Biến chủng Lambda lan đến Đông Nam Á
Philippines đã vừa ghi nhận ca dương tính đầu tiên với biến chủng Lambda của virus SARS-CoV-2, vốn được mô tả là có khả năng lây lan nhanh chóng hơn các biến chủng ban đầu.
Bộ Y tế Philippines hôm nay (15/8, giờ địa phương) thông báo, nước này đã ghi nhận một ca nhiễm biến chủng Lambda của virus SARS-CoV-2, là một phụ nữ 35 tuổi. Người này không có triệu chứng bệnh và đã hồi phục sau 10 ngày cách ly, theo báo Rappler.
Hiện vẫn chưa rõ người phụ nữ có phải mới trở về từ nước ngoài hay không. Giới chức y tế địa phương đang tiến hành truy vết những người liên quan và điều tra dịch tễ ca bệnh.
Số liệu cập nhật thời gian thực trên Worldometers tính đến ngày 15/8, cho thấy Philippines đã ghi nhận tổng cộng 1,74 triệu ca nhiễm COVID-19, bao gồm 14.800 ca nhiễm trong 24h gần nhất. Tại Philippines, 30.340 người đã thiệt mạng vì COVID-19.
Để xác định biến chủng SARS-CoV-2 mà người bệnh đang mang, các chuyên gia cần giải trình tự gen mẫu bệnh phẩm của người đó và so sánh kết quả với dữ liệu quốc tế. Nhiều người lo ngại bệnh nhân nói trên không phải người duy nhất mang biến chủng Lambda ở Philippines.
Theo ghi nhận của Sáng kiến chia sẻ dữ liệu GISAID, Philippines là quốc gia đầu tiên tại Đông Nam Á phát hiện ca nhiễm biến chủng Lambda, trong bối cảnh biến chủng Delta đang hoành hành ở nhiều quốc gia trong khu vực, gây áp lực khổng lồ lên hệ thống chăm sóc sức khỏe.
Từ khi xuất hiện ở Peru hồi năm ngoái, Lambda hiện đã có mặt ở 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hiện xếp Lambda vào danh sách các biến chủng cần được chú ý (VOI), tức thấp hơn các biến chủng cần quan tâm (VOC) như Delta.
Tuy số ca nhiễm biến chủng Lambda khá nhỏ so với biến chủng Delta, song nhiều chuyên gia vẫn tỏ ra thận trọng. CNN tuần trước dẫn kết quả một nghiên cứu trên biorxiv.org tiết lộ, Lambda mang 2 đột biến T76I và L452Q, vốn được cho là giúp virus lây lan nhanh hơn.
Ngoài ra, nó còn mang 3 đột biến RSYLTPGD246-253N, 260 L452Q và F490S có thể thoát khỏi kháng thể trung hòa trên cơ thể sau khi tiêm vaccine. Tuy nhiên, hiện chưa có bằng chứng nào cho thấy Lambda có ảnh hưởng đáng kể đến hiệu quả của các loại vaccine trên thế giới.