Chính trường Hàn Quốc nổi sóng lớn

Thứ Năm, 05/12/2024, 00:15

Người dân Hàn Quốc vừa phải trải qua một đêm không ngủ và đầy hoang mang khi Tổng thống Yoon Suk-yeol ban bố lệnh thiết quân luật vào khuya 3/12.

Nếu lần thiết quân luật gần nhất ở Hàn Quốc bắt đầu vào tháng 10/1979 và kéo dài đến năm 1980 mới được dỡ bỏ thông qua một cuộc trưng cầu dân ý, thì ban bố lần này được rút lại chóng vánh chỉ vài giờ sau đó. Động thái của ông Yoon Suk-yeol vấp phải làn sóng chỉ trích từ giới nghị sĩ và biểu tình lan rộng, gây phức tạp tình hình chính trị và thiệt hại về kinh tế cho quốc gia có chỉ số GDP đứng thứ 10 toàn cầu. 

Yonhap chiều 4/12 đưa tin, sáu đảng đối lập do đảng Dân chủ dẫn đầu dự kiến trình đơn yêu cầu luận tội đối với Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol trong phiên họp quốc hội ngày 5/12. Diễn biến này xảy ra sau khi Tổng thống Yoon Suk-yeok bất ngờ tuyên bố thiết quân luật vào khuya 3/12, cáo buộc phe đối lập là "các thế lực chống nhà nước, làm tê liệt hoạt động của quốc gia bằng các động thái luận tội và cắt giảm dự luật ngân sách".

Chính trường Hàn Quốc nổi sóng lớn -0
Hàn Quốc đối mặt với phức tạp chính trị chưa từng có bởi động thái thiết quân luật bất ngờ từ Tổng thống Yoon Suk-yeol. Nguồn: Getty

Yonhap ước tính, khoảng 4.000 người tức giận đổ ra đường bất chấp thời tiết lạnh giá, bao quanh tòa quốc hội ở quận Yeouido, Seoul, khiến giao thông khu vực tắc nghẽn. Tuy nhiên, ông Yoon Suk-yeol đã rút lại ban bố thiết quân luật khẩn cấp sau cuộc bỏ phiếu quốc hội mà nhiều nghị sĩ của đảng Dân chủ đối lập, thậm chí cả các nghị sĩ thuộc đảng Quyền lực nhân dân cầm quyền, mô tả là phải vượt tường để có thể tham gia họp khẩn.

Trước đó, Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc sáng 4/12 cho biết, Chánh văn phòng Tổng thống Chung Jin Suk, Cố vấn An ninh quốc gia Shin Won Sik, Chánh văn phòng chính sách Sung Tae Yoon cùng 7 trợ lý cấp cao khác của Tổng thống Yoon Suk-yeol đồng loạt nộp đơn xin từ chức.

Theo các chuyên gia, thiết quân luật là trạng thái thay thế chính quyền dân sự bằng chính quyền quân sự. Khi đó, những quy trình pháp lý dân sự bị tạm ngừng để trao quyền lại cho quân đội. Một số quyền tự do dân sự thông thường có thể bị tạm ngừng trong thời gian này. Với Hàn Quốc, điều 77 Hiến pháp nước này quy định: "Khi cần thiết phải đối phó với yêu cầu quân sự hoặc duy trì an ninh và trật tự công cộng thông qua việc huy động lực lượng quân sự trong thời chiến, xung đột vũ trang hoặc tình trạng khẩn cấp quốc gia tương tự, tổng thống có thể tuyên bố thiết quân luật theo quy định của pháp luật.

Trong tình trạng thiết quân luật đặc biệt, các biện pháp đặc biệt có thể được thực hiện liên quan đến yêu cầu về lệnh bắt, quyền tự do ngôn luận, báo chí, hội họp và lập hội, hoặc các quyền hạn của hành pháp và tư pháp theo các điều kiện được quy định bởi pháp luật". Trước đó, lần thiết quân luật gần nhất ở Hàn Quốc là vào tháng 10/1979, được đưa ra bởi Thủ tướng khi đó là Choi Kyu-hah, sau vụ ám sát Tổng thống Park Chung-hee. Lệnh thiết quân luật này kéo dài đến năm 1980 và bị dỡ bỏ qua một cuộc trưng cầu ý dân.

