Biển người Iran cầu nguyện Tổng thống Raisi an toàn sau sự cố rơi trực thăng
Hàng ngàn người Iran đổ xuống đường cầu nguyện Tổng thống Iran Ebrahim Raisi có thể trở về an toàn, sau khi chiếc trực thăng chở ông rơi ở vùng núi phía Tây Bắc nước này.
SkyNews hôm nay (20/5) cho biết, rất đông người dân Iran đã tập trung tại quảng trường Vali-e-Asr ở thủ đô Tehran để cầu nguyện tập thể với hi vọng Tổng thống Iran Ebrahim Raisi có thể trở về an toàn, sau khi chiếc trực thăng chở ông gặp nạn ở vùng núi Varzaqan phía Tây Bắc hôm 19/5.
Các lễ cầu nguyện tập thể cũng diễn ra ở đền Imam Reza ở thành phố Mashhad, một trong những địa điểm linh thiêng nhất của người Hồi giáo Shiite; ở thành phố Qom phía Nam và nhiều khu vực khác trên khắp lãnh thổ Iran.
"Cầu mong những lời cầu nguyện có tác dụng và cầu mong ông ấy có thể trở về trong vòng tay của đất nước một cách bình an vô sự", Mehdi Seyedi, một người đàn ông đang cầu nguyện cho ông Raisi ở Tehran, nói với truyền thông.
Lãnh tụ tinh thần tối cao Iran Ayatollah Khamenei cùng ngày cũng tham gia cầu nguyện cho ông Raisi và những người khác có mặt trên chiếc trực thăng bị rơi. Ông đề nghị người dân Iran giữ bình tĩnh và khẳng định vụ việc sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động thường ngày của đất nước.
"Đất nước Iran không nên lo lắng. Sẽ không có sự gián đoạn nào đối với hoạt động của đất nước", ông Khamenei phát thông điệp.
Tính đến 6h20 sáng 20/5 (giờ Hà Nội), vị trí chiếc trực thăng chở ông Raisi vẫn chưa được xác định. Trên máy bay gặp nạn còn có Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian; thống đốc tỉnh Đông Azerbaijan của Iran Malek Rahhmati và giáo sĩ Tabriz Hojjatoleslam Al Hashem.
Iran đã cử hàng chục đội cứu hộ tới tìm kiếm chiếc trực thăng, nhưng điều kiện thời tiết xấu với sương mù dày đặc và mưa khiến nỗ lực cứu hộ gặp nhiều khó khăn. Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai lực lượng tới hỗ trợ tìm kiếm theo đề nghị của Iran.
Theo phân tích của The Hill, chiếc trực thăng chở ông Raisi là loại Bell 412 có tuổi đời nhiều năm. Iran sở hữu một số loại trực thăng dân sự và quân sự, nhưng các lệnh trừng phạt quốc tế khiến việc mua sắm linh kiện cho chúng gặp không ít khó khăn.
Nhiều lãnh đạo các nước đã lên tiếng chia sẻ với Iran. Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev, người cùng dự lễ khánh thành đập Qiz Qalasi ở biên giới hai nước với Tổng thống Raisi vào ngày 19/5, đã bày tỏ lo ngại về sự cố và đề nghị giúp đỡ Iran.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng ngày bày tỏ chia sẻ với Iran và triển khai lực lượng cứu hộ tới hỗ trợ tìm kiếm. "Trực thăng và lực lượng cứu hộ Nga sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ. Ngay khi điều kiện thời tiết cho phép, các chuyên gia Nga sẽ tham gia", Điện Kremlin phát thông điệp.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết ông lo ngại về sự việc chiếc trực thăng chở ông Raisi gặp sự cố, khẳng định New Delhi "đoàn kết với người dân Iran trong giờ phút khó khăn này và cầu nguyện cho sự an lành của Tổng thống và đoàn tùy tùng của ông".
Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cũng thông báo họ đang theo dõi tình hình. Quan chức EU phụ trách vấn đề quản lý khủng hoảng Janez Lenarcic sau đó xác nhận EU đã "kích hoạt cơ chế thiết lập bản đồ phản ứng nhanh Copernicus EMS" của EU để đáp lại yêu cầu trợ giúp của Iran.
Ai Cập, Arab Saudi, Lebanon, Oman, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Jordan, Qatar, Kuwait, Yemen, Venezuela và nhiều nước khác cũng gửi thông điệp bày tỏ chia sẻ về sự cố và tuyên bố sẵn sàng giúp đỡ.