Bất ngờ với biện pháp ngăn chặn dòng người di cư của G7

Thứ Bảy, 15/06/2024, 09:00

Trong ngày họp cuối cùng (14/6), các nhà lãnh đạo G7 đã tập trung vào vấn đề di cư, trí tuệ nhân tạo, an ninh kinh tế và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nhấn mạnh quyết tâm đương đầu với những thách thức toàn cầu “vào thời điểm quan trọng của lịch sử”.

Lãnh đạo G7 thảo luận biện pháp ngăn chặn dòng người di cư trái phép  -0
Lãnh đạo các nước G7 và đồng minh tại hội nghị thượng đỉnh ở Italy. Ảnh Reuters. 

Các nhà lãnh đạo G7 đã có mặt tại khu nghỉ dưỡng Puglia nổi tiếng tại miền Nam Italy trong hai ngày qua, thảo luận về các chủ đề lớn, như hỗ trợ tài chính cho Ukraine, cuộc chiến ở Gaza, biến đổi khí hậu, Iran, tình hình ở Biển Đỏ, bình đẳng giới và chính sách công nghiệp cũng như an ninh kinh tế.

“Chúng tôi đang hợp tác cùng nhau và các nước khác để giải quyết những thách thức cấp bách của thời đại này”, các nhà lãnh đạo G7 cho biết trong thông cáo sau hội nghị, nhấn mạnh sự đoàn kết với Ukraine, ủng hộ một thỏa thuận dẫn đến ngừng bắn ngay lập tức và thả con tin ở Gaza, đầu tư vào cơ sở hạ tầng bền vững ở châu Phi cũng như các cam kết giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và di cư.

Tuy nhiên, sự chia rẽ đã xuất hiện trong hội nghị thượng đỉnh, đặc biệt là việc không đề cập đến vấn đề phá thai trong tuyên bố cuối cùng.

Khi được hỏi liệu cuộc họp của G7 có diễn ra như mong đợi hay không, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tỏ ra thận trọng. “Mục đích của G7 là tạo ra sự hội tụ và có thể xóa bỏ những hiểu lầm. Đó không phải là nơi bạn quyết định các biện pháp khẩn cấp hoặc điều chỉnh mọi thứ”, ông Macron nói.

Dù vậy, Tổng thống Pháp vẫn cho rằng đây “là một hội nghị G7 hữu ích, với những kết quả thiết thực”. Theo ông, “những tuần tới sẽ tạo điều kiện cho các cơ hội chính trị, đặc biệt là xung quanh hai cuộc xung đột”.

Di cư là chủ đề thảo luận đầu tiên trong ngày 15/6, khi các nhà lãnh đạo cân nhắc các biện pháp nhằm chống lại nạn buôn người và tăng cường đầu tư vào các quốc gia nơi khởi nguồn của dòng người di cư.

Vấn đề này được nước chủ nhà hội nghị thượng đỉnh Italy đặc biệt quan tâm, vì quốc gia này nằm trên một trong những tuyến đường chính vào Liên minh châu Âu của những người chạy trốn chiến tranh và nghèo đói ở châu Phi, Trung Đông và châu Á.

Thủ tướng Italy Giorgia Meloni được biết đến với quan điểm cứng rắn về vấn đề di cư, bày tỏ mong muốn tăng cường đầu tư và tài trợ cho các quốc gia châu Phi như một biện pháp giảm áp lực di cư lên châu Âu.

Tuyên bố cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh cho biết các nhà lãnh đạo “đã thành lập Liên minh G7 để ngăn chặn và chống lại nạn đưa người di cư trái phép”, đồng thời lưu ý rằng nhóm G7 sẽ “tập trung vào nguyên nhân gốc rễ của tình trạng di cư bất thường, nỗ lực tăng cường quản lý biên giới và hạn chế tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia”.

Thủ tướng Anh Rishi Sunak cho biết ông và bà Meloni đã “đồng quan điểm” về vấn đề di cư. “Chúng ta không thể để các băng nhóm tội phạm quyết định ai sẽ đến đất nước của chúng ta”, ông Sunak nói.

Mỹ cũng đang phải vật lộn với số lượng người di cư ngày càng tăng. Tổng thống Joe Biden đưa ra các chính sách mới nhằm hạn chế tình trạng di cư sau khi một dự luật mà ông đưa ra không được Quốc hội thông qua. Tuy nhiên, tương lai của các chính sách mới vẫn chưa rõ ràng do sự chống đối của những người ủng hộ quyền của người nhập cư.

Duy Tiến
.
.
.