Biến chủng Delta đứng sau bi kịch tử vong vì COVID-19 tại Đông Nam Á
Dù tránh được kịch bản tồi tệ nhất trong các làn sóng dịch trước, các nước Đông Nam Á hiện đang phải chứng kiến số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất thế giới do sự bùng phát của biến chủng Delta, theo Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC).
Biến chủng Delta đầy nguy hiểm, kết hợp với tình trạng thiếu vaccine, đang dẫn đến sự bùng phát kỷ lục của COVID-19 tại nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, IFRC trong một báo cáo đưa ra ngày 18/8 nhận định.
Indonesia là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong khu vực bởi làn sóng đại dịch mới, với số ca tử vong mỗi ngày vì COVID-19 cao nhất thế giới. Trong một tuần qua, trung bình mỗi ngày, nước này ghi nhận 1.466 trường hợp tử vong.
Ông Alexander Matheou, Giám đốc IFRC khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, ngày 18/8 lên tiếng bày tỏ lo ngại rằng các trường hợp tử vong vì biến chủng Delta trong khu vực sẽ còn tăng thêm.
"Sự gia tăng của các ca COVID-19 được thúc đẩy bởi biến chủng Delta đang gây ra những thiệt hại bi thảm cho các gia đình trên khắp Đông Nam Á và có thể sẽ còn lâu mới chấm dứt", ông nói.
Theo IFRC, trong hai tuần qua, tỷ lệ tử vong do COVID-19 ở Đông Nam Á cao hơn bất kỳ khu vực nào khác. Theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins, Đông Nam Á đã ghi nhận 38.522 ca tử vong do COVID-19 trong hai tuần qua, gần gấp đôi so với Bắc Mỹ.
Cũng theo ông Matheou, tỉ lệ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại nhiều quốc gia Đông Nam Á vẫn thấp hơn rất nhiều so với khu vực Tây Âu và Bắc Mỹ, tiêu biểu như Anh (60% dân số) hay Canada và Tây Ban Nha (khoảng 64% dân số).
Giám đốc IFRC khu vực Châu Á - Thái Bình Dương kêu gọi những nỗ lực mạnh mẽ từ các quốc gia giàu có hơn trong việc chia sẻ vaccine với các nước Đông Nam Á, đồng thời đề nghị các công ty sản xuất vaccine và chính phủ các nước chia sẻ công nghệ và mở rộng quy mô sản xuất vaccine.
“Những tuần sắp tới là rất quan trọng đối với việc mở rộng quy mô điều trị, xét nghiệm và tiêm chủng ở mọi ngóc ngách của tất cả các quốc gia ở Đông Nam Á. Chúng ta phải đặt mục tiêu tỷ lệ tiêm chủng hàng loạt là 70-80% nếu chúng ta muốn giành chiến thắng trong cuộc đua với các biến chủng và vượt qua đại dịch toàn cầu này”, ông nhấn mạnh.
IFRC khuyến cáo, trước mắt, việc tăng cường các biện pháp bảo vệ sức khỏe, chẳng hạn như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách hay hạn chế tụ tập trong không gian kín là điều cần thiết thực hiện cho đến khi tỉ lệ tiêm chủng đạt đến mức yêu cầu.