Lời kể của những nạn nhân ở Phú Yên bị lừa tiền qua điện thoại

Thứ Bảy, 12/12/2020, 11:50
Mặc dù Bộ Công an thường xuyên cảnh báo thủ đoạn gọi điện thoại mạo danh cán bộ công quyền để lừa đảo
chiếm đoạt tài sản, thế nhưng thời gian gần đây một số người dân ở Phú Yên vẫn sập bẫy lừa.


Từ chiêu lừa nhận hàng ngoại quốc

Chị Nguyễn Thị T (SN 1985), trú ở xã Xuân Hải, thị xã Sông Cầu (Phú Yên) kể lại : “Sáng 24/9, tôi nhận cuộc gọi từ số 033.314.4465 của một phụ nữ hỏi đúng họ tên, địa chỉ tôi cư trú rồi báo tin có thùng hàng quà tặng từ nước ngoài gửi về nhưng phải nộp phí 12 triệu đồng. Tôi nói hàng về đến nơi mới đưa tiền. Đến giữa buổi, một phụ nữ khác gọi từ số 037.893.6535, kêu tôi nộp phí vào tài khoản 34516711101 của Đăng Văn Tiến ở một ngân hàng. 

Nộp xong, đến trưa người đó báo tin Công an phát hiện thùng hàng nhiều đồ giá trị cao nên kêu tôi nộp phạt 70 triệu đồng. Ai ngờ nộp phạt rồi bà ấy nói Công an niêm phong thùng hàng, cần phải “lót tay” 100 triệu đồng. Tôi ráng nộp nhưng đến tối lại bị đề nghị chuyển thêm 40 triệu mới dàn xếp được…”

Chị Nguyễn Thị T - một trong những nạn nhân bị lừa đảo đến Công an xã Xuân Hải, thị xã Sông Cầu trình báo vụ việc.   Ảnh : Hữu Toàn

Thay vì dừng lại và báo cáo công an, sáng 25/9 chị T chi thêm 40 triệu đồng nhưng vẫn chưa yên, vì chiều cùng ngày một người đàn ông gọi từ số 0793575381 đề nghị chị T phải nộp 240 triệu đồng để thuê 4 vệ sĩ bảo vệ thùng hàng từ TP Hồ Chí Minh về Phú Yên. Nghe chị T kêu than chỉ còn tiền thuê 1 vệ sĩ, người đàn ông đồng ý, nhưng khi nhận được tiền sáng ngày 28/9, người này lại nói nếu không thuê được ít nhất 3 vệ sĩ thì bên gửi hàng sẽ kiện chị T. Do đã “đâm lao” nên chị T phải vay mượn, chuyển tiếp 120 triệu đồng.

Nhận tiền xong, người đàn ông nói chị T gọi số 0378936535 gặp chị Duyên hướng dẫn nhận hàng, nhưng người này lấy cớ Công an phát hiện thùng hàng có nhiều đô la để đe dọa vợ chồng chị T vướng vào tù tội nếu không nộp phạt 350 triệu đồng. 

Lo sợ bị bắt, chị T xin nộp một nửa, nhưng vừa mượn tiền nộp xong 175 triệu đồng thì người tên Duyên lại nói nếu để thùng hàng “nằm” lâu sẽ tốn phí và dễ mất nên hối thúc chị T nộp phần tiền phạt còn lại và hứa hẹn cho mượn 70 triệu đồng. Thêm lần nữa chị T chuyển khoản 105 triệu đồng sáng ngày 30/9, nhưng chờ đợi mãi không thấy thùng hàng trong khi số máy những người đã gọi trước đó đều…tắt tịt, còn chị T mất đứt 742 triệu đồng.

Đến mạo danh cơ quan tư pháp để đe dọa

Sáng ngày 19/11, một người đàn ông điện thoại đến máy cố định của bà Nguyễn Thị Ngọc D (SN 1943), trú ở phường 7, TP Tuy Hòa, tự xưng Thiếu tá công an Trần Phương Anh, thông báo bà D là nghi can đường dây tội phạm xuyên quốc gia nên mới có nhiều tiền gửi ngân hàng. 

Vốn tính thật thà, bà D khẳng định không gian lận,  lừa gạt ai, nhưng vô tình tiết lộ tiền tiết kiệm hơn 1 tỷ đồng. Nghe tới đó, “Thiếu tá Anh” yêu cầu bà chuyển 1 tỷ đồng vào tài khoản 1903647993016 của Hoàng Văn Tiến ở một ngân hàng tại Hà Nam để điều tra, nếu số tiền đó không liên quan tội phạm sẽ được trả lại sau 72 giờ, nếu không thực hiện sẽ bị bắt giam.

 Lo sợ dính dáng đến pháp luật nên chiều cùng ngày bà D đến Kienlongbank  Phú Yên chuyển tiền theo yêu cầu của “Thiếu tá công an”. Ngày hôm sau bà D giật mình nghi ngờ nên mới báo cáo cho cơ quan Công an nhưng đến lúc đó 1 tỷ đồng dành dụm cả đời đã rơi vào tay kẻ lừa đảo.

