Xử lý nợ xấu tại Việt Nam - Cần chế tài mạnh hơn
Đại dịch COVID-19 từ năm 2020 đến nay đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, đời sống của cá nhân dẫn đến nợ xấu tăng đột biến. Đó là các khoản nợ khó đòi, người vay không thể trả khi đến hạn phải thanh toán như đã cam kết trong hợp đồng tín dụng - đây là chỉ tiêu quan trọng để đánh giá chất lượng tín dụng của ngân hàng.
Khi nợ xấu tăng cao có thể gây ra sự đổ vỡ ngân hàng, đe dọa an ninh tài chính quốc gia và sự ổn định của cả vĩ mô nền kinh tế. Do đó, việc nhận diện, đo lường và xử lý nợ xấu là một trong những vấn đề quan trọng trong việc giữ cho hệ thống tài chính ổn định, an toàn và bền vững. Bản thân các tổ chức tín dụng không thể tự xử lý trên cơ sở các quy định hiện hành, cần phải có chính sách, cơ chế đặc thù của nhà nước.
Trong khi nhiều quốc gia trên thế giới xử lý nợ xấu bằng ngân sách, tại Việt Nam, với khuôn khổ pháp lý từng bước hoàn thiện xử lý nợ xấu không sử dụng ngân sách nhà nước.
Ngày 25/3/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 45/NQ-CP về việc thông qua đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về việc kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, tuy nhiên, để xử lý nợ xấu được giải quyết tổng thể cần sớm xây dựng hệ sinh thái xử lý nợ xấu tại Việt Nam.
Dưới đây là cuộc trò chuyện với PGS.TS Đỗ Hoài Linh – Trường Đại học Kinh tế Quốc dân bàn về vấn đề này.
PV: Bà có đánh giá gì về việc kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42 trong xử lý nợ xấu?
PGS.TS Đỗ Hoài Linh: Chúng ta đều hiểu rất rõ khi nợ xấu tăng cao và mang tính hệ thống thì sẽ gây ra sự đổ vỡ ngân hàng, ảnh hưởng tới an ninh tài chính quốc gia và sự ổn định của cả vĩ mô nền kinh tế. Nghị quyết số 42 sau gần 5 năm đi vào thực tiễn, đã có những kết quả đáng kể trong việc tạo hành lang pháp lý, cơ chế đồng bộ trong xử lý nợ xấu. Từ đó, giúp lành mạnh danh mục tín dụng và chất lượng tài sản của các ngân hàng.
Tuy nhiên, dịch bệnh COVID-19 trong hai năm vừa qua đã ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng tín dụng và công tác xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng. Trong trường hợp nền kinh tế phục hồi chậm do tác động của dịch bệnh COVID-19, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu tiềm ẩn rủi ro trở thành nợ xấu có thể tiếp tục tăng cao hơn, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của các ngân hàng.
Ngoài ra, dịch bệnh COVID-19 đã tác động làm công tác xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng trong giai đoạn 2020 - 2021 có xu hướng chậm lại. Tình hình tài chính và thái độ hợp tác của khách hàng suy giảm, công tác xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm gặp nhiều khó khăn.
Đồng thời, hình thành một Nghị quyết mới thay thế hoàn toàn Nghị quyết số 42 hay luật hóa việc xử lý nợ xấu là không đơn giản, đây là công việc cần nhiều thời gian và công sức, trong khi hiệu quả mà Nghị quyết số 42 mang lại trong việc xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng, mang lại cho nền kinh tế, cho xã hội là không thể phủ nhận. Do vậy, việc kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42 tại thời điểm này là hoàn toàn hợp lý.
PV: Để Nghị quyết số 42 thực sự đạt hiệu quả, vậy theo bà liệu cần có những điều chỉnh gì hay không?
PGS.TS Đỗ Hoài Linh: Mặc dù Nghị quyết số 42 đã tạo được nhiều kết quả tích cực nhưng một số bất cập vẫn hiện hữu đó là: i) Việc thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng là đột phá của Nghị quyết số 42, trong thực tế gặp khó khăn khi bên bảo đảm không hợp tác hoặc khi tài sản bảo đảm không có người quản lý và bên bảo đảm vắng mặt; ii) Việc giải quyết tranh chấp theo thủ tục rút gọn chưa được triển khai rộng rãi; Việc thực hiện sang tên cho người mua tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu rất khó khăn; iii) Thời hạn giải quyết vụ án kéo dài hơn nhiều so với quy định; iv) Việc mua bán nợ xấu của các tổ chức mua, bán, xử lý nợ xấu rất khó thực thi.
Do vậy, quan điểm của tôi là trong ngắn hạn thì việc kéo dài áp dụng Nghị quyết số 42 là phù hợp nhưng để công tác xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42 được thực hiện có hiệu quả hơn nữa thì Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, Ban ngành địa phương các nội dung như: i) Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Công an ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể biện pháp thu giữ tài sản bảo đảm; ii) Tòa án nhân dân tối cao sửa đổi quy định về điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn; iii) Bộ Tài chính cần xây dựng hệ thống tiêu chí xác định giá trị khoản nợ, quy định về phương thức mua bán nợ.
PV: Vậy theo bà trong dài hạn, chúng ta cần phải làm gì để xử lý nợ xấu được thực hiện triệt để và hữu hiệu trong thực tiễn?
PGS.TS Đỗ Hoài Linh: Với đặc thù không sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu cùng với đó là quá trình xây dựng và phát triển đất nước khó tránh khỏi việc hình thành nợ xấu trong nền kinh tế, nên giải pháp dài hạn là cần xây dựng Luật xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Luật này sẽ kế thừa trên hệ thống các văn bản luật hiện hành kết hợp với bối cảnh của thực tiễn, từ đó mới tạo hành lang pháp lý đồng bộ, toàn diện cho xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, việc này cần nhiều thời gian nghiên cứu và đánh giá.
Ngoài ra, theo tôi, bên cạnh hệ thống luật pháp thì cũng rất cần phải xây dựng hệ sinh thái xử lý nợ xấu bao gồm: i) Hoàn thiện chính sách để thị trường nợ xấu đi vào cuộc sống; ii) Gia tăng lực lượng tham gia thị trường mua - bán nợ, đặc biệt có những chính sách cởi mở thu hút nhà đầu tư nước ngoài, các tổ chức tài chính quốc tế, để nhóm đối tượng này tham gia vào công cuộc xử lý nợ xấu theo 3 hướng: Thứ nhất, được mua – bán tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu; Thứ hai, với những khoản nợ mà được chuyển thành vốn cổ phần thì cho phép các nhà đầu tư nước ngoài tham gia mua với một tỷ lệ nhất định, việc này không những giúp các khách hàng có nợ xấu nhận có được cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài mà những kiến thức, quy trình quản trị hiện đại cũng sẽ được chia sẻ để nâng cao năng lực quản trị của khách hàng đang có nợ xấu; iii) Thứ ba, tạo cơ sở cho nền tảng giao dịch nợ xấu, chứng khoán hoá nợ xấu, giao dịch thứ cấp/cấp ba, cung cấp cơ chế thanh lý nợ xấu hiệu quả trong lĩnh vực tài chính, trong đó các nhà đầu tư nước ngoài cung cấp các dịch vụ hỗ trợ thị trường nợ xấu như cung cấp dịch vụ xử lý nợ, định giá, pháp lý, kế toán, thuế…