Cô gái 9X đam mê với… nghề mộc

Thứ Tư, 02/09/2020, 14:30
Bên trong căn nhà đầy cá gỗ và những món đồ chơi trẻ em ngộ nghĩnh, Nguyễn Thị Hảo - cô sinh viên Đại học Kiến trúc ngày nào, đang say mê tô màu cho một chú cá nhỏ.


Đây là món đồ chơi cho trẻ nhỏ, một sản phẩm khởi nghiệp của Hảo sau khi cô rời bỏ môi trường văn phòng với mức lương "nghìn đô" để trở về với cưa và máy cắt, tiếp nối nghề làm mộc của bố mặc cho nhiều người can ngăn.

Từ nghề mộc của bố

Khi nói đến việc khởi nghiệp bằng việc làm đồ gỗ tái chế, đồ chơi gỗ cho trẻ em, ai cũng nghĩ ý tưởng của Nguyễn Thị Hảo (28 tuổi, khu đô thị Dương Nội, Hà Đông, TP Hà Nội) quả thực "điên rồ". Bởi lẽ vào thời điểm đó, Hảo đang là một quản lý thiết kế dự án cho một tập đoàn xây dựng, với mức thu nhập khoảng 30 triệu đồng/tháng.

Với một công việc ổn định, mức lương khá cao, đó là mơ ước của bao nhiêu người khi lập gia đình và phải đối mặt với bao lo toan của cuộc sống. Có lẽ vì thế mà khi quyết định nghỉ việc, Hảo nhận phải sự phản đối của rất nhiều người trong gia đình, nhất là khi cô lại chuẩn bị dấn thân vào một nghề mà ít phụ nữ nào dám theo đuổi, đó là nghề mộc.

"Thời gian đầu khi bày tỏ ý định theo đuổi nghề mộc, mình gặp rất nhiều khó khăn, gia đình không ủng hộ, người thân bạn bè ai cũng nói mình nên suy nghĩ lại vì ai cũng nghĩ công việc đó chỉ dành cho đàn ông, những người có sức khỏe, với một cô gái yếu ớt như mình thì sẽ không thể làm được", Hảo nói.

Bỏ công việc văn phòng, Nguyễn Thị Hảo chọn khởi nghiệp bằng sản xuất đồ chơi cho trẻ em.

Khoan, đục, bào rồi cắt những miếng gỗ nhỏ cho đến khi thành hình dạng của các món đồ chơi trẻ em, thú vật, bộ xếp chữ… đó là một ngày làm việc của cô gái nhỏ nhắn này tại xưởng gỗ khi bắt đầu dấn thân vào nghề mộc. Hảo kể, với nhiều người thì việc một cô gái làm nghề mộc quả thật rất vất vả nhưng với cô, những công việc giữ gỗ, bào gỗ lại gắn liền với những năm tháng tuổi thơ bởi đây là công việc của gia đình, của bố.

Bố của Hảo cũng là một thợ mộc lành nghề, chuyên đóng giường tủ, nội thất gia đình. Nhưng khi Hảo lên lớp 10 thì bố bị tai biến, năm nào cũng phải nhập viện do di chứng của bệnh tai biến gây ra. 

Một mình mẹ của Hảo tảo tần, gánh vác lo cho 4 chị em ăn học đại học. Để giúp đỡ mẹ, từ khi còn là sinh viên, Hảo đã đi làm thêm nhiều công việc để trang trải cho cuộc sống và giúp đỡ gia đình vì hoàn cảnh khi đó quá khó khăn.

"Tiền học bổng của kỳ trước mình lại lấy để đóng cho kỳ sau. Hồi sinh viên năm cuối mình cũng cùng hai bạn nữa bắt đầu sáng tạo làm ra những đồ vật tái chế bằng gỗ. 

