Cần thận trọng với biến thể có khả năng “né” hệ thống phòng thủ miễn dịch

Chủ Nhật, 05/09/2021, 06:48

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mới đây đã liệt một phiên bản khác của virus SARS-CoV-2, biến thể Mu (tên khoa học là B.1.621), vào danh sách “các biến thể đáng chú ý”. Hiện WHO và các chuyên gia y tế đang theo dõi sát sao biến thể này để có thể kịp thời đưa ra các phương án ứng phó.

 

WHO dẫn các dữ liệu sơ bộ cho biết biến thể Mu sở hữu các đột biến tránh được khả năng miễn dịch hình thành sau tiêm vaccine theo cách tương tự như biến thể Beta lần đầu tiên được phát hiện ở Nam Phi.

Tuy nhiên, điều này cần được kiểm chứng thông qua các nghiên cứu sâu hơn. Biến thể Mu lần đầu tiên được xác định ở Colombia vào tháng 1. Kể từ đó, các trường hợp lẻ tẻ và một số đợt bùng phát lớn hơn đã được ghi nhận trên khắp thế giới. Ngoài Nam Mỹ, các trường hợp đã được báo cáo ở Anh, châu Âu, Mỹ và Hong Kong (Trung Quốc).

cb.jpg -0
Dù có những biến thể làm vaccine giảm hiệu quả phần nào nhưng các loại vaccine đã được cấp phép sử dụng hiện vẫn khá hiệu quả đối với các biến thể tại thời điểm này.

Mặc dù chiếm chưa đến 0,1% các ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu, nhưng biến thể này lại đang phát triển mạnh ở Colombia và Ecuador - nơi nó lần lượt chiếm 39% và 13% các trường hợp nhiễm bệnh. Quan chức y tế Colombia, bà Marcela Mercado nêu rõ, Mu đã xuất hiện ở hơn 43 quốc gia và cho thấy khả năng lây lan cao.

Trong khi đó, Giám đốc Viện Dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ (NIAID) - Tiến sĩ Anthony Fauci cũng cho biết giới chức y tế cộng đồng của Mỹ đang theo dõi sát sao sự nổi lên của biến chủng Mu.

Tiến sĩ Anthony Fauci nhấn mạnh: “Hiện chưa có nhiều dữ liệu lâm sàng mà chủ yếu là dữ liệu từ phòng thí nghiệm. Chúng tôi không hề hạ thấp mà rất chú trọng biến thể này. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng dù có những biến thể làm vaccine giảm hiệu quả phần nào nhưng các loại vaccine đã được cấp phép sử dụng hiện vẫn khá hiệu quả đối với các biến thể tại thời điểm này”.

Hôm 3/9, Bộ Y tế Pháp đã tung ra những cảnh báo đầu tiên về các biến thể virus SARS-CoV-2 như biến thể Mu hay biến thể C.1.2 mới xuất hiện tại Nam Phi. Cơ quan Y tế công Pháp cho biết, ca nhiễm biến thể Mu đầu tiên tại nước này được phát hiện ngày 3/8 vừa qua tại vùng Pas-de-Calais nằm về phía Bắc. Tuy nhiên, biến thể này hiện vẫn hoàn toàn “lép vế” so với biến thể Delta khi số ca nhiễm ghi nhận được chỉ ở mức rất thấp, với 105 trường hợp, tính đến ngày 25/8.

Cũng theo cơ quan này, ở cấp độ châu Âu, số ca mắc COVID-19 do biến thể Mu tăng nhẹ trong tháng 6 và 7/2021 nhưng lại giảm trong tháng 8/2021, đồng thời cho biết, chưa có đủ dữ liệu cho phép xác định chính xác khả năng lây truyền và kháng vaccine của biến thể Mu. Theo Giáo sư về các bệnh truyền nhiễm thuộc Đại học Lille, ông Philippe Amouyel, lo ngại của các nhà khoa học nằm ở khả năng đột biến của biến thể Mu.

