CNN: Ngại Nga, Mỹ chưa sẵn sàng vượt "lằn ranh đỏ" ở Ukraine
Các quan chức Mỹ nói với CNN rằng Washington chưa sẵn sàng viện trợ tên lửa tầm bắn xa cho Ukraine, sau khi Moscow cảnh báo đó là "lằn ranh đỏ".
"Nếu Mỹ quyết định cung cấp tên lửa tầm xa hơn cho Kiev, nước này sẽ vượt lằn ranh đỏ và trở thành một bên trực tiếp tham gia vào xung đột", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cảnh báo tại một cuộc họp báo ngày 15/9, RiaNovosti đưa tin.
Theo bà Zakharova, việc Mỹ gửi tên lửa tầm xa hơn đến Ukraine có thể coi là tương tự hành động triển khai tên lửa mặt đất tầm trung ở châu Âu vốn bị cấm theo Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) giữa Mỹ và Nga mà Washington đã đơn phương rút khỏi năm 2019.
"Khi kịch bản đó xảy ra, chúng tôi sẽ đáp trả tương xứng", bà Zakharova nói. "Nga có quyền bảo vệ lãnh thổ của mình bằng mọi biện pháp có thể".
Từ đầu chiến sự, Mỹ đã cam kết viện trợ Ukraine hơn 15 tỷ USD vũ khí các loại, trong đó bao gồm mẫu pháo phản lực phóng loạt M142 HIMARS được Kiev mô tả là vũ khí tốt nhất mà họ đang sở hữu nhờ tầm bắn xa lên đến 80km, độ chính xác cao và khả năng cơ động tốt.
Những tuần qua, Ukraine rất nỗ vận động Mỹ viện trợ các hệ thống tên lửa chiến thuật ATACMS có thể được khai hỏa từ HIMARS và mẫu pháo M270 mà phương Tây cung cấp. ATACMS sở hữu tầm bắn khả dụng 300km, giúp Ukraine có thể tập kích các mục tiêu sâu trong lãnh thổ Nga.
Không lâu sau phát ngôn của bà Zakharova, hãng tin CNN ngày 15/9 dẫn lời các quan chức Mỹ mô tả những thành tựu trong nỗ lực phản công gần đây của Ukraine là "bằng chứng cho thấy các loại vũ khí và thông tin tình báo mà phương Tây cung cấp cho Ukraine có hiệu quả".
Tuy nhiên, hiện còn quá sớm để "gọi sự tiến bộ nhanh chóng của Ukraine trong những ngày gần đây là bước ngoặt của cuộc chiến". Các quan chức Mỹ cũng khẳng định nước này chưa tính đến việc cấp ATACMS cho Ukraine vì có thể leo thang căng thẳng với Nga.
Ông Zelensky: Mỹ, Đức chưa giao tên lửa phòng không đã hứa!
Cùng ngày, Reuters dẫn lời Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khẳng định, Kiev ngay lúc này rất cần các hệ thống phòng không và coi đây là ưu tiên hàng đầu trong nỗ lực bảo vệ các thành phố, thị trấn khỏi đòn không kích của Nga.
Tuy nhiên, các hệ thống phòng không được Mỹ và Đức hứa hẹn chuyển giao vẫn chưa đến tới tay lực lượng quân đội Ukraine, ông nói tại buổi họp báo với Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen tại thủ đô Kiev.
Trước đó vào ngày 23/8, chính phủ Đức thông báo sẽ cung cấp gói viện trợ quân sự 500 triệu USD cho Ukraine, bao gồm có ba hệ thống phòng không tầm trung IRIS-T SLM. Mỗi tổ hợp loại này có khả năng khai hỏa 24 quả đạn, tầm bắn 40km.
Lầu Năm Góc đầu tháng 7/2022 thông báo Mỹ sẽ chuyển hai tổ hợp tổ hợp phòng không Ttiên tiến (NASAMS) của Na Uy cho Ukraine, nhưng chúng dường như chưa được bàn giao.