Báo Mỹ: Thủ lĩnh Hamas thiệt mạng vì một quả bom điều khiển từ xa, không phải tên lửa
Tờ New York Times dẫn các nguồn tin Mỹ và Iran nêu khả năng thủ lĩnh chính trị Hamas Ismail Haniyeh thiệt mạng do một quả bom được gài sẵn từ lâu bên trong căn phòng của ông ở Tehran.
Tờ New York Times tối 1/8 đăng tải thông tin gây sốc khi khẳng định kết quả điều tra do tờ này thực hiện, dựa trên ít nhất 7 nguồn tin, trong đó có các quan chức Mỹ và Iran, cho thấy, ông Haniyeh thiệt mạng do một quả bom được gài bên trong căn phòng nơi ông lưu trú từ khoảng hai tháng trước.
Tòa nhà ông Haniyeh lưu trú nằm ở phía Tây Bắc Tehran, thuộc khu phức hợp Neshat cao cấp, được vận hành bảo vệ bởi Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC). New York Times khẳng định quả bom được kích nổ từ xa khi ông Haniyeh đang bên trong căn phòng.
Vụ nổ làm rung chuyển tòa nhà và khiến các bức tường bị hư hại từ bên trong. Theo các nguồn tin, ông Haniyeh lưu trú tại tòa nhà này nhiều lần khi đến thăm Iran. Tuy vậy, tờ báo không nêu cách thức quả bom được gài vào tòa nhà. Việc lập kế hoạch ám sát bằng bom tại một khu vực được bảo vệ cẩn mật sẽ đòi hỏi một kế hoạch rất phức tạp.
Hai nguồn tin của New York Times mô tả thêm, vụ ám sát nói trên được áp dụng chiến thuật tương tự như khi Israel bị cáo buộc sử dụng một robot súng máy được ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và điều khiển từ xa để ám sát nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của Iran Mohsen Fakhrizadeh vào năm 2020.
Trong vụ việc với ông Fakhrizadeh, New York Times tiết lộ, toàn bộ thiết bị để lắp đặt khẩu súng máy robot nặng tới một tấn, được tuồn lậu vào Iran lần lượt từng bộ phận nhỏ trước khi chúng được các đặc vụ Mossad của Israel lắp ráp và triển khai đến địa điểm tấn công.
Thông tin của New York Times đang rất gây chú ý, khi nhiều người cho rằng khả năng ông Haniyeh thiệt mạng vì một quả tên lửa dẫn đường vẫn đang gây hoài nghi.
Nếu vụ ám sát quả thật được thực hiện bằng tên lửa, nó là dấu hiệu cho thấy quả đạn đạt độ chính xác rất cao, có thể lao thẳng vào căn phòng qua cửa sổ, sức sát thương cũng chỉ vừa đủ để đoạt mạng ông Haniyeh và cận vệ canh mà không ảnh hưởng tới những người khác trong cùng tòa nhà.
Các nhà quan sát nêu hai khả năng, để đánh trúng với độ chính xác như vậy, tên lửa có thể phải là loại được trang bị đầu dò laser. Khi đó, cần nhân sự, thiết bị để chiếu laser chỉ điểm mục tiêu trong lúc tấn công. Đây là một kế hoạch rất phức tạp và dễ bại lộ.
Nếu quả tên lửa là loại dẫn đường tầm xa, câu hỏi đặt ra là làm cách nào nó vượt qua các lớp phòng không dày đặc của Iran mà không bị đánh chặn. Câu hỏi tiếp theo là việc quốc gia nào trong khu vực có thể cho phép bên tấn công mượn không phận để phóng tên lửa vào Tehran. Đây được coi là điều rất nhạy cảm, bởi đòn tập kích có thể bị coi là hành động tấn công Iran và sẽ bị Tehran đáp trả.
Theo truyền thông phương Tây, Israel, bên bị cáo buộc đứng sau vụ ám sát, sở hữu loại tên lửa dẫn đường LORA phóng từ máy bay (Air LORA), có tầm bắn hơn 400 km và khả năng vượt qua lưới phòng không dày đặc, nhưng tốc độ lớn và đầu đạn nổ mạnh nặng gần 600 kg của nó sẽ đánh sập tòa nhà thay vì chỉ gây hư hại như vậy.
Máy bay không người lái (UAV) tự sát hoặc tên lửa chống tăng có khả năng tấn công mục tiêu nằm ngoài tầm nhìn thẳng như Spike NLOS cũng là phương án được đề cập, nhất là với những chiến dịch sâu trong lãnh thổ đối phương.
Những vũ khí kiểu này có độ chính xác cao, nhưng tầm bắn ngắn, đòi hỏi đặc vụ vận hành phải xuất hiện gần hiện trường để điều khiển tên lửa nhắm vào mục tiêu. Kíp chiến đấu và trận địa triển khai cũng cần được che giấu đảm bảo bí mật tuyệt đối cho đến thời điểm khai hỏa. Tuy vậy, sau khi tấn công, việc rút lui mà không để lại dấu vết là gần như không thể.