Ông nói: “Biến thể Mu chứa nhiều đột biến khiến ta nghĩ rằng nó có thể kháng lại một số loại vaccine. Nhất là khi ta chứng kiến số người mắc COVID-19 do biến thể Mu đang tăng lên, như chiếm đến 39% tổng số ca tại Colombia, 13% tại Ecuado. Hiện vẫn chưa có đủ nghiên cứu cho phép xác định chính xác khả năng lây truyền của biến thể Mu, để xem liệu nó có cao hơn so với các biến thể Delta hay Alpha hay không”. Vị giáo sư này cho biết thêm rằng, hiện vẫn chưa có quy luật chung cho khả năng lây lan của các biến thể virus SARS-CoV-2.

Bằng chứng rõ nhất là biến chủng Gamma từng hoành hành tại Brazil nhưng hoàn toàn lép vế so với biến chủng Delta xuất hiện tại Ấn Độ rồi nhanh chóng lây lan toàn thế giới. Ngoài biến thể Mu, Pháp cũng đang theo dõi một biến thể khác đến từ Nam Phi, có tên khoa học C.1.2. Đến nay, Pháp chưa ghi nhận ca nhiễm nào do biến thể này gây ra nhưng đã phát đi cảnh báo virus này có tỉ lệ đột biến cao gần gấp đôi so với các biến thể khác.

Trước đó, hồi tháng 7, Cơ quan Y tế Công cộng Anh (PHE) cũng đã thêm biến thể Mu vào danh sách các biến thể đang được điều tra của cơ quan này với tên gọi VUI-21JUL-01. Ít nhất 32 trường hợp nhiễm biến thể Mu đã được phát hiện ở Anh. Mô hình lây nhiễm cho thấy nó đã được mang đến nước này thông qua các khách du lịch. Một báo cáo của PHE cho biết hầu hết những ca mắc biến thể Mu được tìm thấy ở London và ở những người trong độ tuổi 20.

Đặc biệt, một số trong số những người có kết quả xét nghiệm dương tính với biến thể này đã được tiêm một hoặc hai liều vaccine COVID-19. Một đánh giá về rủi ro của biến thể Mu do PHE công bố vào tháng 8 đã nêu bật các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, trong đó cho thấy biến thể này có khả năng chống lại hệ miễn dịch đã được tiêm vaccine ngang với biến thể Beta. Tuy nhiên, PHE cho biết vẫn cần thêm bằng chứng từ các nghiên cứu khác trong phòng thí nghiệm và các trường hợp thực tế của biến thể.

“Hiện tại, không có bằng chứng nào cho thấy VUI-21JUL-01 vượt trội hơn hay dễ lây lan hơn so với biến thể Delta”, báo cáo của PHE nêu rõ. Tại châu Á, Nhật Bản cũng vừa xác nhận những ca nhiễm đầu tiên liên quan tới biến thể Mu.

Bộ Y tế Nhật Bản cho biết, 2 du khách có kết quả xét nghiệm dương tính với biến thể Mu được phát hiện tại các trạm kiểm dịch ở 2 sân bay của nước này. Theo đó, một phụ nữ khoảng 40 tuổi từ Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất đến sân bay Narita vào cuối tháng 6 vừa qua và một phụ nữ khoảng 50 tuổi đến từ Anh hạ cánh xuống sân bay Haneda hồi đầu tháng 7 được xác định đã bị nhiễm biến thể Mu.

Theo The Guardian, Mu mang theo đột biến P681H có khả năng lây lan nhanh hơn. Một số đột biến khác mà có trong biến thế Mu, bao gồm E484K và K417N, có thể giúp virus tránh được các biện pháp bảo vệ miễn dịch.

Điều này có thể sẽ là điểm đáng ngại của biến thể này so với biến thể Delta. Tất cả virus, trong đó có SARS-CoV-2, đều biến đổi theo thời gian và hầu hết các đột biến không ảnh hưởng hoặc ảnh hưởng rất ít đến đặc tính của virus.

Tuy nhiên, một số đột biến nhất định có thể ảnh hưởng đến đặc tính của virus và khả năng lây nhiễm, mức độ nghiêm trọng cũng như khả năng kháng vaccine, thuốc chữa trị và các biện pháp điều trị khác. Các nhà khoa học và chuyên gia y tế công cộng đang tập trung theo dõi xem liệu biến thể Mu có khả năng lây lan nhanh hơn hay gây ra các triệu chứng nghiêm trọng hơn so với biến thể Delta đang chiếm ưu thế ở nhiều nơi trên thế giới hay không.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.