Biến thể Omicron khiến thế giới nóng lên
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 29/12 đưa ra cảnh báo rằng mối nguy do biến thể Omicron gây ra vẫn rất cao, trong bối cảnh số ca nhiễm COVID-19 trên phạm vi toàn cầu tăng 11% hồi tuần trước.
WHO ngày 29/12 đưa ra bản cập nhật dịch tễ học hàng tuần về COVID-19, theo đó, số ca nhiễm biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 được cho là nguyên nhân của việc số ca nhiễm tại nhiều nước tăng nhanh trong thời gian qua.
Tại một số nước, số ca nhiễm biến thể Omicron đã vượt qua cả "đàn anh" Delta. "Có bằng chứng nhất quán cho thấy biến thể Omicron lây lan nhanh hơn đáng kể so với biến thể Delta và tỷ lệ ca bệnh tăng nhanh được ghi nhận ở một số quốc gia, bao gồm cả Anh và Mỹ, nơi Omicron hiện là biến thể thống trị", WHO cho biết.
Cập nhật của WHO được đưa ra trong bối cảnh một số quốc gia châu Âu, bao gồm Pháp, Anh, Italy, Hy Lạp và Bồ Đào Nha đều đạt kỷ lục về số ca lây nhiễm hàng ngày. Bộ trưởng Du lịch Pháp Jean-Baptiste Lemoyne ngày 29/12 cho biết, khoảng 1.600 hộp đêm trên toàn đất nước sẽ phải đóng cửa thêm ít nhất 3 tuần sau khi nước này ghi nhận số ca nhiễm thường nhật cao kỷ lục ngày hôm qua, với gần 180.000 ca.
Lệnh đóng cửa đối với các câu lạc bộ đêm tại Pháp được đưa ra hôm 6/12, trong một nỗ lực nhằm ngăn chặn số ca nhiễm có thể tăng cao trong mùa lễ hội và du lịch cuối năm. Ba Lan ngày 29/12 công bố ghi nhận thêm hơn 15.500 ca nhiễm và gần 800 ca tử vong vì COVID-19, số ca tử vong cao nhất trong đợt dịch lần thứ 4 tại quốc gia châu Âu này.
Bộ trưởng Y tế Ba Lan Waldemar Kraska cùng ngày cho biết trên truyền hình rằng 75% số ca tử vong mới rơi vào số người chưa được tiêm chủng. Ba Lan hiện đang đối mặt với chuỗi ngày số ca nhiễm cao kỷ lục, bất chấp việc biến thể Omicron vẫn chưa thực sự chiếm phần đáng kể trong số các ca nhiễm tại đây.
Trong khi đó, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, nước này đã xác nhận 441.278 ca mắc COVID-19 trong ngày 28/12 (giờ địa phương), vượt xa mức kỷ lục 294.015 ca hồi tháng 1, thời điểm các loại vaccine chưa được sử dụng rộng rãi ở Mỹ. Tính trung bình trong tuần qua, mỗi ngày Mỹ ghi nhận khoảng 240.000 ca nhiễm mới. Sự gia tăng về số ca nhiễm mới diễn ra trong bối cảnh biến thể Omicron đang lây lan nhanh chóng ở Mỹ và hiện đang là chủng chủ đạo ở nước này.
Một số chuyên gia y tế cho rằng, Mỹ cần tập trung nhiều hơn về số ca nhập viện và tử vong thay vì số ca nhiễm mới như hiện nay, vì hiện vẫn còn khoảng 40% dân số Mỹ chưa tiêm phòng, trong khi tỷ lệ nhập viện và tử vong ở nhóm này đang gia tăng. Trong khi đó, theo các mô hình dự báo của CDC Mỹ, số ca nhiễm mới, nhập viện và tử vong ở nước này sẽ tiếp tục tăng trong vòng 4 tuần tới. Theo các dự báo này, từ 8.700 tới 20.800 người có thể phải nhập viện do COVID-19 mỗi ngày ở Mỹ vào thời điểm 10/1.
