Chuyến công du “đa nhiệm” của Ngoại trưởng Nhật Bản

Thứ Sáu, 06/01/2023, 09:34

Chuyến công du đầu tiên tới Mỹ Latin của tân Ngoại trưởng Nhật Bản Hayashi Yoshimasa thể hiện rõ mong muốn tăng cường hợp tác hơn nữa với các quốc gia trong việc duy trì và củng cố trật tự quốc tế, đồng thời khẳng định vị thế và tiếng nói của Nhật Bản trên diễn đàn đa phương trong một thế giới đang ngày càng nhiều biến động.

Củng cố cam kết trong cục diện mới

Kéo dài từ ngày 4/1 cho đến giữa tháng 1, bên cạnh Mỹ, chuyến công du của Ngoại trưởng Nhật Bản Hayashi Yoshimasa đi qua 4 quốc gia Mỹ Latin gồm Mexico, Ecuador, Brazil và Argentina, theo NHK. Trong cuộc hội đàm với những người đồng cấp tại các quốc gia này, Ngoại trưởng Nhật Bản dự kiến sẽ kêu gọi hợp tác trong việc đối phó với tình trạng giá lương thực và năng lượng tăng vọt trong bối cảnh chiến sự Nga – Ukraine vẫn tiếp tục là điểm nóng, cũng như việc đảm bảo nguồn cung cấp tài nguyên khoáng sản ổn định.

qt.jpg -0
Chuyến công du của tân Ngoại trưởng Nhật Bản Hayashi Yoshimasa mang nhiều nhiệm vụ quan trọng. Ảnh: NHK

Giới quan sát cho rằng, chuyến thăm các nước Mỹ Latin của Ngoại trưởng Hayashi Yoshimasa là hành động rõ ràng nhất khẳng định cam kết của Nhật Bản là thúc đẩy hợp tác song phương với các quốc gia Mỹ Latin nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các công ty Nhật Bản đang hoạt động tại đây. Điều này hoàn toàn phù hợp với “truyền thống” công du và hợp tác của các Ngoại trưởng Nhật Bản trước đây tại khu vực này.

Trên thực tế, Brazil là nơi có cộng đồng người Nhật Bản ở nước ngoài lớn nhất, với khoảng 1,9 triệu người di cư và con cháu. Vì vậy, theo Nippon, ông Hayashi sẽ đăt mục tiêu thiết lập mối quan hệ với chính quyền mới của Brazil dưới thời Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva, tìm kiếm sự đồng thuận trong việc thúc đẩy các cải cách của Liên hợp quốc. Còn tại Mexico, “cơ sở” lớn nhất cho các công ty Nhật Bản mở rộng sang Mỹ Latin, ông Hayashi sẽ trao đổi quan điểm với các nhà lãnh đạo chính trị và kinh doanh về cách làm sâu sắc thêm quan hệ kinh tế song phương, các nguồn tin cho biết.

Khẳng định vai trò trên diễn đàn đa phương

Năm 2023 đánh dấu việc Nhật Bản chính thức trở thành thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) trong nhiệm kỳ 2 năm, giữa lúc ngày càng có nhiều lời kêu gọi cải cách tổ chức đa phương này. Đây là lần thứ 12, Nhật Bản đảm nhận vị trí Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ kể từ khi nước này trở thành thành viên của LHQ vào năm 1956.

Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã nhiều lần kêu gọi cải tổ Hội đồng Bảo an LHQ, đồng thời thúc giục thế giới tái khẳng định tầm quan trọng của trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Vì thế, sự xuất hiện của Ngoại trưởng Yoshimasa tại LHQ chắc chắn sẽ là lời tái khẳng định lập trường và vai trò của Nhật Bản tại diễn đàn này. Với vị trí này, Nhật Bản sẽ mạnh mẽ trong việc thực hiện những chiến lược đã thực hiện từ trước đó với sự tham gia của đồng minh Mỹ và các đối tác quan trọng khác.

Trong vai trò là Chủ tịch LHQ tháng 1, dự kiến Ngoại trưởng Nhật Bản Hayashi Yoshimasa sẽ chủ trì Phiên thảo luận về chủ đề pháp quyền vào ngày 12/1 tới, với mục tiêu thu hẹp khoảng cách về lập trường của các quốc gia bằng cách quay trở lại nguồn gốc cơ bản của khái niệm pháp quyền và vai trò của Hiến chương LHQ.

Bên cạnh đó, trong khuôn khổ phiên thảo luận, ông Hayashi được cho là sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc củng cố trật tự quốc tế, trong đó trọng tâm là chiến sự Nga – Ukraine và các hoạt động hàng hải ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Truyền thông cho rằng, với vai trò là Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2024, Nhật Bản chắc chắn sẽ đưa ra vấn đề liên quan đến Triều Tiên phát triển tên lửa và thử hạt nhân lên bàn thảo luận.

Thắt chặt thêm quan hệ Nhật – Mỹ

Không thể không nhắc đến điểm dừng chân được coi là điểm nhấn quan trọng của chuyến công du này: Mỹ. Người đứng đầu ngành ngoại giao Nhật Bản dự kiến sẽ tham dự đối thoại 2+2 với Mỹ tại Washington D.C, cùng với Bộ trưởng Quốc phòng Yasukazu Hamada và những người đồng cấp Antony Blinken và Lloyd Austin của nước chủ nhà. Như vậy, đây sẽ là cuộc họp an ninh cấp bộ trưởng theo thể thức 2+2 đầu tiên giữa Tokyo và Washington trong khoảng một năm qua. Một nội dung được quan tâm trong cuộc đối thoại sẽ là vấn đề an ninh quốc phòng.

Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin từng nhận định Chiến lược Phòng vệ Quốc gia của Nhật Bản công bố hồi tháng trước có tính tương đồng với sách lược quốc phòng mới của Mỹ, được chính quyền Tổng thống Joe Biden công bố vào tháng 10, cho rằng cả hai tài liệu chiến lược "nhấn mạnh những nỗ lực song phương nhằm hiện đại hóa quan hệ đồng minh”.

Đáng chú ý, chuyến công du của Ngoại trưởng Nhật Bản được thực hiện ngay sau khi Nhà Trắng cho biết Mỹ sẽ đón Thủ tướng Kishida Fumio vào ngày 13/1 tại Nhà Trắng, trong đó nêu bật ý nghĩa của cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo là chìa khóa làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa nhân dân hai nước, tăng cường hợp tác kinh tế giữa hai bên, thúc đẩy hợp tác thực hiện Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Nội dung cuộc hội đàm được cho là sẽ quay xung quanh vấn đề phát triển hạt nhân của Triều Tiên, xung đột Nga-Ukraine, duy trì hòa bình, ổn định của khu vực eo biển Đài Loan (Trung Quốc). Vì vậy, dư luận cho rằng nội dung chuyến công du đến Mỹ của Ngoại trưởng Hayashi cũng sẽ xoay quanh hợp tác kinh tế, thúc đẩy hợp tác thực hiện Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, nhằm giúp cụ thể hóa và khả thi hóa các vấn đề mấu chốt mà hai bên sẽ thỏa thuận trong cuộc gặp cấp cao Nhật-Mỹ thời gian tới.

An Nhiên
.
.
.