Chính trường Italy chao đảo, châu Âu “đứng ngồi không yên”

Thứ Bảy, 23/07/2022, 09:41

Italy là nền kinh tế lớn thứ 3 châu Âu nên mặc dù không có tầm ảnh hưởng như bộ đôi đầu tàu Đức - Pháp nhưng vai trò của Italy cũng rất lớn. Đặc biệt, sau khi Anh rời Liên minh châu Âu (EU), trong vài năm qua, châu Âu đang có xu hướng xây dựng bộ ba Đức-Pháp-Italy làm lãnh đạo trụ cột. Do đó, bất cứ bất ổn nào tại Italy cũng đều sẽ có tác động lớn đến châu Âu.

Ngày 21/7 (giờ địa phương), sau khi chấp thuận quyết định từ chức của Thủ tướng Mario Draghi, Tổng thống Italy Sergio Mattarella đã ký sắc lệnh giải tán Thượng viện và Hạ viện, chuẩn bị cho cuộc bầu cử trước thời hạn dự kiến diễn ra vào ngày 25/9. Tổng thống Sergio Mattarella cũng cho rằng chính phủ của Thủ tướng Mario Draghi đã gặp phải những hạn chế trong hoạt động, nhưng có các công cụ để duy trì trong những tháng chờ chính phủ mới.

Theo thông báo của Văn phòng Tổng thống Italy, chính phủ của ông Mario Draghi vẫn tiếp tục nắm quyền để xử lý các công việc hiện tại cho đến cuộc bầu cử tiếp theo. Phát biểu cùng ngày trước nội các, Thủ tướng Mario Draghi thông báo, trong thời gian tại vị, chính phủ sẽ tiếp tục giải quyết các trường hợp khẩn cấp liên quan đến đại dịch, cuộc chiến ở Ukraine, lạm phát và chi phí năng lượng gia tăng, và tiếp tục thực hiện Kế hoạch Phục hồi để tạo điều kiện thuận lợi cho chính phủ mới. Hiện các đảng phái ở Italy đang bước vào giai đoạn vận động tranh cử. Chính phủ tiếp theo rất có thể sẽ là một liên minh bao gồm các đảng trung hữu, theo chủ nghĩa dân tộc, có quan điểm nghi ngờ châu Âu. Chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Cải cách châu Âu Luigi Scazzieri cho rằng, một liên minh như vậy “sẽ tạo ra một kịch bản biến động hơn nhiều cho Italy và EU”.

Chính trường Italy chao đảo,châu Âu “đứng ngồi không yên” -0
Thủ tướng Mario Draghi phát biểu tại phiên bỏ phiếu tín nhiệm chính phủ của Thượng viện ở Rome, ngày 20/7.

Bất ổn vốn là một đặc trưng của nền chính trị Italy.Không có quốc gia nào tại châu Âu thay đổi chính phủ nhiều như Italy.Trong hơn 7 thập niên qua, quốc gia này đã trải qua đến 65 đời chính phủ.Thông thường, các bất ổn chính trị như này tại Italy không gây ra tác động hay sự chú ý quá lớn từ châu Âu. Tuy nhiên, đây là thời điểm đặc biệt nhạy cảm với Italy và châu Âu khi toàn bộ khối đang phải đối phó với tỷ lệ lạm phát cao nhất trong vài thập kỷ, nguy cơ khủng hoảng năng lượng cận kề nếu Nga cắt khí đốt, cũng như rất nhiều tác động khác về chính trị-kinh tế-xã hội do cuộc xung đột Nga-Ukraine gây ra. Nhiều nhà phân tích châu Âu thậm chí đánh giá đây là thời điểm nguy hiểm nhất với châu lục này từ nhiều thập niên qua, nguy hiểm hơn cả khủng hoảng tài chính 2008, khủng hoảng nợ công 2012 hay các biến cố về di dân, Brexit.Vì thế, sự bất ổn tại Italy có nguy cơ tạo ra các tác động dây chuyền, ảnh hưởng đến toàn bộ EU.

