80 triệu người ở vùng Sừng châu Phi khốn đốn vì khủng hoảng lương thực

Thứ Sáu, 05/08/2022, 07:27

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới đây đưa ra cảnh báo về tình trạng khủng hoảng lương thực tồi tệ chưa từng có trong nhiều thập kỷ qua tại khu vực Sừng châu Phi, đồng thời kêu gọi quốc tế chung tay hỗ trợ nhằm cải thiện tình hình.

Sừng châu Phi là một bán đảo thuộc Đông Phi lấn ra biển Arab và nằm dọc theo bờ phía Nam của Vịnh Aden. Đây là phần cực Đông của lục địa châu Phi, bao gồm các quốc gia Djibouti, Ethiopia, Kenya, Somalia, Nam Sudan, Sudan và Uganda. Biến đổi khí hậu, giao tranh bất ổn, giá cả lương thực leo thang và đại dịch COVID-19 đã khiến hậu quả của hạn hán ở khu vực này trở nên tồi tệ chưa từng thấy trong khoảng 70 năm qua.

Vào tháng 5 vừa qua, Liên hợp quốc (LHQ) cho biết, người dân các nước vùng Sừng châu Phi đang trải qua mùa mưa ít ỏi thứ 4 liên tiếp kể từ cuối năm 2020. Tình hình trở nên tồi tệ hơn với nạn châu chấu hoành hành, khiến mùa màng thất bát trong các năm 2019 - 2021. Ảnh hưởng của hạn hán được ghi nhận đặc biệt nghiêm trọng ở nhiều khu vực của Ethiopia, Kenya và Somalia. Các chuyên gia cho biết, những hiện tượng thời tiết cực đoan đang diễn ra với tần suất và cường độ ngày càng lớn do biến đổi khí hậu. Trong khi đó, tình trạng thiếu lương thực tồi tệ ở vùng Sừng châu Phi đã trở nên trầm trọng hơn bởi cuộc chiến ở Ukraine, đã góp phần làm tăng chi phí lương thực và nhiên liệu, làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và giảm các khoản viện trợ dành cho khu vực này.

80 triệu người ở vùng Sừng châu Phi khốn đốn vì khủng hoảng lương thực -0
Người dân vùng Sừng châu Phi di cư đến miền đất mới do thiếu lương thực. Ảnh minh họa AP

Theo ước tính của WHO, hơn 80 triệu người ở 7 quốc gia trong khu vực đang đối mặt tình trạng mất an ninh lương thực, trong đó hơn 37,5 triệu người được xếp ở Giai đoạn 3 của IPC (Phân loại Giai đoạn An ninh Lương thực Tích hợp của LHQ - công cụ được các tổ chức của LHQ sử dụng để đánh giá nguy cơ mất an ninh lương thực), giai đoạn khủng hoảng mà mọi người buộc phải bán bất kỳ tài sản nào họ có để nuôi sống bản thân và gia đình, và khi tình trạng suy dinh dưỡng diễn ra tràn lan.

Đáng chú ý, tình trạng mất an ninh lương thực ở Nam Sudan đã lên đến mức khắc nghiệt nhất kể từ khi nước này giành được độc lập vào năm 2011, với 8,3 triệungười (chiếm 75% dân số) phải sống trong tình cảnh thiếu lương thực nghiêm trọng.

Thêm nữa, tình trạng suy dinh dưỡng cấp tính đang dẫn đến làn sóng di cư mất kiểm soát, khi người dân buộc phải di chuyển đến những nơi khác để tìm kiếm thức ăn và những đồng cỏ cho chăn nuôi. Di cư tự phát và cuộc sống thiếu ổn định thường dẫn đến điều kiện sinh hoạt và vệ sinh môi trường kém, đây là điều kiện thuận lợi để các bệnh truyền nhiễm, như dịch tả, sởi, sốt rét, phát triển. Điều đáng nói là tỷ lệ tiêm chủng còn thấp và năng lực y tế ở các nước trong khu vực này còn kém, khiến dịch bệnh có thể bùng phát tại một quốc gia, thậm chí là xuyên biên giới với làn sóng di cư không kiểm soát như hiện nay.

Tổng giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, nạn đói là mối đe dọa trực tiếp đến sức khỏe và sự sống còn của hàng triệu người dân ở vùng Sừng châu Phi rộng lớn. WHO kêu gọi cộng đồng quốc tế đóng góp 123,7 triệu USD nhằm giúp hàng triệu người tại khu vực này vượt qua giai đoạn khủng hoảng lương thực cho đến tháng 12/2022.

Theo ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, khoản tiền này sẽ được sử dụng cho các biện pháp khẩn cấp, nâng cao năng lực của các quốc gia trong việc phát hiện và ứng phó với sự bùng phát dịch bệnh, mua sắm và đảm bảo cung cấp các loại thuốc và thiết bị y tế, cung cấp hỗ trợ và điều trị y tế cho những trẻ em mắc bệnh hoặc suy dinh dưỡng.

Theo người đứng đầu WHO, đây là nỗ lực nhằm giải quyết “mối đe dọa kép, vừa cung cấp hỗ trợ cho người dân thiếu lương thực, vừa bảo vệ họ khỏi các bệnh truyền nhiễm”.

WHO cho biết, đến nay đã giải ngân 16,5 triệu USD từ Quỹ Dự phòng cho các trường hợp khẩn cấp để đảm bảo cho người dân tại khu vực này được tiếp cận với các dịch vụ y tế, chăm sóc cho trẻ em suy dinh dưỡng nặng và ngăn ngừa, phát hiện và ứng phó với các đợt bùng phát bệnh truyền nhiễm.

Michael Ryan, Giám đốc điều hành Chương trình y tế khẩn cấp của WHO, nhấn mạnh, bên cạnh trọng tâm là “đảm bảo nguồn cung lương thực và nước sạch, việc người dân được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cũng quan trọng không kém”. “Những chương trình cung cấp thực phẩm, chăm sóc sức khỏe, tiêm chủng hay sinh nở an toàn sẽ cứu sống rất nhiều người đang rơi vào tình trạng tồi tệ như hiện nay ở khu vực Sừng châu Phi”, ông Michael Ryan cho biết. “Tình hình hiện nay đang ở mức thảm họa và chúng ta cần hành động ngay lập tức.

Chúng ta không thể để tình trạng thiếu kinh phí trong ứng phó thảm họa này tiếp tục”, người phụ trách Ứng phó Tình huống Khẩn cấp của WHO Ibrahima Soce Fall cho biết.

Bên cạnh WHO, các tổ chức quốc tế khác cũng kêu gọi hỗ trợ cho khu vực Sừng châu Phi. Tổ chức Di cư Quốc tế hồi tháng trước đã hối thúc khoản hỗ trợ 93,4 triệu USD để đáp ứng nhu cầu viện trợ nhân đạo cho 3 triệu người ở 4 quốc gia vùng Sừng châu Phi bao gồm Djibouti, Ethiopia, Kenya và Somalia. Trong gần 100 triệu USD cần thiết nói trên, dự kiến 24,2 triệu USD và 66,3 triệu USD lần lượt dành cho Ethiopia và Somalia. Tương tự, cần 1,4 triệu USD và 1,5 triệu USD để đáp ứng nhu cầu nhân đạo của những người dễ bị tổn thương ở Djibouti và Kenya.

Duy Tiến
.
.
.