ASEAN và cộng đồng quốc tế sát cánh với Myanmar-Thái Lan sau động đất
ASEAN và nhiều nước, tổ chức quốc tế bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ Myanmar-Thái Lan khắc phục hậu quả của trận động đất nghiêm trọng xảy ra ngày 28/3.
Sau khi trận động đất kinh hoảng xảy ra lúc 13h20 ngày 28/3 (giờ Hà Nội) làm rung chuyển miền Myanmar và Thái Lan, các nhân viên cứu hộ đã chạy đua với thời gian, tranh thủ từng phút với hi vọng giải cứu được càng nhiều người sống sót càng tốt bên dưới các tòa nhà bị đổ sập.

Số liệu mới nhất cập nhật rạng sáng 29/3, Myanmar đã xác nhận được 144 người thiệt mạng, hơn 700 người bị thương. Thái Lan chưa công bố số liệu chính thức, nhưng ít nhất 10 thi thể đã được tìm thấy trong số hàng chục người mất tích bên dưới tòa nhà đang xây dựng bị sập ở Bangkok.
Tuy nhiên, số nạn nhân thực tế có thể cao hơn nhiều. Theo một mô hình cảnh báo do Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) đưa ra, số người thiệt mạng trong vụ động đất ở Myanmar-Thái Lan có thể vượt 10.000 người do mật độ dân số đông đúc và việc có quá nhiều tòa nhà bị hư hại, theo New York Times.
Trước đó, USGS đo được cường độ của trận động đất là 7,7 độ richter và một dư chấn 6,4 độ richter xảy ra sau đó khoảng 12 phút. Trung tâm Mạng lưới Động đất Trung Quốc (CENC) thì cho biết, động đất có cường độ 7,9 độ richter, trở thành một trong những trận động đất mạnh nhất từng ở khu vực.

Trong ngày 28/3, lãnh đạo chính quyền quân sự Myanmar, tướng Min Aung Hlaing, đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại 6 vùng bị ảnh hưởng nặng nhất gồm Sagaing, Mandalay, Magway, Đông Bắc bang Shan, Naypyidaw, và Bago. Ông Min Aung Hlaing cũng xác nhận con số thương vong sẽ gia tăng khi lực lượng cứu hộ tiếp cận được nhiều khu vực hơn.
"Tôi đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở tất cả các khu vực bị ảnh hưởng và mở đường cho sự hỗ trợ quốc tế", ông Min Aung Hlaing nói. "Tôi kêu gọi mọi quốc gia, mọi tổ chức và công chúng ở Myanmar hãy ủng hộ chúng tôi".

Từ phía cộng đồng quốc tế, nhiều nước và tổ chức đã ngỏ ý sẵn sàng hỗ trợ Thái Lan và Myanmar. Ông Min Aung Hlaing cùng ngày thông tin, ông đã vừa chấp nhận lời đề nghị được đưa ra bởi Trung tâm điều phối ASEAN về hỗ trợ nhân đạo và Ấn Độ về việc gửi viện trợ tới Myanmar.
Sáng 29/3, Reuters đưa tin, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres thông báo cơ quan này đang huy động lực lượng ở Đông Nam Á để giúp đỡ những người gặp khó khăn. Từ Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump cam kết Wasington sẽ cung cấp một số hỗ trợ cho Myanmar.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã kích hoạt hệ thống quản lý khẩn cấp để ứng phó trận động đất ở Myanmar và đang huy động trung tâm hậu cần ở Dubai để chuẩn bị cung cấp vật tư y tế cho nước này.

Phát ngôn viên WHO Margaret Harris cho biết, tổ chức này coi trận động đất là "mối đe dọa rất lớn về tính mạng và sức khỏe", có rất nhiều người bị thương cần được điều trị. Bà nhấn mạnh WHO sẽ tập trung tìm cách đưa các loại thuốc thiết yếu vào Myanmar, trong bối cảnh hạ tầng y tế của quốc gia này có thể đã bị hư hại sau trận động đất.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen sau đó tuyên bố, Liên minh châu Âu (EU) đang hỗ trợ công tác ứng phó hậu quả và sẵn sàng cung cấp thêm trợ giúp nếu cần. "Thật đau lòng khi chứng kiến cảnh tượng tại Myanmar và Thái Lan sau trận động đất tàn khốc. Tâm trí của tôi hướng về các nạn nhân và gia đình của họ", bà viết trên mạng xã hội X. "Hệ thống vệ tinh Copernicus của châu Âu đang hỗ trợ lực lượng cứu hộ, cứu nạn".