Về mặt kinh tế, ngày 21/7, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã quyết định nâng lãi suất lần đầu tiên sau 11 năm nhằm kiềm chế lạm phát, ngăn chặn đà sụt giảm mạnh của đồng euro từ đầu năm. Tuy nhiên, việc nâng lãi suất chỉ đạo của ECB là một hành động rất phức tạp vì cùng với việc nâng lãi suất, ECB cũng phải xây dựng một cơ chế ngăn chặn cách biệt lãi suất huy động quá cao giữa các nước thành viên trong eurozone, đặc biệt giữa các nước Bắc Âu như Đức, Hà Lan… với các nước Nam Âu mà Italy là điển hình. Ngay sau khi ông Mario Draghi nộp đơn từ chức, lãi suất trái phiếu chính phủ Italy đã lập tức tăng cao. Như vậy, Italy phải trả lãi suất cao hơn khi đi vay, làm gia tăng gánh nặng nợ công vốn đã rất cao của nước này. Các biến động về tài chính liên quan đến khả năng ông Mario Draghi ra đi sẽ càng khiến nhiệm vụ điều phối thị trường của ECB phức tạp hơn, đặc biệt khi ông Mario Draghi vốn từng là cựu Chủ tịch của ECB và vai trò cá nhân của ông có tác động tương đối lớn trong việc trấn an thị trường tài chính Italy.

Về chính trị, Thủ tướng Mario Draghi là một trong những lãnh đạo phương Tây hoạt động tích cực nhất trong việc hỗ trợ Ukraine và thúc đẩy các kế hoạch ứng phó của châu Âu đối với Nga kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra. Việc ông Mario Draghi ra đi chỉ ít ngày sau khi người đồng cấp Anh Boris Johnson buộc phải từ chức chắc chắn sẽ gây ra các xáo trộn lớn trong mặt trận đoàn kết vốn đang ngày càng chịu nhiều sức ép của các nước châu Âu. Cộng thêm việc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đánh mất đa số ủng hộ tại Quốc hội Pháp, uy tín của Thủ tướng Đức Olaf Scholz có xu hướng suy giảm thì một biến động chính trị tại Italy, dù muốn hay không, cũng gửi đi một tín hiệu rất rõ rằng các nước châu Âu chủ chốt đang gặp khó khăn lớn trong nội bộ và có lẽ sẽ khó tiếp tục tập trung nguồn lực để ứng phó với xung đột Nga-Ukraine.

Những khó khăn mà các chính phủ châu Âu hiện nay đang phải đối mặt không phải tất cả đều do xung đột Nga-Ukraine gây ra nhưng rõ ràng cuộc xung đột này có tác động rất lớn khi gây ra căng thẳng trên thị trường năng lượng cũng như chuỗi cung ứng toàn cầu về lương thực, về nguyên liệu đầu vào… đẩy các nền kinh tế châu Âu vốn mới chỉ bắt đầu phục hồi rất mong manh sau đại dịch COVID-19 vào một chu kỳ khó khăn mới. Thời điểm hiện nay cũng đang là phép thử lớn cho sự dẻo dai, sức chịu đựng của các nền kinh tế cũng như các xã hội châu Âu. Dù có thể đa số người dân châu Âu có xu hướng ủng hộ các chính phủ trong việc trợ giúp Ukraine vài tháng qua nhưng hiện tại rõ ràng nhiều người lo lắng hơn về các vấn đề dân sinh. Các khó khăn kinh tế của châu Âu sẽ không thể giải quyết trọn vẹn nếu xung đột Nga-Ukraine vẫn kéo dài, do đó châu Âu rơi vào một tình huống phức tạp. Một mặt, châu Âu vừa phải duy trì trợ giúp Ukraine, mặt khác họ lại phải tìm mọi cách hạn chế các tác động của xung đột đó.Ví dụ rõ nhất cho bài toán khó này của châu Âu chính là Italy. Mặc dù đã nộp đơn từ chức nhưng trong ngày 18/7, Thủ tướng Mario Draghi cùng hàng loạt các Bộ trưởng quan trọng trong chính phủ vẫn thực hiện chuyến thăm đến Algeria để thúc đẩy việc ký hợp đồng trị giá 4 tỷ euro mua khí đốt của Algeria nhằm thay cho lượng khí đốt nhiều khả năng sẽ bị Nga cắt trong thời gian tới.

Do đó, những khó khăn mà châu Âu phải đối mặt vẫn chỉ đang ở trong giai đoạn đầu. Các khó khăn nghiêm trọng hơn sẽ đến trong các tháng tới, đặc biệt là mùa Đông, khi xung đột Nga-Ukraine bước vào giai đoạn quyết liệt, đồng thời sự đối đầu giữa châu Âu với Nga cũng leo thang lên nấc thang mới, nhiều khả năng được thể hiện dưới một cuộc chiến năng lượng. Khi đó thì khả năng chịu đựng và chống chọi của châu Âu mới bị thử thách thực sự.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.