ASEAN nỗ lực xây dựng tương lai xanh và bao trùm hậu COVID-19
Mới đây, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang có chiều hướng giảm ở châu Á và các quốc gia Đông Nam Á đang tích cực mở cửa trở lại, một diễn đàn về phục hồi xanh tại ASEAN đã được thành lập. Với sứ mệnh hỗ trợ đẩy nhanh quá trình phục hồi nhưng vẫn đảm bảo yếu tố bền vững,diễn đàn nhận được sự đánh giá cao của giới chuyên gia và các cam kết hỗ trợ tài chính từ nhiều chính phủ, tổ chức uy tín.
Reuters ngày 3/11 đưa tin, Diễn đàn phục hồi xanh ASEAN đã chính thức ra mắt trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) tại Glasgow (Scotland). Quản lý bởi Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), diễn đàn đặt mục tiêu huy động 7 tỷ USD cho các dự án hạ tầng phát thải carbon thấp và chống chịu khí hậu ở Đông Nam Á, đồng thời đẩy nhanh quá trình phục hồi của khu vực sau đại dịch COVID-19. Dù mới được thành lập nhưng diễn đàn đã nhận được cam kết tài trợ lên tới 665 triệu USD từ bốn đối tác uy tín.
Cụ thể, Vương quốc Anh, Ngân hàng đầu tư nhà nước Italia Cassa Depositi e Prestiti (CDP) và Liên minh châu Âu (EU) sẽ tài trợ lần lượt 151 triệu USD, 155 triệu USD và 59 triệu USD. Đặc biệt, Quỹ Khí hậu xanh (GCF), quỹ lớn nhất thế giới dành riêng cho tài chính khí hậu xác nhận tài trợ 300 triệu USD. Được biết, nguồn vốn này sẽ bổ sung vào ngân sách đồng tài trợ trị giá 1,4 USD đã được cam kết cho Quỹ Tài chính xanh Xúc tác Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ACGF) từ năm 2019, nâng tổng số cam kết cho quỹ này lên 2 tỷ USD.
Theo chia sẻ của Chủ tịch ADB Masatsugu Asakawa, các quốc gia ASEAN đang có cơ hội hiếm có để xây dựng một tương lai xanh và bao trùm sau đại dịch COVID-19. Diễn đàn phục hồi xanh ASEAN sẽ giúp đẩy nhanh dòng vốn đầu tư để hỗ trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng chống chịu khí hậu và bền vững về môi trường tại khu vực Đông Nam Á, cũng như thúc đẩy phát triển công bằng và bền vững.
Là một trong những đối tác đưa ra cam kết hỗ trợ tài chính đầu tiên, chính phủ Vương quốc Anh nhấn mạnh: "Năm nay, Vương quốc Anh đã trở thành Đối tác Đối thoại mới đầu tiên của ASEAN trong 25 năm. Hai bên hiện đang làm việc cùng nhau để xây dựng các mối quan hệ kinh tế và đầu tư mạnh mẽ hơn cũng như giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Hy vọng, khoản tài trợ này sẽ giúp phát triển cơ sở hạ tầng sạch, trung thực và đáng tin cậy ở các quốc gia đang cần. Ngoài ra, Vương quốc Anh sẽ đồng hành cùng ASEAN về chuyên môn trong lĩnh vực công nghệ xanh".
Giới chuyên gia đánh giá rất cao việc thành lập diễn đàn này. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã gây ra những tác động đáng kể về kinh tế, y tế và xã hội ở khu vực Đông Nam Á, diễn đàn sẽ cung cấp nguồn tài chính và hỗ trợ kỹ thuật để giảm rủi ro đầu tư và xúc tác nguồn vốn nhà nước và tư nhân tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng xanh, giúp tạo việc làm và thúc đẩy tăng trưởng.
Diễn đàn cũng được kỳ vọng sẽ hỗ trợ nỗ lực của các quốc gia thành viên đang phát triển trong khu vực ASEAN để đạt được các mục tiêu khí hậu theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, đồng thời giúp họ tăng cường các thị trường vốn xanh, như việc mở rộng phát hành trái phiếu xanh và trái phiếu khí hậu.
Được biết, Diễn đàn phục hồi xanh ASEAN là một phần trong cam kết của ADB về việc tăng tham vọng tài trợ khí hậu lũy kế cho giai đoạn 2019-2030 lên tới 100 tỷ USD, trong khi bảo đảm rằng ít nhất 75% số dự án sẽ giải quyết vấn đề giảm nhẹ và thích ứng biến đổi khí hậu vào năm 2030.
Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam
Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt "Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh" giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 với các mục tiêu tham vọng nhằm đưa Việt Nam bắt kịp, tiến cùng, hướng tới khát vọng thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, đại dịch COVID-19 khiến các quốc gia phải đánh giá lại mô hình tăng trưởng kinh tế, đồng thời nâng cao nhận thức của cộng đồng về những mối đe dọa nghiêm trọng từ các vấn đề môi trường và sức khỏe. Điều này đòi hỏi phải có những phản ứng chính sách một cách toàn diện từ phía các chính phủ. Việc lựa chọn tăng trưởng xanh cũng được coi là một hướng tiếp cận mới trong tăng trưởng kinh tế nhằm đạt được thịnh vượng bao trùm cho các quốc gia, đảm bảo các lợi ích kinh tế và sự hài hòa giữa phát triển kinh tế-xã hội với phục hồi và bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên.
Thông qua tăng trưởng xanh, các giá trị văn hóa cốt lõi được truyền tải, chia sẻ và thấm nhuần trong chính lối sống của con người. Đặc biệt, ông Nguyễn Chí Dũng khẳng định, việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược này thềm COP26 đã thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam về giảm phát thải khí nhà kính thông qua các hành động cụ thể.