Chính phủ Mỹ thoát nguy cơ đóng cửa "trong gang tấc"
Lưỡng viện Quốc hội Mỹ thông qua dự luật chi tiêu tạm thời lần thứ 3 liên tiếp nhằm ngăn nguy cơ chính phủ của Tổng thống Joe Biden bị đóng cửa một phần từ hôm nay (19/1).
Hạ viện Mỹ ngày 18/1 thông qua dự luật ngân sách tạm thời với tỷ lệ 314 phiếu ủng hộ, 108 phiếu phản đối, sau khi Thượng viện Mỹ trước đó nhất trí phê duyệt dự luật nêu trên nhằm ngăn nguy cơ Chính phủ Mỹ bị đóng cửa một phần từ hôm nay (19/1), Reuters đưa tin.
"Chúng tôi có tin tốt cho nước Mỹ. Chính phủ sẽ không đóng cửa vào ngày 19/1", lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Chuck Schumer, đảng Dân chủ, tuyên bố. "Nhờ hai bên phối hợp, chính phủ vẫn mở cửa, các dịch vụ không bị gián đoạn. Chúng ta tránh được một thảm họa không cần thiết".
Năm tài khóa 2024 của Mỹ bắt đầu từ tháng 10/2023, nhưng Quốc hội Mỹ chưa thông qua đạo luật chi tiêu chính thức do các bất đồng giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa về vấn đề viện trợ Ukraine cùng các biện pháp tăng cường an ninh nội địa.
Đây là lần thứ 3 lưỡng viện Quốc hội Mỹ thông qua dự luật chi tiêu tạm thời để ngăn Chính phủ Mỹ bị đóng cửa, sau hai lần trước đó vào tháng 9/2023 và tháng 11/2023, vốn cấp ngân sách để một phần Chính phủ Mỹ hoạt động đến ngày 19/1, phần còn lại hoạt động đến ngày 2/2.
Theo dự luật mới, Chính phủ Mỹ sẽ được cấp ngân sách để hoạt động đến đầu tháng 3/2024. Dự luật đã được trình lên Tổng thống Joe Biden, dự kiến được ban hành ngay trong ngày 19/1.
Hồi đầu tháng, đại diện hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đã đạt thỏa thuận tổng thể cho phép Chính phủ Mỹ chi ngân sách khoảng 1,66 ngàn tỷ USD trong năm tài khóa 2024, trong đó, phần chi tiêu quốc phòng là 886,3 tỷ USD và chi tiêu phi quân sự là 772,7 tỷ USD, New York Times đưa tin.
Các nhà lập pháp Mỹ theo đó phải dành 6 tuần kế tiếp để thương lượng về các khoản chi tiêu cụ thể. Đại diện đảng Dân chủ và Cộng hòa đều hi vọng dự luật ngân sách tạm thời mới nhất sẽ là lần cuối họ phải đưa ra một giải pháp tình thế để ngăn chính phủ đóng cửa.