APEC nỗ lực giải bài toán phục hồi bền vững sau đại dịch
Nhóm họp trong ngày 3/9, giới chức cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) thảo luận về biện pháp thúc đẩy các chính sách thương mại táo bạo và thiết thực, cũng như tìm giải pháp đảm bảo sự phục hồi cho các nền kinh tế thành viên trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục hoành hành và tiềm ẩn nhiều nguy buộc các nước cần nỗ lực chuẩn bị cho những cú sốc có thể xảy đến trong tương lai.
Bà Vangelis Vitalis - quan chức cấp cao của New Zealand - quốc gia đang giữ chức Chủ tịch luân phiên APEC năm 2021 - nhấn mạnh rằng: “APEC đang ở trong giai đoạn quan trọng, khi các nền kinh tế thành viên phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế và y tế kéo dài. Giữa những bất ổn này, các bên cần phối hợp cùng nhau, dựa trên niềm tin chung rằng việc hợp tác thương mại nhiều hơn và cởi mở hơn, cùng với cải cách cơ cấu và tăng cường hợp tác là cách ứng phó hiệu quả nhất đối với đại dịch”.
Theo quan chức này, các biện pháp được hướng tới nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng trước mắt và giúp thúc đẩy phục hồi kinh tế trên toàn khu vực cũng bao gồm cả công tác đảm bảo sản xuất, cung cấp và phân phối vaccine phòng COVID-19 cũng như các nỗ lực chia sẻ vaccine trên toàn cầu, dỡ bỏ các rào cản đối với dòng chảy hàng hóa và dịch vụ thiết yếu và bảo đảm rằng mọi người đều có thể tiếp cận các hệ thống chăm sóc y tế của khu vực.
Các nhóm chính sách và giới chức cấp cao của APEC cũng đã thông báo về những tiến bộ đạt được trong việc thực hiện tuyên bố chung của các bộ trưởng năm 2020 về tạo thuận lợi cho việc vận chuyển các mặt hàng thiết yếu, bao gồm cả hoạt động cung ứng vaccine, hàng hóa và dịch vụ liên quan, cũng như vật tư y tế và thương mại kỹ thuật số. Báo cáo kinh tế gần đây của Đơn vị Hỗ trợ chính sách APEC cho thấy tuy sự phục hồi vẫn còn phụ thuộc nhiều vào tiến độ tiêm chủng và công tác phân phối vaccine trên toàn khu vực, nhưng APEC vẫn dự kiến đạt tăng trưởng kinh tế ở mức 6,4% trong năm nay.
Bà Vangelis Vitalis cũng cho biết APEC mong muốn thúc đẩy một số sáng kiến “bao gồm hiện đại hóa danh mục hàng hóa và dịch vụ vì môi trường như một cách đóng góp cho sự phát triển bền vững”. APEC hiện là tổ chức liên chính phủ duy nhất có danh sách hàng hóa vì môi trường được thống nhất. Năm 2012, các nền kinh tế thành viên đã nhất trí giảm thuế quan xuống mức không quá 5% trong danh sách hàng hóa vì môi trường của APEC. Danh sách này bao gồm 54 sản phẩm đóng góp tích cực vào tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Theo quan chức New Zealand, APEC cũng “đang nỗ lực để tìm ra điểm chung giữa 21 nền kinh tế thành viên về cách các nền kinh tế có thể thúc đẩy thương mại kỹ thuật số trong khu vực thông qua Internet và lộ trình kinh tế kỹ thuật số, đồng thời giải quyết những khoảng cách hiện nay, nhằm tạo điều kiện cho tất cả mọi người được hưởng lợi ích của lĩnh vực này”.
Trước đó, tại cuộc họp không chính thức diễn ra hồi tháng 7, các nhà lãnh đạo APEC đã cam kết cùng hợp tác mở rộng chia sẻ và sản xuất vaccine COVID-19 để chống dịch toàn cầu, khẳng định ủng hộ chuyển giao tự nguyện công nghệ sản xuất vaccine COVID-19 trên thỏa thuận nhất trí giữa các bên.
Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern nêu rõ: “Hiện tại chúng ta tập trung vào mọi khía cạnh của đóng góp cho nỗ lực vaccine toàn cầu bao gồm sản xuất, chia sẻ và sử dụng vaccine”. Nữ Thủ tướng New Zealand cũng nói thêm rằng COVID-19 sẽ không phải là đại dịch cuối cùng của thế giới và việc chuẩn bị sẵn sàng là rất quan trọng.
Tại cuộc họp, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng, cần loại bỏ rào cản toàn cầu với sản xuất và chuyển giao vaccine COVID-19. Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga bày tỏ quyết tâm tổ chức kỳ thế vận hội Olympic an toàn.
Trong tuyên bố chung đưa ra sau sự kiện trực tuyến này, các nhà lãnh đạo đánh giá: “Dịch COVID-19 tiếp tục gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến người dân và kinh tế trong khu vực. Chúng ta sẽ chỉ có thể vượt qua tình trạng này bằng việc tăng cường tiếp cận công bằng với vaccine COVID-19 an toàn, hiệu quả, đảm bảo chất lượng và có thể chi trả được”.
APEC hiện đang ứng phó với đại dịch bằng nhiều biện pháp và công cụ chính sách giúp nhận diện những lĩnh vực chịu tổn thương do cuộc khủng hoảng y tế và kinh tế. Những sáng kiến này bao gồm những cam kết cấp cao, các phân tích và khuyến nghị chuyên gia cũng như những công cụ sáng tạo và các dự án thực tiễn.
APEC mới đây đã thành lập một quỹ về ứng phó với đại dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế (CCER) để hỗ trợ các sáng kiến củng cố năng lực của các nền kinh tế thành viên, qua đó giúp nhận biết và ứng phó với những tác động của đại dịch COVID-19 và đẩy nhanh quá trình phục hồi. CCER sẽ được dùng để hỗ trợ các dự án và sáng kiến giúp các nền kinh tế thành viên nhận biết và ứng phó với tác động của đại dịch, củng cố hệ thống y tế công, thúc đẩy phục hồi kinh tế và củng cố khả năng chống đỡ với các sự cố gián đoạn kinh tế trên diện rộng trong tương lai. Quỹ này cũng nhằm tạo điều kiện cho các nền kinh tế APEC thích ứng tốt hơn với những công cụ kỹ thuật số sáng tạo sẵn có như giáo dục trực tuyến, làm việc trực tuyến, khám bệnh trực tuyến để thúc đẩy kinh tế phục hồi và phát triển.
Các nước thành viên APEC có thể đăng ký sử dụng CCER cho các hoạt động nhằm hỗ trợ xây dựng năng lực các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa và các nhóm dễ tổn thương để phục hồi và chống đỡ những gián đoạn do COVID-19 gây ra.
Giám đốc điều hành Ban thư ký APEC Rebecca Sta Maria khẳng định quỹ CCER sẽ hỗ trợ các sáng kiến tập trung vào mục tiêu hỗ trợ trong APEC, đảm bảo APEC tiếp tục là khu vực kinh tế năng động và kết nối hàng đầu thế giới. APEC cung cấp vốn cho hơn 100 dự án mỗi năm, trong đó giá trị các dự án trong năm 2021 là khoảng 7,7 triệu USD.