Có gì trong gói trừng phạt thứ 8 của EU nhằm vào Nga?

Thứ Sáu, 07/10/2022, 07:10

Liên minh châu Âu (EU) hôm 6/10 (giờ địa phương) đã chính thức thông qua gói trừng phạt thứ 8 nhằm vào Nga sau khi nước này sáp nhập 4 vùng lãnh thổ thuộc Ukraine. Theo đó, những áp lệnh ngay lập tức của EU sẽ khiến nguồn thu của Nga giảm đi hàng tỷ euro. Đặc biệt, một số chất độc thần kinh "không có mục đích sử dụng thực tế" cũng nằm trong gói trừng phạt thứ 8.

Euronews cho biết, các biện pháp trừng phạt mới mà khối EU áp đặt sẽ khiến Nga hụt đi khoảng 7 tỷ euro (~6,9 tỷ USD), bao gồm lệnh cấm nhập khẩu thép và các sản phẩm thép từ Nga, cấm nhập khẩu bột gỗ và giấy, thuốc lá, nhựa và mỹ phẩm cũng như các nguyên liệu được sử dụng trong ngành trang sức như đá và kim loại quý.

Cao ủy EU về An ninh và Chính sách đối ngoại Josep Borrell tuyên bố: “Chúng tôi đang tiếp tục đánh vào nền kinh tế của Nga, hạn chế năng lực xuất nhập khẩu của Nga, trên đà giải phóng khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng từ nước này và làm ổn định giá năng lượng toàn cầu”.

Có gì trong gói trừng phạt thứ 8 của EU nhằm vào Nga? -0
Cao ủy EU Josep Borrell khẳng định. Ảnh: Euronews.

Theo Euronews, lệnh cấm của EU đối với Nga cũng mở rộng sang mảng phụ tùng sử dụng trong ngành hàng không như lốp xe, phanh; các linh kiện điện tử như chất bán dẫn và tiền điện tử. Một số chất độc thần kinh "không có mục đích sử dụng thực tế" cũng nằm trong gói trừng phạt thứ 8.

Các lệnh trừng phạt còn nhắm vào 30 cá nhân và 7 thực thể ở Nga bao gồm cả những người làm việc tại Bộ Quốc phòng Nga, quan chức do Nga bổ nhiệm ở các khu vực mới sáp nhập.

Đáng chú ý, gói trừng phạt này cấm các công dân EU trở thành thành viên hội đồng quản trị trong các công ty thuộc sở hữu nhà nước Nga. "Nga không nên được hưởng lợi từ kiến thức và chuyên môn của những chuyên gia châu Âu", ông Borrell nhấn mạnh.

Ngoài ra, thông báo của EU nêu rõ, gói trừng phạt mới tạo cơ sở để áp giới hạn giá với việc vận chuyển dầu Nga bằng đường biển cho nước thứ 3. EU sẽ sớm công bố mức giá trần sau khi chi tiết được thảo luận trong EU và Nhóm 7 nền kinh tế phát triển nhất thế giới (G7).

Phản ứng trước việc bị áp đặt gói trừng phạt thứ 8, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga Medvedev tuyên bố, các nước phương Tây đã không thành công trong việc cô lập Nga. EU trước đó đã áp 7 vòng trừng phạt với Nga sau khi nước này mở chiến dịch quân sự tại Ukraine hôm 24/2. Hồi tháng 9, Mikhail Ulyanov, đại diện thường trực Nga tại các tổ chức quốc tế ở Vienna nói rằng phương Tây đã áp 11.000 lệnh trừng phạt với Moscow.

Trong một diễn biến có liên quan, Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 6/10 đã chủ trì cuộc họp trực tuyến về các vấn đề kinh tế. Cụ thể, ông Putin cho biết, sau 4 tháng sụt giảm, sản xuất công nghiệp nước này đã trở lại mức của năm trước. Những ngành từng rơi vào tình trạng khó khăn nhất như công nghiệp ô tô và luyện kim đang dần phục hồi. Nông nghiệp cho thấy động lực tốt, khối lượng các hoạt động xây dựng tăng.

Từ tháng 1 đến tháng 9, thặng dư ngân sách hợp nhất của Nga lên tới khoảng 1.400 tỷ rúp. Đồng thời, doanh thu phi dầu khí trong quý III ở cả cấp liên bang và khu vực đều cao hơn dự kiến. Lạm phát cũng đang dần chậm lại, giảm từ mức đỉnh 17,8% xuống 13,7%, trong khi GDP đang cho thấy sự ổn định hơn.

Linh Đan
.
.
.