Căng thẳng tại chảo lửa Trung Đông tiếp tục leo thang

Thứ Ba, 27/08/2024, 07:28

Căng thẳng tại khu vực Trung Đông tiếp tục leo thang trong cuối tuần qua, khi lực lượng Hezbollah phóng hàng trăm quả rocket và máy bay không người lái (UAV) vào Israel, theo sau đó là động thái đáp trả mạnh mẽ từ Israel, khiến giới quan sát và cộng đồng quốc tế quan ngại.

Hezbollah hôm 25/8 thông báo đã phóng hơn 320 quả rocket Katyusha và nhiều UAV chứa thuốc nổ tấn công 11 mục tiêu quân sự của Israel. Lực lượng này tuyên bố đây là đòn đáp trả đối với vụ không kích của Israel vào cuối tháng 7 tại thủ đô Beirut của Lebanon, khiến chỉ huy quân sự Fuad Shukr của lực lượng thiệt mạng. Trong khi đó, truyền thông Israel đưa tin, quân đội nước này có vẻ đã đoán trước được kế hoạch tấn công của Hezbollah.

1.jpg -0
Israel đánh phủ đầu Hezbollah ngay trước khi lực lượng này tấn công.   Ảnh minh họa Getty Images.

Rạng sáng 25/8, quân đội Israel tiến hành một loạt vụ không kích phủ đầu tại miền Nam Lebanon, phá hủy “hàng loạt dàn phóng rocket” đang sắp sửa phóng sang Israel. Ngoài ra, khoảng 100 máy bay đã đồng loạt tập kích hơn 40 điểm phóng tại Lebanon khoảng nửa giờ trước khi Hezbollah bắt đầu hành động.

Ngoại trưởng Israel nhấn mạnh rằng nước này không muốn một cuộc chiến tranh toàn diện, nhưng Thủ tướng Benjamin Netanyahu cảnh báo: “Đây chưa phải là hồi kết của câu chuyện”. Trước đó, Thủ tướng Israel từng tuyên bố: “Chúng tôi quyết tâm làm mọi thứ có thể để bảo vệ đất nước của mình, bất kỳ ai làm hại chúng tôi - chúng tôi sẽ làm hại họ”.

Động thái “ăn miếng trả miếng” giữa Hezbollah và Israel khiến cộng đồng quốc tế quan ngại, bởi bất kỳ sự gia tăng nào trong cuộc giao tranh Hezbollah và Israel, bắt đầu cùng thời điểm với cuộc chiến ở Gaza, đều có nguy cơ biến thành một cuộc xung đột rộng lớn hơn.

Trong bối cảnh đó, cộng đồng quốc tế tiếp tục kêu gọi các bên kiềm chế để tránh nguy cơ xung đột lan rộng. Văn phòng Điều phối viên đặc biệt của Liên hợp quốc tại Lebanon (UNSCOL) và Lực lượng lâm thời của Liên hợp quốc tại Lebanon (UNIFIL) nhấn mạnh, những diễn biến ở khu vực biên giới Lebanon-Israel rất “đáng lo ngại”, đồng thời kêu gọi tất cả các bên ngừng bắn và kiềm chế hành động làm leo thang căng thẳng hơn nữa.

Phát biểu tại cuộc họp khẩn với các bộ trưởng của Lebanon, Thủ tướng nước này, ông Najib Mikati cho biết ông đã tiến hành “một loạt cuộc tiếp xúc với những người bạn của Lebanon” để ngăn chặn căng thẳng leo thang.

Ngoại trưởng Ai Cập Badr Abdelatty và người đồng cấp Nhật Bản Yoko Kamikawa đã nhất trí trong cuộc họp vào ngày 25/8 về sự cần thiết phải ngăn căng thẳng leo thang trên mặt trận Lebanon, để tránh cuộc chiến tranh toàn diện ở khu vực.

Trong cuộc hội đàm, Ngoại trưởng hai nước đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường các nỗ lực chung, phối hợp với các đối tác quốc tế và khu vực, nhằm ngăn ngừa cuộc xung đột rộng lớn hơn, có nguy cơ đe dọa an ninh và sự ổn định tại Trung Đông.

Trong khi đó, người phát ngôn Nhà Trắng Sean Savatt cho hay, Tổng thống Joe Biden và các quan chức chính quyền Mỹ đang theo dõi sát diễn biến tại biên giới Lebanon, cũng như liên lạc thường xuyên với các đối tác Israel để hạn chế nguy cơ xung đột lan rộng.

Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ ngày 25/8 đã ra thông báo bày tỏ lo ngại về tình hình căng thẳng leo thang ở Trung Đông. Trên mạng xã hội X, Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ nhấn mạnh: “Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên ưu tiên đối thoại và kiềm chế các hành động leo thang hơn nữa. Thụy Sĩ cũng kêu gọi các bên liên quan tham gia đàm phán ngừng bắn tại Dải Gaza”. Trong khi đó, một nguồn tin ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, Ngoại trưởng nước này Hakan Fidan và người đồng cấp Iran Abbas Araqchi đã điện đàm để thảo luận tình hình ở Dải Gaza và các diễn biến trong khu vực.

Căng thẳng leo thang trong bối cảnh xung đột giữa Israel và Hamas tại Dải Gaza khiến hơn 40.300 người Palestine thiệt mạng. Chiến dịch quân sự đã biến phần lớn lãnh thổ của Palestine thành đống đổ nát và khiến nhiều người dân trở thành vô gia cư, đói khát và thiếu thốn về mọi mặt. Đáng quan ngại hơn, vòng đàm phán mới nhất về ngừng bắn ở Dải Gaza kết thúc mà không đạt thỏa thuận. Phái đoàn của Hamas và Israel đều đã rời Cairo (Ai Cập) ngay trong ngày 25/8 sau cuộc gặp với các nhà trung gian hòa giải Ai Cập và Qatar.

Được biết, Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) William Burns nằm trong số các quan chức Mỹ tham gia các cuộc đàm phán tại Cairo, cùng với những người đứng đầu cơ quan tình báo và an ninh của Israel. Ai Cập, Qatar cùng với Mỹ đã nỗ lực thúc đẩy các vòng đàm phán trong nhiều tháng qua nhằm đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza và trao đổi con tin giữa Israel và Hamas.

Washington vẫn đang thảo luận với các nhà trung gian hòa giải về các đề xuất mới nhằm thu hẹp khoảng cách giữa Israel và Hamas cũng như về cơ chế thực hiện kế hoạch ngừng bắn. Tuy nhiên, việc Israel kiên quyết duy trì sự hiện diện của quân đội nước này tại Hành lang Philadelphi, dài hơn 14km, dọc biên giới Ai Cập-Gaza đã trở thành một điểm bế tắc chính.

Ai Cập đã tái khẳng định lập trường kiên định của nước này về việc Israel phải rút quân hoàn toàn khỏi Hành lang Philadelphi và khu vực cửa khẩu biên giới Rafah phía Gaza. Truyền thông Mỹ trước đó cho hay, Cairo cũng đã bác bỏ các đề xuất của Israel và Mỹ về việc xây dựng các tháp canh của Israel dọc Hành lang Philadelphi.

Duy Tiến (Tổng hợp)
.
.
.