Chúng mình nhận công trình làm ban công cho gia đình hoặc trong khuôn viên trường mầm non để các em có thể vui chơi đùa nghịch sáng tạo. Trong những buổi đi từ thiện cho các điểm trường ở vùng cao, mình cũng đảm nhận trách nhiệm thiết kế và trang trí lại khuôn viên của ngôi trường", Hảo kể lại.

Những sản phẩm đồ chơi cho trẻ em được nhiều trường mẫu giáo đặt.

Đầu năm 2020, khi dịch bệnh COVID-19 ập đến khiến công việc bị đình trệ, Hảo lại trở về quê ở làng Thọ An (xã Liên Hà, huyện Đan Phượng, Hà Nội). Nhìn những vật dụng làm mộc của bố đã xếp xó nhiều năm, bỗng ý tưởng và bao nhiêu kế hoạch về nghề mộc lại nảy sinh trong đầu cô kiến trúc sư này. Đó cũng là một cách để bố cô được làm công việc yêu thích sau khi sức khỏe đã hồi phục và cũng là để ông có thêm thu nhập.

Với một ngôi làng có nhiều nhà làm mộc, Hảo đã nghĩ đến việc thu thập các loại gỗ thừa của các xưởng mộc để tái chế thành những vật dụng có ích, đồ chơi trẻ em, đồ trang trí và dụng cụ học tập cho các em nhỏ. 

Nghĩ là làm, Hảo bắt đầu mua thêm các dụng cụ cầm tay, máy móc mới như máy bào, cưa lọng chỉ và kết hợp với các dụng cụ cũ của bố để bắt tay vào công việc. Địa điểm Hảo chọn làm nơi "khởi nghiệp" chính là… góc chuồng gà của gia đình mình, cũng là nơi mà bố từng làm việc, còn ghi rõ trong kí ức tuổi thơ của cô.

Khoe ra một bộ đồ chơi gỗ méo mó dùng để học các phép tính nhân chia, cộng trừ cho trẻ nhỏ, Hảo cười và nói đây là một trong những sản phẩm đầu tiên cô khởi nghiệp với việc dùng gỗ tái chế. Gỗ dùng để làm bộ đồ chơi này được lấy từ chính những cột gỗ xoan của nhà Hảo, khi bố mẹ dỡ cột sửa nhà.

Chỉ vào những điểm bất hợp lý, không vừa vặn của bộ đồ chơi, Hảo cười và nói: "Ngày đó còn chưa có dụng cụ máy móc nên mình hầu hết đều sử dụng dụng cụ cầm tay của bố. Mình cũng chưa có kinh nghiệm trong việc làm mộc nên sản phẩm này cũng chỉ làm để lấy kinh nghiệm và thể hiện ý tưởng. Sau đó bố sẽ dựa vào đó để nhân ra các sản phẩm khác tốt hơn".

Hành trình khởi nghiệp

Từ các sản phẩm đầu tay, Hảo tiếp tục học hỏi, suy nghĩ để đưa ra các sản phẩm sáng tạo khác phù hợp với thị trường, với nhu cầu người dùng hơn. Cô cũng phải tự mày mò, tìm hiểu cách sử dụng máy móc sao cho an toàn, hiệu quả. Để làm được điều đó, Hảo tham gia vào nhiều hội nhóm làm mộc và được mọi người chào đón, chia sẻ kinh nghiệm và những bí kíp trong nghề.

Nguyễn Thị Hảo làm việc với những món đồ chơi.

Để có vật liệu, hằng ngày Hảo đến các hộ làm mộc xung quanh gia đình mình để xin những mảng gỗ, mẫu gỗ thừa về. Khi về cô lại nghĩ với mẫu gỗ đó sẽ làm được những gì. Vốn là dân kiến trúc nên Hảo dễ dàng tư duy ra hình thù các đồ vật rồi sáng tạo sao cho đẹp mắt. 

