Căng thẳng tại Trung Đông: Nỗi lo sợ cận kề

Thứ Ba, 30/07/2024, 06:48

Nhiều hãng hàng không đã tạm dừng chuyến bay đến Lebanon sau khi Israel tuyên bố sẽ đáp trả vụ tấn công mà nước này cho rằng lực lượng Hezbollah đã tiến hành khiến 12 trẻ em thiệt mạng hôm 27/7. Trung Đông đang đối diện kịch bản không hề khả quan, với nguy cơ bùng nổ xung đột toàn diện.

Tập đoàn hàng không Lufthansa (Đức) đã tạm dừng các chuyến bay đến thủ đô Beirut của Lebanon cho đến hết ngày 30/7 do tình hình căng thẳng leo thang ở Trung Đông. Trong khi đó, hãng hàng không Middle East Airlines (MEA) của Lebanon cũng cho biết hãng phải điều chỉnh, hoãn lịch trình các chuyến bay đề phòng rủi ro bảo hiểm khi căng thẳng leo thang giữa Israel và nhóm vũ trang Hezbollah tại nước này.

Bảng thông tin chuyến bay và trang web theo dõi chuyến bay Flightradar24 của sân bay Beirut cho thấy Turkish Airlines cũng đã hủy 2 chuyến bay vào đêm 28/7. Hãng hàng không giá rẻ SunExpress có trụ sở tại Thổ Nhĩ Kỳ, công ty con AJet của Turkish Airlines, hãng hàng không Aegean Airlines của Hy Lạp, Ethiopian Air và MEA cũng đã hủy các chuyến bay dự kiến hạ cánh tại Beirut vào ngày 29/7.

Những động thái này diễn ra sau khi nội các an ninh Israel ngày 28/7 (giờ địa phương) tiến hành cuộc họp đặc biệt nhằm thống nhất biện pháp đáp trả cuộc tập kích tên lửa được cho là do lực lượng Hezbollah ở Lebanon thực hiện nhằm vào thị trấn Majdal Shams, Cao nguyên Golan chiều 27/7 khiến 12 thanh thiếu niên thiệt mạng.

Theo đó, nội các an ninh Israel đã trao cho Thủ tướng Benjamin Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant quyền quyết định thời điểm và phạm vi của các hành động quân sự tiếp theo.

Căng thẳng tại Trung Đông: Nỗi lo sợ cận kề -0
Hiện trường vụ tên lửa trúng sân bóng tại thị trấn Majdal Shams ngày 27/7 khiến 12 người thiệt mạng. Ảnh: CNN

Ngoại trưởng Israel Katz tuyên bố Tel Aviv sẽ có phản ứng cứng rắn sau vụ việc, nhấn mạnh rằng vụ việc buộc Israel phải tiến hành một cuộc chiến tranh toàn diện với Hezbollah. Phát biểu trên kênh truyền hình Channel 12, Ngoại trưởng Israel nêu rõ: "Không còn nghi ngờ gì nữa, Hezbollah đã vượt qua mọi ranh giới đỏ. Chúng tôi sẽ phải tiến hành một cuộc chiến toàn diện". Trong khi đó, Hezbollah phủ nhận trách nhiệm về vụ tấn công, tuyên bố rằng vụ việc có thể do tên lửa đánh chặn của Israel gây ra.

Trên thực tế, sân bay quốc tế Beirut-Rafic Hariri là sân bay duy nhất của Lebanon, thường là mục tiêu bị tấn công trong cuộc nội chiến tại nước này và các cuộc giao tranh trước đó với Israel, trong đó cả cuộc xung đột giữa Hezbollah và Israel vào năm 2006. Đặt trong bối cảnh Israel và Hezbollah đã bắn tên lửa vào nhau gần như hàng ngày kể từ khi Hamas tấn công Israel vào ngày 7/10 năm ngoái, và những cuộc giao tranh này ngày càng trở nên bất ổn, động thái cảnh báo của các hãng hàng không đồng thời cảnh báo được nguy cơ xung đột ngày càng rõ rệt tại khu vực Trung Đông.

