Biểu tình làm "tê liệt" Bangladesh, hơn 100 người thiệt mạng

Chủ Nhật, 21/07/2024, 15:46

Làn sóng biểu tình của sinh viên Bangladesh biến thành các cuộc đụng độ nghiêm trọng, khiến hơn 100 người thiệt mạng và buộc nhà chức trách đóng cửa nhiều cơ quan công ích.

Chính phủ Bangladesh hôm nay (21/7) thông báo gia hạn lệnh giới nghiêm trong bối cảnh các cuộc biểu tình của sinh viên nước này chưa có dấu hiệu hạ nhiệt sau nhiều ngày bị bạo lực hoá, khiến ít nhất 114 người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương, Reuters đưa tin.

Biểu tình làm Bangladesh
Khung cảnh lộn xộn do biểu tình ở Bangladesh. Ảnh: GettyImages

Trên đường phố thủ đô Dhaka, lực lượng an ninh có vũ trang tiếp tục được triển khai để tuần tra, kiểm soát các tuyến đường chính. Reuters nói rằng, dịch vụ Internet và nhắn tin vẫn chưa hoạt động trở lại sau 3 ngày gián đoạn.

Trước đó, Chính phủ Bangladesh yêu cầu các cơ quan công ích dừng hoạt động, ngoại trừ các đơn vị ứng phó tình huống khẩn cấp, trong hai ngày 21 và 22/7. Các trường đại học và cao đẳng ở Bangladesh cũng đã đóng cửa từ ngày 17/7.

Các cuộc biểu tình nổ ra từ đầu tháng 7/2024 tại các trường đại học, khi sinh viên yêu cầu chấm dứt hệ thống hạn ngạch dành 30% việc làm của chính phủ cho thành viên gia đình các cựu chiến binh đã chiến đấu trong cuộc chiến giành độc lập của Bangladesh năm 1971.

Những người biểu tình cho rằng chính sách nói trên là không công bằng và phân biệt đối xử vì những người trẻ tuổi phải chật vật tìm việc làm trong thời kỳ suy thoái kinh tế. Các cuộc biểu tình ở Dhaka bị bạo lực hoá và nhanh chóng lan rộng.

Hiện tại, 56% việc làm của chính phủ ở Bangladesh được phân chia thành những hạn ngạch ưu tiên khác nhau, trong đó bao gồm cả 10% cho phụ nữ, 10% cho người dân ở các huyện kém phát triển, 5% cho cộng đồng bản địa và 1% cho người khuyết tật.

Theo truyền thông khu vực, Bangladesh có thể sẽ xem xét lại các biện pháp an ninh nói trên sau phiên điều trần của Tòa án Tối cao xung quanh vấn đề hạn ngạch diễn ra ngày 21/7. Theo Reuters, tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ ở Bangladesh lên đến gần 20% dân số.

Thái Hà
.
.
.