Châu Âu tìm cách cấm dầu mỏ Nga, Đức bất ngờ ủng hộ

Thứ Ba, 03/05/2022, 07:51

Liên minh châu Âu (EU) gấp rút chuẩn bị đặt một lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ Nga, sau khi Đức bất ngờ đảo ngược quyết định trước đó và ngỏ ý ủng hộ hành động này.

Reuters rạng sáng nay (3/5) cho biết, Ủy ban châu Âu (EC) trong tuần này sẽ đề xuất gói trừng phạt thứ 6 của EU nhắm vào Nga quan đến chiến dịch quân sự trên lãnh thổ Ukraine, bao gồm một lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ của Moscow.

Châu Âu tìm cách cấm dầu mỏ Nga, Đức bất ngờ ủng hộ -0
Các đoàn tàu chở dầu của Nga. Ảnh: Getty Images

Nga cung cấp 40% lượng khí đốt và 26% lượng dầu nhập khẩu của EU. Nguồn thu từ dầu mỏ đóng góp đáng kể cho ngân sách Nga. Một đề xuất cấm nhập dầu Nga đã được nêu ra tại cuộc họp cách đây ít ngày của EU, nhưng không nhận được đồng thuận của Đức, Áo và Hungary.

Theo giới truyền thông, lệnh cấm nhập dầu mới có thể chia thành các giai đoạn khác nhau, để tránh gây "sốc" với nền kinh tế các nước thành viên EU.

Reuters tiết lộ, EU đang tính toán miễn trừ áp dụng lệnh trừng phạt với một số quốc gia như Hungary và Slovakia. Các phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch tới từ Nga, cho phép họ tiếp tục nhập khẩu dầu mỏ của Nga thêm một thời gian nữa.

Diễn biến trên xuất hiện trong bối cảnh Đức, nước nhập khẩu lượng lớn dầu mỏ và từng tỏ ra ngần ngại cấm vận năng lượng hóa thạch Nga, mới đây tự tin họ có thể vượt qua các thách thức về thiếu hụt nguồn cung nếu EU đạt đồng thuận về việc dừng mua dầu mỏ Nga.

"Chúng tôi đã cố gắng đạt được thỏa thuận mà qua đó Đức có thể chống chọi với tác động từ một lệnh cấm vận dầu mỏ (nhập khẩu từ Nga)", Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck hôm 2/5 phát biểu.

Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner thậm chí khẳng định Berlin có thể cứng rắn hơn bằng việc đề xuất lệnh cấm có hiệu lực ngay lập tức. "Với dầu mỏ và than đá, ngay bây giờ có thể ngưng nhập khẩu từ Nga, dù không loại trừ khả năng giá nhiên liệu sẽ tăng", ông Lindner nói với Welt.

Trong khi đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng tin rằng EU có thể dừng nhập than của Nga trong mùa hè này, và "đoạn tuyệt" với dầu mỏ Nga sau năm 2022. 

Tuy vậy, để một lệnh cấm được thông qua, nó phải nhận được sự ủng hộ của toàn bộ thành viên EU. Hungary ngày 2/5 đã tái khẳng định họ sẽ không hậu thuẫn một lệnh cấm dầu mỏ Nga.

"Chúng ta không nên đưa ra các biện pháp trừng phạt mà chúng ta phải hứng chịu (hậu quả) đầu tiên, thay vì đối tượng mà chúng ta muốn áp đặt trừng phạt", người đứng đầu văn phòng Thủ tướng Hungary, ông Gergely Gulyas nói.

Thái Hà
.
.
.