Báo động tình trạng “nô lệ thời hiện đại”

Thứ Ba, 13/09/2022, 07:21

Theo thống kê của Liên hợp quốc (LHQ), khoảng 50 triệu người trên khắp thế giới đang “mắc kẹt” trong tình trạng lao động hoặc hôn nhân cưỡng bức, điều đáng ngại là vấn đề này đang trở nên tồi tệ hơn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, khủng hoảng khí hậu hay chiến tranh, bạo lực.

Một báo cáo được Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) công bố ngày 12/9 cho thấy số người bị cưỡng bức lao động hoặc kết hôn đã gia tăng đáng kể trong giai đoạn 2016-2021, bất chấp việc nhiều nước trên thế giới đặt ra mục tiêu xóa bỏ các hình thức “nô lệ thời hiện đại” vào năm 2030. Báo cáo chỉ ra rằng tính đến cuối năm ngoái, khoảng 28 triệu người trên toàn thế giới bị cưỡng bức lao động, trong khi 22 triệu người rơi vào những cuộc hôn nhân bị ép buộc. Điều này đồng nghĩa với việc cứ 150 người sẽ có một người rơi vào tình trạng “nô lệ thời hiện đại”.

Theo LHQ, “nô lệ thời hiện đại” là cụm từ thường được dùng để chỉ nạn nhân của những hình thức lao động cưỡng bức hoặc hôn nhân ép buộc, như người buộc phải lao động để gán nợ, bị khai thác tình dục và bị tác động bởi những hình thức bóc lột khác. Để đưa ra báo cáo này, các nhà nghiên cứu đã thực hiện khảo sát tại hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Năm 2016, LHQ từng đưa ra một báo cáo tương tự, theo đó, 21 triệu người phải sống trong tình cảnh “nô lệ thời hiện đại” vào thời điểm đó. Theo ước tính, số người rơi vào tình trạng hôn nhân ép buộc tính đến cuối năm 2021 cao hơn 43% so với con số năm 2016. Ngoài ra, hơn 2/3 trong số những người bị ép buộc kết hôn là phụ nữ và trẻ em gái khiến nhóm đối tượng này có nguy cơ bị bóc lột và bạo lực tình dục cao hơn. Mặc dù số người tại châu Á và khu vực Thái Bình Dương bị cưỡng ép hôn nhân rất cao, tuy nhiên, nếu tính theo tỷ lệ dân số, tình trạng hôn nhân cưỡng bức tại các nước Arab lại đáng báo động hơn cả.

Báo động tình trạng “nô lệ thời hiện đại” -0

Theo báo cáo, đại dịch COVID-19, xung đột vũ trang và khủng hoảng khí hậu đã gây ra sự gián đoạn chưa từng có đối với việc làm và giáo dục dẫn đến sự gia tăng của nghèo đói, di cư không kiểm soát và bạo lực trên cơ sở giới, tất cả đều là thành tố khiến tình trạng “nô lệ thời hiện đại” trở nên tồi tệ hơn, trong đó, COVID-19 được đánh giá là nguyên nhân hàng đầu. Ở một số quốc gia, việc đóng cửa phòng dịch trên diện rộng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến “miếng cơm manh áo” của hàng triệu gia đình. Tại những khu vực kém phát triển, trong điều kiện trường học đóng cửa, không ít gia đình đã buộc phải để con em mình làm việc để phụ giúp kiếm sống. Thủ đô Delhi của Ấn Độ đã trải qua một trong những đợt đóng cửa trường học vì đại dịch lâu nhất trên thế giới, buộc hơn 4 triệu trẻ em không được đến trường trong hơn 600 ngày.

Theo Shaheen Mistri, người sáng lập tổ chức giáo dục phi lợi nhuận “Teach for India”, khoảng 10% trẻ em theo học ở các trường công lập của thành phố đã bỏ học vì đại dịch cũng tác động kinh tế của COVID-19, chủ yếu các em đến từ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, CNN đưa tin. Đáng lo ngại hơn, hồi tháng 1/2022, “tình trạng tảo hôn, bạo lực và suy dinh dưỡng ở trẻ em tại New Delhi có xu hướng gia tăng”, Mistri cho biết.

So với năm 2016, số người rơi vào tình trạng cưỡng bức lao động năm 2021 tăng 11%, trong số này cứ 8 người sẽ có một trẻ em. Đáng báo động, hơn một nửa số trẻ em bị bóc lột tình dục vì mục đích thương mại, liên quan đến tội phạm buôn người mà hình thức cưỡng bức lao động chính là các dịch vụ tình dục. Báo cáo mới nhất của LHQ cũng chỉ ra rằng “trẻ em có thể đối mặt với các hình thức cưỡng bức và lạm dụng nghiêm trọng, từ bắt cóc, đánh thuốc mê, bị giam cầm, lừa gạt đến thao túng nợ”, “những hình thức lạm dụng nghiêm trọng nhất thường xảy ra trong hoàn cảnh có xung đột vũ trang”.

Khoảng 86% các trường hợp lao động cưỡng bức được phát hiện làm việc trong các ngành công nghiệp tư nhân, như sản xuất, xây dựng và nông nghiệp, trong đó châu Á và Thái Bình Dương là nơi chiếm hơn một nửa tổng số lao động cưỡng bức toàn cầu. Thêm nữa, nghiên cứu cũng chỉ ra những khác biệt trong lĩnh vực lao động giữa nam và nữ là đối tượng của lao động cưỡng bức. Cụ thể, đối tượng bị cưỡng bức lao động là phụ nữ thường làm các công việc nhà, trong khi nam giới thường làm các công việc như xây dựng hoặc trong các khu sản xuất. Trong khi phụ nữ có nguy cơ bị buộc phải làm việc thông qua các hành vi lạm dụng và có thể không được trả tiền, nam giới thường bị ép buộc lao động thông qua bạo lực hoặc sức ép về tài chính, nợ nần.

Tổng giám đốc ILO, Guy Ryder, nhận định “không có bất kỳ sự biện minh nào cho sự tồn tại dai dẳng của hành vi lạm dụng quyền cơ bản của con người này”. “Điều quan trọng là các quốc gia cần có những chính sách và quy định hiệu quả, tuy nhiên, các chính phủ không thể hành động đơn độc” trong cuộc chiến chống lại “nô lệ thời hiện đại”, ông Ryder cho biết. Báo cáo của LHQ cũng chỉ ra một số biện pháp cơ bản, trong đó có củng cố các quy định pháp luật, tăng cường bảo vệ, hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái cũng như những đối tượng dễ bị tổn thương, nhằm giảm đáng kể hoặc tiến tới chấm dứt vấn đề nhức nhối này.

Tiến Anh
.
.
.