSYLTPGD246-253N, 260 L452Q và F490S có thể thoát khỏi kháng thể trung hòa trên cơ thể sau khi tiêm vaccine. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng nào cho thấy Lambda có ảnh hưởng đáng kể đến hiệu quả của các loại vaccine trên thế giới.
"Rất may, các nghiên cứu cho thấy rằng các loại vaccine hiện có vẫn có tác dụng bảo vệ. Chúng tôi hiểu rằng mọi thứ có thể thay đổi nhanh chóng, vì vậy việc kiểm soát sự lây lan của COVID-19 nói chung sẽ giúp quản lý Lambda", Preeti Malani, người đứng đầu cơ quan nghiên cứu bệnh truyền nhiễm tại Đại học Michigan của Mỹ, nêu quan điểm.
Tuy Lambda chưa quá đáng lo ngại, nhưng các chuyên gia vẫn cảnh báo nguy cơ xuất hiện biến chủng mới nguy hiểm hơn và thậm chí kháng vaccine, khiến cuộc chiến chống COVID-19 ngày càng khó khăn hơn.
"Sẽ có ngày càng nhiều biến chủng (nếu virus không được kiểm soát), và cuối cùng, một hoặc nhiều biến chủng sẽ "né" được khả năng miễn dịch do vaccine tạo ra. Và nếu điều đó xảy đến, chúng ta sẽ trở lại vạch xuất phát", chuyên gia Gregory Poland cảnh báo.
"Cách duy nhất là tiêm chủng rộng rãi để kiểm soát sự lây lan và ngăn chặn sự đột biến tiếp theo của SARS-CoV-2", chuyên gia Malani nhận định.