Con sông dài nhất Trung Quốc cạn nước
Sông Dương Tử, con sông dài nhất và cũng là nguồn cấp nước cho hàng trăm triệu cư dân Trung Quốc, chứng kiến mực nước thấp kỉ lục trong bối cảnh hạn hán kéo dài.
Hai năm trước, người dân sinh sống hai bên bờ Dương Tử đoạn chảy qua tỉnh Trùng Khánh đau đầu ứng phó với các đợt lũ lụt, thì năm nay, người dân lại có thể lang thang dọc theo lòng sông lộ ra vì khô cằn, trong bối cảnh mực nước xuống thấp kỉ lục do hạn hán, Reuters ngày 20/8 đưa tin.
Dương Tử là sông dài nhất Trung Quốc, đồng thời là nguồn cấp nước sinh hoạt, tưới tiêu của khoảng 1/3 dân số quốc gia 1,4 tỷ dân. Mực nước ở sông Dương Tử hôm 20/8 giảm đến mức đã làm lộ ra một cù lao gần thành phố Trùng Khánh, nơi được đặt 3 tượng phật có tuổi đời tới 600 tuổi.
Theo Reuters, các bức tượng được xây dựng dưới triều đại nhà Minh và nhà Thanh. Một trong 3 bức tượng mô tả một nhà sư ngồi trên đài sen dường như được chạm khắc từ đá.
Ngoài việc ảnh hưởng đến việc canh tác của hơn 800.000ha đồng ruộng, tình trạng hạn hán đã làm gián đoạn nguồn nước phục vụ thủy điện. Giới chức Trung Quốc mô tả lượng mưa ở lưu vực sông Dương Tử thấp hơn khoảng 45% so với trung bình từ tháng 7 và tình trạng này sẽ kéo dài.
Ông Liu Zhiyu, một quan chức của Bộ Thủy lợi Trung Quốc, hôm 17/8 cảnh báo nguồn nước trên sông sẽ mất vài tháng để trở lại trạng thái bình thường và lượng mưa dự kiến duy trì ở mức thấp cho đến cuối tháng này hoặc lâu hơn.
"Dự kiến trong tháng 9, lượng nước đổ vào trung và hạ lưu sông Dương Tử vẫn ở mức thấp. Hạn hán ở các tỉnh An Huy, Hồ Bắc, Hồ Nam và Giang Tây có thể tiếp tục kéo dài", ông Liu nói, đề cập đến bốn tỉnh lớn trên trung lưu của sông.
Hôm 18/8, cơ quan dự báo khí hậu Trùng Khánh thì cảnh báo nhiệt độ sẽ tiếp tục ở mức trên 40 độ C, gây áp lực lên nguồn cung cấp điện trong bối cảnh nhu cầu sử dụng điều hòa nhiệt độ tăng cao.