Chuyến công du xác lập các định hướng chính trong quan hệ EU và Trung Quốc

Thứ Bảy, 03/12/2022, 09:11

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel vừa thực hiện chuyến thăm chính thức Trung Quốc trong bối cảnh quan hệ giữa châu Âu và Bắc Kinh đang gặp phải khó khăn với hàng loạt mâu thuẫn và bất đồng.

Theo giới chuyên gia, các mâu thuẫn về cách tiếp cận với Trung Quốc trong nội bộ Liên minh châu Âu (EU) sẽ không sớm được giải quyết và chuyến đi của ông Charles Michel đến Trung Quốc cũng chưa thể thay đổi được nhiều, mà chủ yếu là để xác lập các định hướng chính trong quan hệ giữa EU và Trung Quốc trong giai đoạn mới.

Chiều 1/12, tại Đại lễ đường Nhân dân ở Thủ đô Bắc Kinh, Chủ tịch Hội đồng châu Âu đã có cuộc hội đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình. Đây là cuộc gặp chính thức đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo hai bên kể từ Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tại hội đàm, Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định vai trò của Trung Quốc và EU cũng như mối quan hệ hai bên đối với sự phát triển của thế giới; đồng thời nhấn mạnh mong muốn tăng cường trao đổi chiến lược và phối hợp với EU, thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai bên phát triển ổn định, lâu dài.

chinaeu.jpg -0
Khổng Hà (tổng hợp)Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters

Nhà lãnh đạo Trung Quốc cho biết, nước này sẽ thúc đẩy mở cửa đối ngoại với mức độ cao, hình thành bố cục phát triển mới, hoan nghênh EU tham gia và hưởng lợi từ quá trình này; khẳng định, hai bên cần tăng cường điều phối chính sách kinh tế vĩ mô, bổ sung lẫn nhau về các lợi thế thị trường, vốn, công nghệ; xây dựng các động lực tăng trưởng mới từ kinh tế số, môi trường xanh, năng lượng mới, trí tuệ nhân tạo...; bảo đảm an toàn và ổn định chuỗi cung ứng, chuỗi ngành nghề.

Nhấn mạnh Trung Quốc sẽ tiếp tục mở cửa với doanh nghiệp EU, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng, hai bên cần dẫn dắt các nỗ lực toàn cầu trong ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ đa dạng sinh học, an ninh năng lượng và lương thực, y tế công cộng; tăng cường kết nối và phối hợp các cơ chế, nền tảng hợp tác liên quan.

Về phần mình, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel nhận định, tình hình quốc tế và địa chính trị đang có những thay đổi sâu sắc và phức tạp, cộng đồng quốc tế đứng trước nhiều nguy cơ và thách thức; bày tỏ hy vọng hai bên nắm bắt cơ hội của cuộc gặp gỡ cấp cao được tiến hành ngay sau Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc, để đi sâu trao đổi, tăng cường hiểu biết, đối thoại và hợp tác, xử lý thỏa đáng bất đồng.

Ông Charles Michel khẳng định, EU kiên trì tự chủ về chiến lược, nỗ lực tăng cường xây dựng và thúc đẩy tiến trình hội nhập ở châu Âu; đồng thời bày tỏ kỳ vọng, EU và Trung Quốc duy trì trao đổi cấp cao, tăng cường đối thoại và hợp tác để tránh hiểu lầm, cùng nhau ứng phó khủng hoảng năng lượng, biến đổi khí hậu, y tế công cộng và các thách thức toàn cầu khác. Người đứng đầu Hội đồng châu Âu kỳ vọng tiếp tục thúc đẩy tiến trình ký kết, thực hiện Hiệp định đầu tư EU-Trung Quốc, tăng cường ổn định và tin cậy về chuỗi cung ứng, đi sâu hợp tác cùng có lợi trên các lĩnh vực.

Cùng ngày, ông Charles Michel đã có cuộc hội kiến Thủ tướng Quốc vụ viện (Chính phủ) Trung Quốc Lý Khắc Cường. Tại sự kiện này, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã kêu gọi hai bên cởi mở hơn nữa với nhau, đồng thời khẳng định Trung Quốc sẽ luôn tuân thủ chính sách cơ bản về mở cửa. Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng cường môi trường kinh doanh quốc tế dựa trên luật pháp và theo cơ chế thị trường, đối xử với tất cả các loại hình doanh nghiệp một cách công bằng và bình đẳng.

