Những chuyến xe đong đầy yêu thương

Thứ Tư, 18/11/2020, 13:56
Với ý tưởng muốn sử dụng phương tiện lúc rảnh rỗi để chở miễn phí những bệnh nhân nghèo vừa xuất viện từ Hà Nội về các tỉnh, cặp vợ chồng trẻ Nguyễn Bình Minh - Đào Thu Mai, trú tại phố Kim Mã, quận Ba Đình (Hà Nội) cùng một số bạn trẻ thiện tâm đã thành lập nhóm “Những chuyến xe yêu thương” trên mạng xã hội facebook.


Sau hơn 4 tháng hoạt động, nhóm đã thu hút được gần 3.000 thành viên tham gia, với 100 thành viên chính thức, đăng ký 70 xe từ 2 đến 7 chỗ, thực hiện hàng trăm chuyến xe miễn phí chở các bệnh nhân nghèo từ Hà Nội về nhà (chủ yếu trong phạm vi dưới 300km).

Sự hội tụ của những tấm lòng thiện nguyện

Kể về sự ra đời của nhóm “Những chuyến xe yêu thương”, anh Minh cho biết, trước đây, vợ chồng anh cũng đã từng tham gia một số hoạt động thiện nguyện. Khi mua xe ô tô, anh chị thỉnh thoảng tham gia chở cháo giúp các hội từ thiện đến phát miễn phí tại các bệnh viện. Do nhà gần Bệnh viện Nhi Trung ương nên anh thường xuyên chứng kiến các bệnh nhân nghèo sau khi ra viện, thanh toán các chi phí xong không còn đủ tiền để bắt xe về nhà. Sau khi bàn bạc, anh chị quyết định đăng thông tin muốn được chở miễn phí các bệnh nhân ra viện về nhà lên trang facebook cá nhân.

“Qua một đêm đăng tải, thông tin đã có trên 30.000 người chia sẻ; các cuộc điện thoại gọi vào số di động của tôi xuất hiện liên tục khiến hai vợ chồng chột dạ, lúng túng. Đúng lúc đó thì tôi được bạn Hưng, đang là quản trị của hội yêu xe Honda Civic miền Bắc gọi điện trao đổi. Qua trò chuyện, hai anh em thấy có chung quan điểm, tâm huyết nên cả hai cùng nhau thành lập nhóm “Những chuyến xe yêu thương”. Ngày 19-6-2020, nhóm có chuyến xe đầu tiên chở bệnh nhân từ Hà Nội về huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng). Đến nay, thành viên của nhóm đã lên tới gần 3.000 người, trong đó, có gần 100 thành viên chính thức, đăng ký 70 phương tiện tham gia”, anh Minh kể.

Ngoài trang facebook chính, nơi mà mọi người đều có thể đăng ký làm thành viên, nhóm còn lập ra một hội kín riêng để các thành viên chính thức sinh hoạt. Nhóm này gồm những người đăng ký phương tiện, trực tiếp lái chính, có người chỉ xin đăng ký làm “phụ xe”, đi cùng với các lái chính. Mặc dù là hội nhóm trên mạng, nhưng nhóm đề ra cách thức quản lý, duy trì hoạt động khá khoa học, chặt chẽ, như: Nhóm có quy định không lập quỹ, các thành viên tham gia hoàn toàn tự nguyện, tự bỏ phương tiện và chi phí xăng xe, đi đường. Bệnh nhân được chở phải có giấy ra viện, sức khỏe bảo đảm tốt, tránh các tình huống xấu dọc đường. Các chuyến xe buộc phải có lái chính và người phụ đi kèm để bảo đảm an toàn; chỉ chở những đối tượng đặc biệt khó khăn, nằm trên các địa bàn cách Hà Nội 300km trở lại. Quá trình vận chuyển, thành viên phải tuân thủ nghiêm các quy định về an toàn giao thông, đặc biệt, không được có hành vi vòi vĩnh, ứng xử thiếu văn minh với bệnh nhân và người nhà.

Vợ chồng trưởng nhóm Nguyễn Bình Minh trong một chuyến chở bệnh nhân nghèo từ Hà Nội về nhà.

Trách nhiệm "thật" từ mạng "ảo"

Nghe tôi hỏi về điều kiện để bệnh nhân được giúp đỡ, anh Minh kể “quy trình”: “Khi có người gọi xin giúp đỡ, trước tiên tôi sẽ yêu cầu họ cung cấp rõ địa chỉ nơi điều trị, địa điểm cần chở về. Sau đó, tôi sẽ trực tiếp vào các bệnh viện để gặp, tìm hiểu, xác minh thông tin bệnh nhân. Nếu thấy đúng đối tượng khó khăn, tôi sẽ đưa thông tin đó lên nhóm kín để anh em đăng ký, rồi dựa vào các đăng ký để phân công cho phù hợp. Ở những bệnh viện thân quen, tôi sẽ nhờ các nhân viên phòng công tác xã hội xác minh giúp, thấy tin cậy mới đưa thông tin vào nhóm”.

Thường sau khi trưởng nhóm đưa thông tin lên, chỉ vài phút đã có thành viên xin được chở. Trước sự nhiệt tình ấy, quản trị viên cũng phải cân nhắc, bố trí giao nhiệm vụ sao cho khoa học, bảo đảm ai cũng có cơ hội tham gia, những người trẻ, khỏe, có kinh nghiệm sẽ đi các tuyến đường xa, còn các thành viên nữ thường sẽ được ưu tiên phân công đi các tuyến gần hơn.

