Chính trường Thái Lan "nóng" trước giờ G

Thứ Năm, 13/07/2023, 06:45

Ngày 13/7, Quốc hội Thái Lan tiến hành bỏ phiếu chọn ra tân Thủ tướng nước này. Kết quả cuộc bỏ phiếu đang là mối quan tâm lớn của người dân Thái Lan và dư luận quốc tế, nhất là khi ứng viên hàng đầu cho vị trí Thủ tướng đang đối diện cáo buộc đầy căng thẳng về tiến trình bầu cử.

Cục cảnh sát thủ đô Bangkok (MPB) đã ban hành lệnh cấm tụ tập nơi công cộng trong bán kính 50m quanh tòa nhà Quốc hội Thái Lan cho đến hết ngày 15/7, nhằm mục đích duy trì hòa bình và trật tự cho cuộc họp của Quốc hội vào ngày 13/7 để bầu tân Thủ tướng. Thống đốc Bangkok Chadchart Sittipunt cũng cho biết, những người dân muốn tụ tập vào ngày 13/7 để theo dõi cuộc bỏ phiếu và hỗ trợ tinh thần cho các ứng cử viên thủ tướng có thể đến khu phức hợp Kiak Kai dưới sự hướng dẫn của cơ quan chức năng.

Nỗ lực đảm bảo an ninh của thủ đô Bangkok nói riêng và Thái Lan nói chung được thực hiện trong bối cảnh hàng triệu người dân và doanh nghiệp nước này đang mong chờ một chính phủ mới được thành lập nhanh chóng để xử lý một loạt vấn đề nóng, bao gồm nỗ lực khôi phục niềm tin của nhà đầu tư.

Chính trường Thái Lan
Ứng viên hàng đầu cho vị trí Thủ tướng Thái Lan Pita Limjaroenrat. Ảnh: Reuters

Trước đó, Ủy ban Bầu cử Thái Lan (EC) hôm 19/6 đã chính thức thông qua kết quả bầu cử và danh sách 500 hạ nghị sỹ trúng cử trong cuộc tổng tuyển cử diễn ra vào ngày 14/5. Theo kết quả bầu cử, Đảng Move Forward là đảng giành được nhiều ghế nhất với 151 ghế hạ nghị sỹ, xếp ngay sau là Đảng Vì nước Thái với 141 ghế. Với 71 ghế, Đảng Tự hào Thái đứng ở vị thứ 3, trong khi Đảng Quyền lực nhà nước nhân dân của Phó Thủ tướng Prawit Wongsuwan và Đảng Quốc gia Thái Lan thống nhất của Thủ tướng Prayuth Chan-o-cha lần lượt đứng ở vị trí thứ 4 và thứ 5.

Sau chiến thắng bất ngờ của Đảng Move Forward trong cuộc tổng tuyển cử, nhà lãnh đạo trẻ tuổi Pita Limjaroenrat đã trở thành ứng cử viên sáng giá nhất trong cuộc đua để trở thành thủ tướng. Ông nhanh chóng liên kết với 7 đảng khác, bao gồm cả đảng Vì nước Thái, để lập ra một liên minh tiềm năng cho việc thành lập chính phủ sau này.

Đáng chú ý, hai ngày trước khi Quốc hội bỏ phiếu, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đã tuyên bố rút lui khỏi chính trường Thái Lan, 9 năm sau khi ông lên nắm quyền trong cuộc đảo chính với tư cách là tổng tư lệnh quân đội. Trong tuyên bố được Đảng Quốc gia Thái Lan thống nhất đưa ra, ông Prayut cho biết ông muốn từ bỏ chính trường và từ chức thành viên của đảng này. Dù rời nghị trường, ông Prayut sẽ vẫn là thủ tướng tạm quyền cho đến khi chính phủ mới được thành lập, theo Reuters. Trong khi đó, một khảo sát được thực hiện bởi Viện Quản lý phát triển Thái Lan cho thấy, có tới gần 65% người dân được hỏi bày tỏ mong muốn liên minh 8 Đảng do ông Pita liên kết sẽ thành công trong nỗ lực thành lập chính phủ và giúp ông Pita đảm nhận chức vụ Thủ tướng.

Tuy nhiên, ngay trước giờ G, EC ngày 12/7 (giờ địa phương) đã quyết định đệ đơn lên Tòa án Hiến pháp yêu cầu tạm đình chỉ tư cách nghị sĩ của ông Pita Limjaroenrat cho đến khi Tòa án đưa ra phán quyết. Cụ thể, một ủy ban kiểm tra của cơ quan này tuyên bố hiện đã có đủ bằng chứng để đệ đơn kiện, liên quan tới cáo buộc ông Pita khi đang tranh cử Hạ viện đã nắm giữ 42.000 cổ phiếu của công ty truyền thông iTV. Hiến pháp Thái Lan cấm các ứng cử viên tranh cử vào Hạ viện sở hữu cổ phần trong các công ty truyền thông. Nếu bị luận tội, vụ việc của lãnh đạo Đảng Move Forward có thể được chuyển sang Tòa án Hình sự và ông Pita sẽ phải đối mặt với mức án tù từ 1 - 10 năm cũng như cấm hoạt động chính trị trong 20 năm.

Tuy nhiên, theo quyết định được Thượng viện Thái Lan đưa ra trong cuộc họp kín chiều cùng ngày, lãnh đạo đảng Move Forward Pita Limjaroenrat vẫn là thành viên của Quốc hội và vẫn có thể tranh cử chức Thủ tướng, National Thailand đưa tin. Cụ thể, phát ngôn viên Thượng viện Khamnoon Sitthisamarn khẳng định ông Pita vẫn là một nghị sĩ cho đến khi có phán quyết khác của tòa án, và rằng đơn yêu cầu tòa án tước tư cách nghị sĩ của Pita chỉ là ý kiến của EC.

Liên quan đến tiến trình bỏ phiếu bầu Thủ tướng, tân Chủ tịch Hạ viện Wan Noor trong phát biểu ấn định lịch trình bầu thủ tướng vào các ngày 13, 19 và 20/7 cho biết, nếu ông Pita không nhận được đa số phiếu bầu từ lưỡng viện trong lần bỏ phiếu đầu tiên, ứng cử viên này có thể một lần nữa được đề cử. Tuy vậy, ông Wan Noor thừa nhận rằng nếu những nỗ lực lặp đi lặp lại vẫn thất bại thì phải đưa ra các giải pháp tiếp theo vì chủ tịch Hạ viện không thể nhiều lần thúc đẩy cùng một ứng cử viên. Mặc dù theo Hiến pháp Thái Lan, một ứng cử viên thủ tướng không nhất thiết phải là nghị sỹ, song giới quan sát nhận xét động thái của EC ngay sát ngày bầu cử thủ tướng có thể ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn của các nghị sỹ. Kết quả bầu cử với một sự ổn định về chính trị nhiều khả năng sẽ chưa thể xuất hiện, và Thái Lan sẽ cần thêm thời gian để thiết lập một chính phủ đảm được việc triển khai chuỗi mục tiêu dài hạn phục vụ sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ.

An Nhiên
.
.
.