Thủ tướng Lý Khắc Cường nhấn mạnh, Trung Quốc sẽ từng bước mở cửa lĩnh vực tài chính và khuyến khích đầu tư hơn nữa từ các nhà đầu tư nước ngoài đủ điều kiện, đồng thời duy trì sự ổn định tài chính trong nước. Ngoài ra, Trung Quốc sẽ nỗ lực duy trì sự ổn định cơ bản tỷ giá hối đoái của đồng Nhân dân tệ, và duy trì giá trị đồng tiền này ở mức cân bằng và hợp lý.

Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng lưu ý Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với EU dựa trên cơ sở bình đẳng và hiểu biết lẫn nhau, và xử lý thỏa đáng những bất đồng để thúc đẩy sự phát triển bền vững của mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung Quốc-EU, đồng thời nhấn mạnh Trung Quốc hy vọng sẽ chứng kiến một EU đoàn kết và thịnh vượng.

Chuyến thăm đến Bắc Kinh của ông Charles Michel là chuyến thăm thứ 2 của một quan chức cấp cao châu Âu đến Trung Quốc trong vòng 1 tháng qua, sau chuyến thăm của Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Mặc dù chuyến công du của người đứng đầu Hội đồng châu Âu ít gây ra tranh cãi hơn chuyến đi của ông Olaf Scholz nhưng tại châu Âu vẫn có những ý kiến cho rằng việc các quan chức hàng đầu của châu Âu liên tiếp thăm Trung Quốc trong một thời gian ngắn không phải là một cách tốt để gửi thông điệp về sự đoàn kết và cứng rắn hơn trong quan điểm của châu Âu đối với mối quan hệ với Trung Quốc. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng dự định sẽ thăm Trung Quốc đầu năm 2023.

Ngoài ra, cũng giống như chuyến đi một mình của ông Olaf Scholz, nhiều học giả châu Âu chỉ trích ông Charles Michel đã sang thăm Trung Quốc một mình mà không có bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), người chịu trách nhiệm chính thực thi các chính sách của EU. Tất cả những tranh cãi này làm nổi bật một thực tế đang tồn tại trong tư duy chiến lược của châu Âu đối với Trung Quốc. Mặc dù từ năm 2019 châu Âu đã định danh Trung Quốc vừa là đối tác kinh tế sống còn vừa là đối thủ hệ thống của châu Âu nhưng việc triển khai tư duy chiến lược đó ra sao đang gây chia rẽ trong chính nội bộ các nước EU.

Một nhóm các nước Baltic, Đông Âu đang có xu hướng muốn kéo EU rời xa Trung Quốc, thể hiện bằng các động thái như rời bỏ khuôn khổ hợp tác 16+1 giữa Trung Quốc với Trung và Đông Âu. Cách tiếp cận của nhóm nước này chịu ảnh hưởng, tác động rất lớn từ chính quyền Mỹ. Tuy nhiên, một nhóm khác gồm cả hai cường quốc đầu tàu của EU là Đức, Pháp… muốn duy trì cách tiếp cận trung lập, mềm dẻo hơn với Trung Quốc, coi Bắc Kinh là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu, không thể thiếu trong việc cùng giải quyết các thách thức toàn cầu lớn như biến đổi khí hậu, dịch bệnh hay đặc biệt trong thời điểm này là xung đột Nga - Ukraine. Các nước Đức, Pháp… chủ trương thiết lập một chính sách được gọi là “con đường thứ 3”, không ngả hẳn về Mỹ, cứng rắn hơn với Trung Quốc nhưng không đối đầu quyết liệt như Mỹ.

Theo Tổng thống Emmanuel Macron, “cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều sẽ không khoan dung với châu Âu” và châu Âu phải xác lập được một vị thế tự chủ để bảo vệ lợi ích của mình, không bị biến thành một “biến số tuỳ chỉnh” trong cuộc chơi Mỹ - Trung. Các mâu thuẫn về cách tiếp cận với Trung Quốc trong nội bộ EU sẽ không sớm được giải quyết và chuyến đi của ông Charles Michel đến Trung Quốc cũng chưa thể thay đổi được nhiều, mà chủ yếu là để xác lập các định hướng chính trong quan hệ giữa EU và Trung Quốc trong giai đoạn mới.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.