Châu Âu phản ứng dữ dội động thái sáp nhập của Nga

Thứ Sáu, 30/09/2022, 21:23

Tổng thống Nga Vladimir Putin và lãnh đạo 4 vùng ly khai Ukraine tối 30/9 (giờ Việt Nam) ký thỏa thuận sáp nhập những khu vực này vào Nga, động thái hứng chịu sự phản đối quyết liệt từ châu Âu.

Lãnh đạo châu Âu phản ứng dữ dội với động thái sáp nhập của Nga -1
Tổng thống Nga và lãnh đạo các vùng mới sáp nhập trong lễ ký thỏa thuận tối 30/9. Ảnh TASS. 

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen trong một bài đăng trên Twitter gọi động thái của Nga là “phi luật pháp” và “không thay đổi được tình hình”.

Ủy ban Châu Âu đã đề xuất các nước thành viên EU thắt chặt hơn nữa các hạn chế về thị thực đối với công dân Nga. Cao ủy Châu Âu về Nội vụ Ylva Johansson tuyên bố không nên cấp thị thực du lịch EU cho các công dân Nga nộp đơn từ bên ngoài nước Nga. Bà gọi việc Nga sáp nhập bất hợp pháp lãnh thổ Ukraine là “sự leo thang của mối đe dọa an ninh đối với Liên minh châu Âu”.

Hội đồng châu Âu cũng lên tiếng phản đối, khẳng định các nhà lãnh đạo EU sẽ “tăng cường các biện pháp hạn chế nhằm chống lại các hành động bất hợp pháp của Nga” cũng như tăng thêm áp lực lên Moscow.

Trong một tuyên bố được đưa ra tối 30/9, Hội đồng châu Âu nhấn mạnh hành động của Nga “vi phạm trật tự quốc tế dựa trên luật pháp và vi phạm trắng trợn các quyền cơ bản của Ukraine về độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, các nguyên tắc cốt lõi được ghi trong Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế”.

Khẳng định “Nga đang khiến an ninh toàn cầu bị đe dọa”, Hội đồng châu Âu tuyên bố “sẽ không bao giờ công nhận động thái bất hợp pháp”, gọi “các quyết định này là vô hiệu và không thể tạo ra bất kỳ hiệu lực pháp lý nào”.

Chính trị gia Italy Giorgia Meloni cho biết động thái của Nga “không có giá trị về pháp lý và chính trị”, đồng thời kêu gọi phương Tây “đoàn kết đối mặt với hành động của Nga”.

Tổ chức An ninh và Hợp tác ở châu Âu (OSCE) đã lên án động thái sáp nhập, gọi đây là hành vi “vi phạm trắng trợn các quy tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, các nguyên tắc của OSCE và Hiến chương Liên Hợp Quốc”. Nga là một trong 57 quốc gia tham gia OSCE.

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cho biết nước này sẽ không bao giờ chấp nhận việc Nga sáp nhập các vùng Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhia. “Hà Lan sẽ không bao giờ công nhận sự sáp nhập này, đồng thời sẽ không công nhận việc sáp nhập Crimea”, ông Rutte nhấn mạnh.

Ba Lan và Hy Lạp cũng đưa ra tuyên bố lên án mạnh mẽ động thái của Nga.

Duy Tiến (Theo Al Jazeera)
.
.
.