Trong diễn biến mới nhất, theo RT, một số thành viên NATO, trong đó có Mỹ, đã ban hành cảnh báo du lịch tới Lebanon, kêu gọi công dân của họ ngay lập tức rời khỏi nước này trước nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh toàn diện giữa Israel và Hezbollah. Về phía Lebanon,

Ngoại trưởng Abdallah Bouhabib tối qua thông báo nước này đã nhận được thông điệp từ một số quốc gia liên quan với nội dung: Đòn đáp trả của Israel vào Lebanon sẽ được hạn chế và Hezbollah cũng sẽ có phản ứng tương đồng. Ngoại trưởng Lebanon đồng thời kêu gọi Israel suy tính cẩn trọng về biện pháp đáp trả, cảnh báo rằng bất kỳ hành động leo thang nào cũng có thể làm phương hại đến chính Israel và toàn khu vực.

Đặt trong bối cảnh xung đột Dải Gaza chưa hạ nhiệt còn căng thẳng giữa Israel và lực lượng Hezbollah càng hằn sâu thêm, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hôm 28/7 bất ngờ cảnh báo nước này có thể “can thiệp” sâu hơn nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài gần 10 tháng qua ở Dải Gaza.

Phát biểu tại một cuộc họp của chi nhánh đảng cầm quyền tại tỉnh quê nhà Rize hôm 28/7, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cho rằng, ngành công nghiệp quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ cần phải đạt nhiều thành tựu hơn để có thể đáp ứng khả năng đảm bảo an ninh cho không chỉ của quốc gia mà còn cả khu vực, trong đó bảo đảm cả hòa bình tại Gaza. Mặc dù ông Erdogan không nêu rõ hình thức can thiệp nào mà ông đang đề xuất, tuy nhiên đây có thể là một biến số mới cho cuộc xung đột tại Dải Gaza, và rộng ra là tại Trung Đông. Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những quốc gia lên án gay gắt và phản đối mạnh mẽ nhất cuộc chiến của Israel vào Dải Gaza. Nhằm gây sức ép với Israel, Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định tham gia vụ kiện Israel phạm tội ác diệt chủng lên Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ), đồng thời hạ cấp quan hệ và đóng băng hoàn toàn giao dịch thương mại với Tel Aviv.

Tuyên bố của người đứng đầu Thổ Nhĩ Kỳ cũng diễn ra vào thời điểm các cuộc đàm phán 4 bên giữa Mỹ, Ai Cập, Qatar và Israel về đề xuất ngừng bắn mới giữa Israel và lực lượng Hamas vẫn chưa có thêm bất kỳ đột phá đáng kể nào, còn biên giới Israel và Lebanon đang nóng lên từng giờ. Cộng đồng quốc tế đã yêu cầu các bên phải hết sức kiềm chế.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong một tuyên bố nhấn mạnh: “Mỹ đang đàm phán với chính phủ Israel và một lần nữa, tôi nhấn mạnh chúng tôi không muốn thấy xung đột leo thang. Chúng tôi không muốn thấy nó lan rộng. Đó là một trong những mục tiêu của Mỹ ngay từ ngày đầu tiên của cuộc xung đột”.

Điều phối viên đặc biệt của Liên hợp quốc về Lebanon, bà Jeanine Hennis-Plasschaert, và người đứng đầu lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Lebanon, Tướng Aroldo Láza Sáenz, cũng đã ra thông cáo chung nhấn mạnh tính mạng của dân thường cần được quan tâm hàng đầu và kêu gọi chấm dứt giao tranh. Thông cáo chung cũng bày tỏ quan ngại rằng căng thẳng leo thang giữa Israel và  Hezbollah ở Lebanon có nguy cơ lan rộng thành cuộc xung đột trên toàn khu vực, gây ra những thảm họa ngoài mức tưởng tượng.

Bảo Hân
.
.
.