Hiện nay, ngoài chị Thu Mai, người đồng hành cùng anh Minh trong mọi hoạt động, còn có 4 thành viên nữ khác với các nick name: Quỳnh Liên, Vũ Dung, Nhung Lê, Đoàn Giang. Đây đều là những cô gái còn trẻ, làm kinh doanh tự do. Trong đó, thành viên Quỳnh Liên tham gia từ những ngày đầu, dù không trực tiếp làm tài xế nhưng luôn sẵn sàng tham gia đi kèm để lo phụ giúp các công việc liên quan đến tài chính, hậu cần. Theo anh Minh, ngoài vận chuyển miễn phí, các thành viên còn thường xuyên mua quà để tặng bệnh nhân, gia đình. Chính vì vậy, hầu hết những người tham gia nhóm ngoài sự nhiệt tình, trách nhiệm, còn phải luôn chủ động được thời gian và quan trọng nhất phải có điều kiện kinh tế.

Anh Nguyễn Bình Minh cùng một số thành viên nhóm “Những chuyến xe yêu thương”.

Những kỷ niệm khó quên

Anh Nguyễn Huy Hoàng, ở phường Trương Định, Hoàng Mai, Hà Nội, một thành viên của nhóm, cho biết: “Tình cờ lên facebook, vợ chồng mình biết được hoạt động ý nghĩa của nhóm nên hai vợ chồng quyết định tham gia, hi vọng giúp đỡ được nhiều hơn những số phận khó khăn. Vợ chồng mình làm kinh doanh tự do, các con đều đã lớn nên cũng dễ sắp xếp thời gian”. Theo anh Hoàng, các chuyến xe anh trực tiếp cầm lái đều có nhiều kỷ niệm đặc biệt. Trong đó, anh nhớ nhất chuyến chở hai cháu nhỏ bị bại não đã điều trị 14 năm liên tục từ Bệnh viện Nhi Trung ương về Nam Định. Do biết trước thông tin về gia cảnh của cháu bé nên anh chủ động mua kẹo bánh làm quà tặng. Dọc đường, cậu phụ đi cùng thấy thương cảm trước hoàn cảnh của gia đình cũng gọi điện nhờ người quen ở Nam Định mua giúp ít gạo, quà bánh để tặng thêm. Chắc do được chị vợ báo trước nên vừa đỗ xe, bước vào nhà, anh đã nhìn thấy một người đàn ông dáng khắc khổ xách túi cáy ra làm quà. Sợ ở lại sẽ khó lòng từ chối món quà, hai anh liền quay đầu… chạy.

Nghe chuyện của anh Hoàng, anh Minh cắt lời: “Việc từ chối, thậm chí phải… bỏ chạy để tránh nhận quà là chuyện “cơm bữa” của anh em. Bản thân tôi cũng có lần chở bệnh nhân về, dù nửa đêm nhưng gia đình cứ nằng nặc đòi mổ gà để làm cơm cảm ơn. Biết là họ quý mến, nhưng vợ chồng tôi cương quyết không ở. Tôi cũng quán triệt với các thành viên trong nhóm, tuyệt đối không được nhận tiền bồi dưỡng hoặc những món quà, vật chất khác”.

Trong cuộc trò chuyện, tôi để ý thấy 2 chiếc điện thoại trên tay anh liên tục có cuộc gọi, tin nhắn. Lần này là cuộc gọi điện thoại cảm ơn của một gia đình bệnh nhân quê ở Quảng Yên (Quảng Ninh). Chị Mai ngồi cạnh tiết lộ: “Ngày nào vợ chồng mình cũng nhận những cuộc gọi điện cảm ơn, hỏi thăm của các gia đình bệnh nhân. Nhiều người đã cảm ơn trực tiếp trên trang của nhóm nhưng vẫn muốn gọi điện trực tiếp. Có những hôm dù nửa đêm, vẫn có điện thoại gọi cảm ơn hoặc đặt lịch xin chở giúp. Hơi bất tiện chút nhưng vợ chồng mình cũng thấy vui…”. Hết cuộc điện thoại, anh mở danh bạ cho tôi xem danh sách một loạt bệnh nhân và người nhà mà nhóm đã chở: “Đây là những bệnh nhân “ruột”, phải điều trị lâu dài nên mình lưu lại số, lần sau họ gọi nhờ sẽ không phải xác minh nữa”. Đang xem dở thì điện thoại của anh lại báo có tin nhắn. “Lại có một bạn nữa đăng ký xin tham gia nhóm, có xe riêng. Nhóm này không chỉ có anh em kinh doanh tự do mà còn có cả những “sếp” các doanh nghiệp khá lớn tham gia đấy”, anh Minh háo hức “khoe”.

Anh Minh cho biết: “Từ khi lập nhóm, ngày cao điểm nhất chúng tôi chở được 3 chuyến, trung bình mỗi ngày một chuyến. Có trường hợp bệnh nhân có nhu cầu gấp, thành viên của chúng tôi sẵn sàng chạy từ Vĩnh Phúc xuống đón, đưa người bệnh về quê. Hiện nay, số thành viên tham gia đăng ký ngày càng đông, số bệnh nhân đăng ký cũng tăng lên nhanh chóng. Ngoài Bệnh viện Nhi Trung ương, chúng tôi sẽ mở rộng phạm vi hoạt động sang Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, sau đó sẽ mở thêm ra các bệnh viện khác. Hướng đi sắp tới của chúng tôi là sẽ giao cho các thành viên phụ trách theo từng khu vực, vừa tiện lợi cho việc xác minh thông tin và nhanh chóng tiếp cận bệnh nhân hơn. 
Chiến Văn
.
.
.