Cuộc tranh luận tổng thống kịch tính nhất trong lịch sử nước Mỹ

Thứ Bảy, 29/06/2024, 08:48

Sáng 28/6 (theo giờ Việt Nam), hai ứng cử viên tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2024 là ông Joe Biden của đảng Dân chủ và ông Donald Trump đến từ đảng Cộng hòa đã có những màn “đấu khẩu nảy lửa” trong cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên. Đây là cuộc tranh luận đầu tiên kể từ cuộc bầu cử năm 2000 giữa hai ứng cử viên này và được đánh giá là cuộc tranh luận tổng thống kịch tính nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Gay gắt trong từng câu chữ

Tại cuộc tranh luận đầu tiên kể từ cuộc bầu cử năm 2000, hai ứng cử viên đã trình bày các quan điểm chính sách khác biệt và tranh luận sôi nổi một loạt vấn đề chính sách, từ cách ứng phó với đại dịch COVID-19, hiệu quả điều hành nền kinh tế, công ăn việc làm, quyền nạo phá thai, cuộc chiến chống lạm phát, an ninh biên giới, nhập cư… cho tới các vấn đề đối ngoại như cuộc chiến thuế quan với Trung Quốc, xung đột ở Ukraine, quan hệ với các đồng minh NATO, chính sách với Iran, hay cách thức xử lý cuộc xung đột hiện nay giữa Israel - Hamas… Trong đó, chủ đề được nhắc tới nhiều nhất, tranh luận gay gắt nhất liên quan tới hiệu quả điều hành kinh tế, chống lạm phát và tạo công ăn việc làm.

Cựu Tổng thống Donald Trump đã công kích đương kim Tổng thống Joe Biden khiến nền kinh tế số một thế giới phải hứng chịu tỷ lệ lạm phát cao kỷ lục, thị trường việc làm ảm đạm. Tuy nhiên, đương kim chủ nhân Nhà Trắng cho rằng, chính quyền của ông đã đưa nền kinh tế Mỹ thoát khỏi “bóng ma” suy thoái vì những chính sách sai lầm của người tiền nhiệm, kéo tỷ lệ thất nghiệp từ mức rất cao là 15% xuống chỉ còn khoảng 4% như hiện nay.

Cuộc tranh luận tổng thống kịch tính nhất trong lịch sử nước Mỹ -0
Cựu Tổng thống Donald Trump (trái) và Tổng thống Joe Biden tại cuộc tranh luận. Ảnh: CNN

“Ông ấy là tổng thống tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ”, cựu Tổng thống Donald Trump công kích người kế nhiệm Joe Biden khi được hỏi về giải pháp để các dịch vụ chăm sóc trẻ em trở nên dễ tiếp cận hơn. “Nếu ông ấy thắng cử, đất nước chúng ta sẽ không có cơ hội thoát khỏi tình trạng bế tắc này. Thậm chí, chúng ta sẽ không còn nước Mỹ”, ông Donald Trump nói.

Ngay lập tức, ông Joe Biden đã đáp trả bằng lập luận tương tự, đồng thời tuyên bố ông Donald Trump “hầu như không làm gì cho việc chăm sóc trẻ em” trong nhiệm kỳ tổng thống của mình. Đương kim Tổng thống Mỹ cho rằng, Mỹ cần “tăng tín dụng thuế chăm sóc trẻ em, tăng số lượng việc làm cho cha mẹ đơn thân và khuyến khích các doanh nghiệp có cơ sở chăm sóc trẻ em”. Bên cạnh đó, Tổng thống Joe Biden cũng liên tục công kích những lùm xùm pháp lý mà đối thủ đến từ đảng Cộng hòa đang vướng phải, và gọi ông Donald Trump là “tội phạm bị kết án”.

“Hãy nghĩ đến tất cả các án phạt dân sự của ông Donald Trump. Ông đang nợ bao nhiêu tỷ USD tiền phạt vì lạm dụng tình dục phụ nữ ở nơi công cộng? Ông nghĩ sao về việc ngoại tình với một ngôi sao khiêu dâm, trong khi vợ ông đang mang thai?”, ông Joe Biden nói.

Theo kết quả thăm dò dư luận được tiến hành ngay sau khi kết thúc cuộc tranh luận, phần lớn khán giả theo dõi đánh giá cựu Tổng thống Donald Trump đã có màn thể hiện tốt hơn so với đối thủ Joe Biden, với tỷ lệ lần lượt là 67% và 33%. Bên cạnh đó, 57% số người được hỏi nói họ không tin vào khả năng điều hành của Tổng thống Joe Biden, 44% cho biết không thực sự tin tưởng vào khả năng ông Donald Trump sẽ trở thành tổng thống. Chính giới Mỹ cũng có những phản ứng trái chiều về kết quả cuộc tranh luận đầu tiên giữa hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa.

Lãnh đạo phe đa số tại Hạ viện Mỹ Steve Scalise đánh giá ứng cử viên Donald Trump đã có màn thể hiện vượt trội và là người chiến thắng trong màn “so găng” trực tiếp đầu tiên này. Thượng nghị sĩ bang Florida Marco Rubio cho rằng cuộc tranh luận sẽ giúp nhiều người Mỹ nhận ra ông Donald Trump là người phù hợp hơn để trở thành tổng thống tiếp theo của nước Mỹ. Tuy nhiên, người đứng đầu chiến dịch vận động tranh cử của Tổng thống Joe Biden, bà Jen OMalley Dillon, tuyên bố đương kim Tổng thống Mỹ đã có màn thể hiện tốt trong cuộc tranh luận ở Atlanta, đưa ra được “tầm nhìn tích cực và chiến thắng” cho chặng đường sắp tới. Phó Tổng thống Kamara Harris kêu gọi cử tri Mỹ tập trung vào các thành tựu và hiệu quả điều hành của Tổng thống Joe Biden, chứ không phải hình ảnh của ông trên một sân khấu truyền hình.

