Xử lý thế nào khi người vay tiền tấn công chủ nợ?

Thứ Năm, 30/06/2022, 20:44

Trường hợp người vay tiền không thực hiện nghĩa vụ trả nợ mà lại có các hành vi đe doạ, tấn công, ảnh hưởng đến tính mạng người cho vay là hết sức nghiêm trọng. Tuỳ theo mức độ, tính chất của vụ việc mà người vay có thể bị xử lý từ hành chính đến hình sự.

Vi phạm pháp luật nghiêm trọng

Thời gian qua, tình hình dịch COVID-19 kéo dài khiến cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Ngoài việc tìm sự hỗ trợ từ ngân hàng, không ít người tìm đến các công ty tài chính vì thủ tục vay đơn giản, không cần tài sản đảm bảo. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, không ít những người cho vay bị con nợ đe doạ, tấn công, ảnh hưởng đến tính mạng của bản thân và gia đình.

Theo luật sư Phan Kế Hiền, Giám đốc Công ty Luật Bảo Tín, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, đây là hành động rất đáng lên án và phải xử lý nghiêm minh theo các quy định của pháp luật.

Đến thời điểm hiện tại, đại dịch COVID-19 phần nào đã được kiểm soát và không còn trực tiếp ảnh hưởng gay gắt đến đời sống của người dân nữa. Tuy nhiên, Luật sư Hiền cho rằng, những hậu quả và hệ lụy từ dịch bệnh vẫn gián tiếp khiến cho cuộc sống người dân điêu đứng, khó khăn. Một trong những khó khăn đó là gánh nặng về tài chính do hoạt động kinh doanh, sản xuất và thương mại bị đình trệ suốt một thời gian dài.

“Để khắc phục tình hình và tiếp tục duy trì cuộc sống, không ít người dân đã tìm kiếm sự hỗ trợ từ các tổ chức tín dụng, trong đó có các ngân hàng và các công ty tài chính. Đặc biệt, các công ty tài chính hiện nay đang là lựa chọn ưu tiên của rất nhiều người dân bởi các tiện lợi “hấp dẫn” như: thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh, không cần tài sản đảm bảo”, luật sư Hiền nói.

Vay tiền thuận lợi là thế. Tuy nhiên, đến kỳ hạn trả, không ít những khách hàng vay tiền đã tìm cách lẩn trốn, thậm chí sẵn sàng đe dọa, tấn công, gây nguy hiểm đến tính mạng và gia đình của bên cho vay khi bị hối thúc trả nợ.

“Bất cứ hành vi đe dọa, tấn công đến tính mạng, sức khỏe của bất kỳ ai đều là hành vi sai trái và vi phạm pháp luật. Hành vi đe dọa, tấn công, ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của bên cho vay hay gia đình của họ tùy thuộc vào tính chất mức độ sẽ có cách thức xử lý khác nhau, từ xử phạt hành chính đến xử lý hình sự”, luật sư Hiền nhấn mạnh.

Với những hành vi này, người vay tiền sẽ bị phạt hành chính từ 2 triệu đồng đến 8 triệu đồng (căn cứ từ Khoản 2 đến Khoản 5, Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ).

Ngoài xử phạt hành chính, nếu hành vi phạm tội nghiêm trọng, để lại hậu quả, người vay tiền có thể sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự với hình phạt tối đa lên tới chung thân.

“Cụ thể “Tội đe dọa giết người” quy định tại Điều 133 - Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 với khung hình phạt từ 6 tháng đến 7 năm tù. Ngoài ra có thể xem xét xử lý “Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt từ 3 năm tù đến chung thân. Bên cạnh đó, người vay có thể bị xử lý một số tội danh khác phụ thuộc vào từng vụ việc và hành vi của người thực hiện”, luật sư Hiền nhấn mạnh.

Pháp luật cần bảo vệ người cho vay

Thượng tá Trịnh Kim Vân, nguyên điều tra viên cao cấp, Công an TP Hà Nội cho biết, trong quá trình công tác của mình đã tiếp nhận, xử lý không ít vụ việc, người nợ (bên vay tiền) chây ì và tìm mọi lí do để trốn, né tránh việc thanh toán tiền cho các đơn vị, tổ chức cho vay. Điều này khiến người cho vay luôn trong tình trạng bị ức chế, đối mặt với nhiều rủi ro, bất lợi về tài chính.

Xử lý thế nào khi người vay tiền tấn công chủ nợ? -0
Thượng tá Trịnh Kim Vân.

“Có trường hợp tôi biết, khi bên vay tiền đen yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trả nợ, người nợ tiền cùng gia đình đã tấn công. Dẫn tới xảy ra rất nhiều vụ án cố ý gây thương tích… Đặc biệt nghiêm trọng có trường hợp người vay đã đoạt mạng người cho vay sau đó phi tang xác nạn nhân. Qua những vụ việc này, thấy rằng luật pháp cần nghiêm minh hơn nữa. Ngoài việc bảo vệ nhân dân theo đúng quyền và nghĩa vụ của họ thì pháp luật cũng cần phải bảo vệ và ủng hộ những tổ chức, người cho vay tín dụng mà nhà nước công nhận. Khi tiếp nhận đơn trình báo, tố giác về các hành vi cố tình chây ì không thanh toán tiền trả cần có chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe các đối tượng này”, Thượng tá Vân đề nghị.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia cũng đề nghị bên cho nói thêm, trong trường hợp, con nợ cố tình né tránh nghĩa vụ trả nợ, cần tuân thủ đúng quy định của pháp luật, trình báo các cơ quan có thẩm quyền để xử lý.

“Nếu không có được sự tư vấn chuẩn xác thì sẽ dẫn đến việc đi đòi nợ một cách thụ động gây mất an ninh trật tự xã hội. Bên cho vay cần tránh thuê người đi đòi nợ. Việc này có thể không giải quyết được tận gốc vấn đề mà có thể xảy ra mâu thuẫn không mong muốn. Do đó bên cho vay cần trình báo với cơ quan công an, chính quyền địa phương nơi người vay cư trú để được hỗ trợ đòi lại tiền.

Bên cạnh đó, các nhà làm luật cũng cần có một văn bản hướng dẫn hoặc chế tài đủ mạnh, đánh giá cụ thể từng hành vi để xử lý theo quy định của pháp luật. Như vậy mới đủ sức răn đe với người vay nợ tiền, hạn chế được nhiều sự việc đáng tiếc xảy ra”, ông Vân nhấn mạnh.

Đình Hoàn
.
.
.