Những diễn biến căng não tại Hàn Quốc đêm 3/12 có thể coi là giọt nước tràn ly, cho thấy căng thẳng giữa chính quyền của Tổng thống Yoon Suk-yeol với quốc hội do phe đối lập kiểm soát. CNN dẫn lời Giáo sư Celeste Arrington làm việc tại Đại học George Washington cho rằng, ông Yoon Suk-yeol là một chính trị gia thường xuyên có quan điểm trái ngược với quốc hội do phe đối lập kiểm soát và việc tuyên bố thiết quân luật vừa qua không phù hợp với các tiêu chí nêu ra trong Hiến pháp. Chuyên gia James Park tại Chương trình Đông Á thuộc Viện Quincy có trụ sở tại Mỹ thì nhận định, những quyết định gây tranh cãi nêu trên của Tổng thống Yoon Suk-yeol có lẽ phần lớn xuất phát từ động lực của ông muốn vượt qua những rào cản chính trị về ban hành chính sách, trong khi tỷ lệ tín nhiệm sụt giảm xuống mức 20%, gần đây còn chạm mức thấp kỷ lục 17%.

Theo truyền thông địa phương, Bộ trưởng Quốc phòng Kim Yong-hyun là người đưa ra đề xuất dẫn tới động thái gây tranh cãi nêu trên. Ông Han Dong Hoon, lãnh đạo đảng Quyền lực nhân dân cầm quyền đã kêu gọi sa thải Bộ trưởng Quốc phòng. Còn bản thân Tổng thống Yoon Suk-yeok đang chịu sức ép từ chức và bị luận tội sau quyết định này. Theo hãng tin Reuters, quốc hội Hàn Quốc có thể luận tội tổng thống nếu hơn 2/3 số nghị sĩ bỏ phiếu ủng hộ. Sau đó, một phiên tòa sẽ được tổ chức trong khuôn khổ Tòa án Hiến pháp, nơi có thể phê chuẩn bằng cách bỏ phiếu của 6/9 thẩm phán.

Những diễn biến khó lường tại Hàn Quốc - một quốc gia thiết lập nền dân chủ từ những năm 1980 và là đồng minh quan trọng của Mỹ ở châu Á cũng gây ra mối quan ngại trên toàn thế giới. Giáo sư Celeste Arrington cho hay, sự bất ổn tại "xứ sở kim chi" gây ra bởi tuyên bố thiết quân luật có khả năng gây tổn hại đến lợi ích của Washington trong việc củng cố cấu trúc liên minh tại Đông Bắc Á. Một nhà ngoại giao phương Tây giấu tên chia sẻ với Euronews rằng, lệnh thiết quân luật sẽ làm phức tạp các cuộc thảo luận về việc Hàn Quốc tham gia các nỗ lực ngoại giao đa phương.

Trong một thông báo đưa ra ngày 4/12, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hoan nghênh quyết định hủy bỏ lệnh thiết quân luật của Tổng thống Hàn Quốc, đồng thời nêu rõ Washington tiếp tục hy vọng các bất đồng chính trị sẽ được giải quyết một cách hòa bình và theo đúng pháp luật. Đại sứ quán Mỹ tại Seoul thì khuyến cáo công dân Mỹ ở Hàn Quốc nên tránh xa các khu vực đang diễn ra biểu tình.

Cùng ngày, Liên hợp quốc ra tuyên bố mô tả việc ra quyết định thiết quân luật của Tổng thống Yoon Suk-yeol là "điều đáng quan ngại". Nhật Bản, Anh, Nga và Đức cho biết đang theo dõi chặt chẽ các diễn biến và thực hiện mọi biện pháp có thể nhằm đảm bảo an toàn cho công dân tại Hàn Quốc. 

Được biết, thị trường tiền tệ Hàn Quốc chao đảo sau khi Tổng thống Yoon Suk-yeol bất ngờ ban bố thiết quân luật, đồng Won có lúc mất giá tới 2,7% so với đồng USD trước khi phục hồi và chỉ còn giảm 1% sau quyết định chấm dứt thiết quân luật. Chính phủ Hàn Quốc ngay sau đó đã tổ chức họp khẩn để đối phó. Giới chức tài chính nước này cam kết triển khai không hạn chế các biện pháp nhằm bình ổn thị trường nếu cần thiết. Theo các chuyên gia, khủng hoảng chính trị tại Hàn Quốc không chỉ ảnh hưởng ngắn hạn mà còn tiềm ẩn nguy cơ kéo dài, tác động tiêu cực đến vị thế kinh tế của quốc gia này trên trường quốc tế.

Kim Khánh

.
.
.