Cuộc tranh luận kịch tính

Cuộc tranh luận giữa Tổng thống đương nhiệm Joe Biden và cựu Tổng thống Donald Trump vào tối 27/6 (giờ địa phương) được đánh giá là cuộc tranh luận tổng thống định mệnh nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Mặc dù những ứng cử viên này đã được công chúng biết đến rất nhiều, nhưng cả hai đều cần một thời điểm đột phá trong một chiến dịch tranh cử vốn đã rất ổn định và đồng đều. Cuộc tranh luận này có một số đặc điểm độc đáo. Đây là lần đầu tiên một tổng thống đương nhiệm và một cựu tổng thống tranh luận trực tiếp trước hàng triệu người xem, trong một cuộc “đối đầu” diễn ra sớm hơn nhiều so với bình thường - ngay cả trước đại hội đảng của họ. Đây cũng là lần đầu tiên trong nhiều thập niên cuộc tranh luận được xử lý hoàn toàn bởi một tổ chức tin tức duy nhất, CNN, thay vì một ủy ban quốc gia độc lập (mà ông Donald Trump đã từ chối hợp tác).

Cuộc đối đầu do kênh CNN tổ chức là thời điểm quan trọng nhất trong một mùa bầu cử căng thẳng và đây là cơ hội tốt nhất để Tổng thống Joe Biden bắt kịp đối thủ của mình trong cuộc đua tái tranh cử khi cố gắng thuyết phục cử tri rằng ông đã đưa ra quyết định chính trị đúng đắn và phục hồi kinh tế mà ông đã cam kết vào năm 2020. Ngoài ra, cuộc tranh luận còn diễn ra liên quan đến những ứng cử viên tổng thống được cho là lớn tuổi nhất, đều trên 75 tuổi (ông Joe Biden 81 tuổi và ông Donald Trump 78 tuổi). Đảng Dân chủ đang mong muốn ông Joe Biden thể hiện sức sống và sự sắc sảo trong bối cảnh lo ngại về tuổi tác của ông. Mục tiêu lớn nhất của ông Donald Trump là khả năng thể hiện có thể xác thực những lời cảnh báo của Tổng thống Joe Biden rằng ông quá “không ổn định” để trở thành tổng thống.

Bản chất quan trọng của cuộc tranh luận này chỉ có thể được hiểu đầy đủ trong bối cảnh nền chính trị chưa từng có của nước Mỹ. Kể từ khi Thượng nghị sĩ John F. Kennedy và Phó Tổng thống Richard Nixon tổ chức cuộc tranh luận trên truyền hình đầu tiên trong chiến dịch tranh cử năm 1960, đã có những cuộc bầu cử sít sao khiến nước Mỹ rơi vào một tình thế hoàn toàn khác. Nhưng nguy cơ vào năm 2024 lớn hơn bao giờ hết vì nỗ lực của ông Trump nhằm phá vỡ quá trình chuyển giao quyền lực một cách hòa bình dựa trên những tuyên bố về gian lận trong cuộc bầu cử năm 2020 và lời hứa của ông sẽ thực hiện một nhiệm kỳ tổng thống chưa từng thấy để “trả thù cá nhân” nếu ông giành chiến thắng vào tháng 11 năm nay.

“Cuộc tranh luận mang tính lịch sử không thể tin được và đây không hề là sự cường điệu hóa tầm quan trọng của sự kiện này”, nhà sử học về tổng thống Douglas Brinkley bình luận.

Các cuộc tranh luận tổng thống không phải lúc nào cũng quyết định ai sẽ thắng vào tháng 11. Nhưng có thể thấy rõ sự căng thẳng xung quanh cuộc tranh luận đầu tiên vào tháng 6 năm nay, thay vì vào tháng 9 hoặc tháng 10 như thường lệ.

Chiến dịch tranh cử hiện đang diễn ra sôi nổi, mặc dù các đại hội của từng đảng còn ở phía trước và trong thời gian trước đó, ông Donald Trump đã dẫn trước sít sao trên toàn quốc và ở các bang dao động quan trọng. Tuy nhiên, khi chiến dịch tranh cử đã đạt được tiến độ và đặc biệt là sau khi ông Donald Trump bị kết án về nhiều tội danh trong phiên tòa xét xử vì dùng tiền để bịt miệng, ông Joe Biden đã đạt được bước tiến đáng chú ý và hiện đang dẫn đầu rất sít sao trong các cuộc thăm dò gần đây nhất. Nhưng chiến dịch vẫn đang ở thế cân bằng. Cả hai ứng cử viên đều chưa có khả năng rõ ràng cho một chiến thắng hoặc lợi thế quyết định so với đối thủ của mình, và cả hai đang tìm kiếm một thời điểm đột phá nào đó.

Như vậy, cuộc tranh luận này có thể coi là một cuộc trưng cầu dân ý trên thực tế cho một trong hai ứng cử viên có thể giành chiến thắng. Aaron Kall, Giám đốc tranh luận tại Đại học Michigan, người đã thực hiện một nghiên cứu chuyên sâu về mọi cuộc tranh luận tổng thống Mỹ, cho biết: “Cuộc bầu cử càng đến gần thì khả năng một cuộc tranh luận có thể ảnh hưởng đến nó càng lớn”.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.