Công an xã Xuân Hải, thị xã Sông Cầu (Phú Yên) trao đổi nghiệp vụ sau khi nhận được tin báo của người dân bị lừa đảo qua điện thoại bằng chiêu thức nhận hàng quà tặng từ nước ngoài.  Ảnh : Hữu Toàn

Trước đó vào ngày 17/7, bà Nguyễn Thị Th (SN 1969) trú ở phường 7, TP Tuy Hòa nhận được nhiều cuộc điện thoại của 3 “cán bộ” Công an, Kiểm sát đe dọa bà liên quan vụ án rửa tiền, mua bán ma túy. 

3 “cán bộ” này nói rằng, để chứng minh sự thật, tránh bị phong tỏa tài sản, bắt giam, phải chuyển hết tiền hiện có vào tài khoản do “cán bộ” chỉ định để kiểm tra. Lo sợ nên bà Th thực hiện yêu cầu nêu trên nên “mất trắng” 550 triệu đồng.

Tương tự, một “nhân viên bưu chính” gọi đến điện thoại cố định tiệm kinh doanh đồ trang trí nội thất ở phường 3, TP Tuy Hòa báo cho chủ tiệm Nguyễn Thị Tường V có kiện hàng vừa gửi đến. Bà V nói không đặt mua hàng nhưng “nhân viên bưu chính” đề nghị bấm phím số 9 gặp một người khác thông báo Công an phát hiện kiện hàng có tiền tỷ và 100 thẻ ATM, trong đó có thẻ ATM đăng ký tên bà V, người gửi hàng đã bị bắt giữ, khai nhận bà V và kiện hàng liên quan đường dây mua bán ma túy. 

Bà V khẳng định vô can thì người này yêu cầu cung cấp số ĐTDĐ để xác minh. Vài phút sau, ĐTDĐ bà V nhận được cuộc gọi từ số +84(0)28113 của “Đại úy công an” Phạm Tuấn Anh yêu cầu vào TP HCM để ghi lời khai. Bà V kiên quyết từ chối thì “Đại úy Anh” xin ý cấp trên lấy lời khai ghi âm điện thoại. 

“Đại úy Anh” nói bà V mở tài khoản ngân hàng để gửi 6,8 tỷ đồng nhưng đã rút hết trước khi công an khởi tố vụ án. Bà V nói không có việc đó, “Đại úy Anh” chuyển hướng “Có thể kẻ xấu đánh cắp thông tin cá nhân của bà để mở tài khoản mua bán ma túy” nên phải điều tra ráo riết. Lát sau, một người xưng “cán bộ kiểm sát” Dương Ngọc Hải gọi điện báo tin có lệnh bắt giữ bà V rồi yêu cầu bà V lập tài khoản mới và dịch vụ internet banking theo số ĐTDĐ do “cán bộ” này cung cấp và chuyển toàn bộ số tiền hiện có vào đó để công an kiểm tra trong 72 giờ.

Sau mỗi cuộc điện thoại, hai vị “cán bộ” đều yêu cầu bà V phải giữ bí mật kể cả người thân gia đình, vì các đối tượng trong vụ án biết được sẽ sát hại cả nhà. Do hoảng sợ nên bà V rút hết 3 tỷ đồng tiền tiết kiệm rồi mở tài khoản tiền gửi tại Sacombank Phú Yên rồi cung cấp thông tin cho “cán bộ kiểm sát”. Mấy ngày sau bà V nghi ngờ nên đề nghị Sacombank Phú Yên kiểm tra và phát hiện số dư tài khoản tiền gửi của bà chỉ còn…760.000 đồng. 

Bà V gọi lại số +84(0)28113 thì một “cán bộ” hướng dẫn liên lạc đến (08) 3829.6181 thì mới đó là số máy Công an phường Đa Kao, quận 1, TP HCM. Tới lúc đó bà V mới biết đã sập bẫy lừa vì những kẻ mạo danh “cán bộ” đã chiếm đoạt gần 3 tỷ đồng sau khi chuyển tiếp qua 4 tài khoản tại ngân hàng.      

Năm 2020, Công an tỉnh Phú Yên tiếp nhận 77 tin báo tội phạm lừa đảo chiếm đoạt hơn 85,8 tỷ đồng, trong đó có 56 vụ liên quan tội phạm sử dụng công nghệ viễn thông để lừa đảo chiếm đoạt gần 4,6 tỷ đồng. Trong số 17 vụ án đã khởi tố gồm 17 bị can, có chuyên án truy xét bắt giữ hai đối tượng “bịa” ra những hoàn cảnh thương tâm, đăng tải trên mạng xã hội để lừa đảo chiếm đoạt hơn nửa tỷ đồng của gần 1.300 người có lòng nhân ái.


Hữu Toàn
.
.
.