Đáng chú ý, kỷ lục về số ca nhiễm COVID-19 tại Australia ngày 29/12 tiếp tục được thiết lập với hơn 18.000 ca, tăng hơn 63% so với ngày trước đó. Trước thực tế này, Thủ tướng Australia phải triệu tập cuộc họp Nội các liên bang mở rộng đột xuất vào ngày mai để thảo luận về tình hình. Chính phủ Australia đang cân nhắc điều chỉnh định nghĩa thế nào là đối tượng tiếp xúc gần để giảm số người đi xét nghiệm và dành cơ hội xét nghiệm cho những người thực sự cần. Đồng thời việc sử dụng bộ xét nghiệm kháng nguyên nhanh cũng được khuyến khích, nhằm giảm tải cho các địa điểm xét nghiệm PCR và tạo thuận lợi cho người dân.
Tại Đông Nam Á, biến thể này cũng lần đầu tiên xuất hiện tại nhiều nước như Indonesia, Việt Nam và Myanmar. Trước nguy cơ lây nhiễm biến thể Omicron, một số nước trong khu vực đã yêu cầu du khách đến từ các quốc gia có nguy cơ cao phải xét nghiệm PCR trước khi khởi hành. Malaysia còn thực hiện xét nghiệm đối với du khách ngay khi nhập cảnh và du khách sẽ được cung cấp một thiết bị theo dõi kỹ thuật số. Do sự xuất hiện của biến thể Omicron, chính phủ Indonesia đã kêu gọi người dân không ra nước ngoài nếu không có việc thực sự cần thiết.
Chính quyền lo ngại người dân ra nước ngoài có thể nhiễm biến thể Omicron và đưa virus ngược trở lại Indonesia. Trong khi đó, giới chức Thái Lan ngày 29/12 cũng cảnh báo người dân nên chuẩn bị tinh thần cho một đợt gia tăng số ca nhiễm sau khi nước này xác định ổ dịch nhiễm biến thể Omicron tại tỉnh Kalasin, miền Bắc đất nước. Đến nay, Thái Lan ghi nhận tổng cộng 740 ca nhiễm biến thể Omicron, bao gồm 251 người có tiếp xúc với du khách nước ngoài. Bộ Y tế nước này cảnh báo, Thái Lan có thể ghi nhận 30.000 ca cùng với 160 ca tử vong mỗi ngày vào tháng 3 tới, theo Reuters.
Có thể thấy, trong những ngày cuối cùng của năm 2021, tình hình dịch COVID-19 trên toàn thế giới vẫn rất phức tạp với sự lây lan của biến thể Omicron. Các chuyên gia trên thế giới vẫn còn nhiều tranh cãi xung quanh mức độ nguy hiểm của biến thể này. Mới đây, các nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu sức khoẻ châu Phi tại Nam Phi đã công bố kết quả nghiên cứu về mối liên hệ giữa biến thể Omicron và Delta.
Cụ thể, nghiên cứu được thực hiện trên 13 người, trong đó 11 người đã nhiễm biến thể Omicron và 7 người trong số này đã tiêm vaccine ngừa COVID-19. Kết quả cho thấy, phản ứng kháng thể của người nhiễm Omicron dường như đã làm tăng hiệu quả bảo vệ trước biến thể Detla hơn gấp 4 lần sau khoảng 2 tuần tham gia nghiên cứu. Những người tham gia nghiên cứu cũng cho thấy khả năng ngăn chặn tái nhiễm Omicron tăng gấp 14 lần.
Nhiều nhà khoa học cho rằng cần thêm thời gian kiểm chứng bởi chưa rõ việc tăng khả năng bảo vệ là do kháng thể tạo ra sau khi nhiễm Omicron, do tiêm chủng hay do cơ chế miễn dịch từ lần nhiễm bệnh trước đó. Nhưng có một điều chắc chắn, những người đã tiêm chủng có khả năng bảo vệ mạnh mẽ hơn.