Đã có những khoảng thời gian cô phải làm việc 14-15 tiếng/ngày mà vẫn chưa hết việc. Đó là lúc khách hàng đặt gì Hảo cũng làm, có sản phẩm làm mất hai đến ba ngày mà chỉ nhận được vài chục nghìn đồng, nhưng Hảo vẫn cảm thấy vui vẻ bởi vì đó là cách giúp Hảo rèn luyện tay nghề.

"Thời gian đầu, hầu như mình không mất tiền mua nguyên liệu. Nhưng khi đó tay nghề chưa cao và chưa biết áp dụng cách sản xuất hàng loạt nên mỗi sản phẩm làm ra đều tốn rất nhiều thời gian, công sức. Thu nhập khi đó rất ít, chủ yếu lấy công làm lãi, không bằng một phần nhỏ so với công việc trước kia", Hảo kể lại.

Khó khăn là thế, nhưng cô gái chưa một lần nghĩ sẽ dừng lại với nghề mộc. Mỗi khi mệt mỏi, cô lại nghĩ đến mục đích ban đầu và điều đó trở thành động lực giúp cô gái mạnh mẽ bước tiếp. Ngoài ra, mỗi lần hoàn thành một món đồ chơi khiến cô con gái 3 tuổi của Hảo thích thú, điều đó cũng giúp cô gái vững tin hơn với những sản phẩm khởi nghiệp của mình.

Đặc biệt, sau một khi đăng tải các hình ảnh sản phẩm lên trên mạng xã hội để tìm hiểu thị hiếu, nhận lại các đánh giá của thị trường. Các sản phẩm đã nhận được sự quan tâm của rất nhiều người, điều đó cho thấy con đường cô đi đã đúng hướng, có hy vọng ở phía trước. 

Kể từ đó, Hảo bắt đầu mày mò cho ra thêm nhiều sản phẩm sáng tạo mới, thân thiện với môi trường và phù hợp cho các em nhỏ sử dụng trong học tập như bộ sản phẩm chuỗi thức ăn tự nhiên, bộ tô màu cá gỗ, đồ học tập bản chữ cái và phép tính.

"Hiện tại trên thị trường có rất nhiều những sản phẩm làm đẹp hơn, tinh tế hơn so với đồ mà tôi đang làm. Thế nhưng giá trị cảm xúc của những sản phẩm đó lại thấp hơn các sản phẩm của tôi, những đồ chơi tôi tự tay thiết kế bằng việc tận dụng những mẩu gỗ phế phẩm tại các xưởng mộc. 

Tôi muốn những đồ vật này trẻ nhỏ sẽ thoả sức sáng tạo, mọi người có thể tận dụng từ phế phẩm để làm đồ vật trang trí trong nhà giúp ngôi nhà thêm đẹp hơn", Hảo chia sẻ.

Các em nhỏ thích thú với đồ chơi gỗ.

Điều đặc biệt, những sản phẩm của Hảo không được phủ bóng, không lột vỏ cây hoặc gắn thêm bông, vải để các em nhỏ có thể sờ và học cách nhận biết các nguyên vật liệu, thông qua bài học của các cô giáo. 

Với lượng khách hằng ngày một lớn, các sản phẩm cũng được sản xuất đại trà do Hảo đã biết cách sản xuất số lượng lớn bằng cách đặt các xưởng mộc cắt sẵn các bộ khung của đồ chơi. Sau đó, Hảo sẽ mang các món đồ này về để tự xử lý tô màu bằng các vật liệu thân thiện với môi trường và không gây độc hại cho các em nhỏ.

Nói về các dự định trong tương lai, Hảo cho biết mình cũng chưa có ý định mở rộng kinh doanh do đang trong thời gian dịch bệnh. Một phần do cô vẫn chưa nắm rõ các cách thức kinh doanh, phần khác đó là cô đang cố gắng hoàn thành, đáp ứng các đơn hàng trước mắt ngày một nhiều và thoả sức với đam mê sáng tạo.

Ngọc Trâm
.
.
.