Xóa sổ tội phạm “tín dụng đen” khi mới manh nha

Thứ Ba, 04/01/2022, 09:42

"Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của Bộ Công an và các Bộ, ngành liên quan, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật (VPPL) liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” đã có chuyển biến tích cực so với trước khi ban hành Chỉ thị số 12".

Đại tá Mai Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự (CSHS), Bộ Công an nhấn mạnh tại Hội nghị triển khai công tác năm 2022 của Cục CSHS tổ chức ngày 30/12/2021, khi báo cáo tóm tắt về chuyên đề: Phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.

Đây có thể nói là một trong những chuyên đề quan trọng của Cục CSHS cũng như hệ lực lượng trong đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này. 

Muôn hình thủ đoạn tội phạm hoạt động

Theo Cục CSHS, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, tình trạng tạm dừng kinh doanh, kinh doanh không có lãi, chi phí cao, nợ lương, mất việc làm, giảm thu nhập khiến nhu cầu vay tiền để phục vụ sinh hoạt, kinh doanh tăng. Bên cạnh đó, một bộ phận thanh thiếu niên phát sinh nhu cầu vay tiền để phục vụ nhu cầu tiêu xài cá nhân, sử dụng vào các hoạt động vi phạm pháp luật (VPPL) như sử dụng ma túy, cờ bạc… Lợi dụng tình trạng trên, các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” lợi dụng công nghệ cao, mạng xã hội mời chào, dụ dỗ người kinh doanh nhỏ lẻ, lao động thu nhập thấp, công nhân, thanh thiếu niên vay tiền.

Xóa sổ tội phạm “tín dụng đen” khi mới manh nha -0
Công an tỉnh Phú Thọ khám xét tại 7 địa điểm của nhóm Tuấn “Tồ”, thu giữ nhiều tài liệu quan trọng.

Để đối phó với các cơ quan chức năng, các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” chuyển sang lập các doanh nghiệp núp bóng cho vay trực tuyến, vay qua ứng dụng hoặc lập các tài khoản, hội nhóm trên mạng xã hội (zalo, facebook) để len lỏi, tiếp cận, mời chào số lượng lớn người có nhu cầu vay tiền với thủ đoạn quảng cáo không cần thế chấp tài sản, chỉ cần giấy tờ tùy thân, giải ngân ngay qua tài khoản ngân hàng nhưng thu thêm nhiều khoản phí, tiền phạt trái pháp luật (thực chất là thay cho tiền lãi bất chính). Lập các hợp đồng mua bán, giao nhận tiền,  tài sản khống, ép người đi vay dùng tiền vay thực hiện khống các hành vi vi phạm pháp luật nhằm gây bất lợi về pháp lý cho người vay. Một số hợp đồng tuy số tiền vay nhỏ, thời gian vay ngắn nhưng lãi suất gấp nhiều lần định mức pháp luật cho phép.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ cầm đồ thành lập nhiều cơ sở, cửa hàng tại nhiều địa phương khác nhau, vừa hoạt động cho vay cầm cố tài sản tại cửa hàng, vừa hoạt động trên không gian mạng nhưng thu thêm nhiều khoản phí, quy định tiền phạt lớn nhằm lách quy định pháp luật. Đối với lãi suất, có dấu hiệu cho vay lãi nặng. Các đối tượng hình sự hoạt động cho vay lãi nặng dưới hình thức hụi, họ nhắm đến một bộ phận tiểu thương, người kinh doanh nhỏ lẻ, thanh thiếu niên, các đối tượng cần tiền “vay nóng” phục vụ hoạt động kinh doanh, các nhu cầu bất chính, tiêu xài cá nhân hoặc sử dụng để thực hiện hành vi VPPL như đánh bạc, sử dụng ma túy…

Tại một số địa phương  vẫn xảy ra vụ án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng với các hành vi giết người, cướp tài sản, giết người liên quan đến vay nợ, “tín dụng đen”. Hành vi của đối tượng dã man, côn đồ, coi thường tính mạng của người khác, gây tâm lý lo lắng, bất an trong quần chúng nhân dân. Một số đối tượng tàng trữ, sử dụng vũ khí để phục vụ hoạt động “tín dụng đen”.

Đại tá Mai Hoàng cho biết, phần lớn các đối tượng (cá nhân, băng nhóm) hoạt động cho vay lãi nặng truyền thống, qua điều tra các đối tượng đã cho vay lãi nặng nhiều người trong thời gian dài, thu lời bất chính hàng trăm triệu đồng. Có đối tượng thành lập doanh nghiệp hoạt động hoặc núp bóng hình thức cầm đồ online, xuất hiện thủ đoạn các đối tượng cho gái mại dâm vay tiền, thế chấp hình ảnh, video nhạy cảm.

Các băng nhóm hoạt động “tín dụng đen” sử dụng công nghệ cao, núp bóng doanh nghiệp cho vay trực tuyến, cho vay qua ứng dụng điện thoại (app), cho vay với thủ đoạn mua bán, thế chấp tài sản… Số tiền vay hàng trăm tỷ đồng, hoạt động tinh vi, gây bức xúc dư luận. Tại một số địa phương ở miền Trung, Tây Nguyên, cơ quan Công an đã bắt giữ nhiều đối tượng từ các địa phương khác (phía Bắc, Thanh Hóa) đến hoạt động cho vay lãi nặng. Xuất hiện các thủ đoạn lập các hụi, họ hoặc tạo các app cho vay tiền yêu cầu người vay đặt cọc sau đó chiếm đoạt tài sản.

Phát hiện hàng trăm cơ sở kinh doanh vi phạm

Theo thống kê của Cục CSHS, năm 2021, Công an 63 địa phương đã tiếp nhận, phát hiện 794 vụ/1231 đối tượng; đã khởi tố 424 vụ/812 bị can; xử phạt vi phạm hành chính 186 vụ/343 đối tượng liên quan đến tội phạm “tín dụng đen”.

Đáng chú ý, thành lập 981 đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra 7617 lượt, đối với 11955 cơ sở kinh doanh có dấu hiệu hoạt động “tín dụng đen”. Qua đó phát hiện 586 cơ sở kinh doanh vi phạm, tiến hành xử phạt 489 cá nhân, thu hồi 70 giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT.

Nhiều địa phương đã triệt phá các băng nhóm “tín dụng đen” có quy mô lớn, núp bóng các doanh nghiệp để hoạt động tại nhiều tỉnh thành. Điển hình, ngày 12/7/2021, Công an TP Vinh, tỉnh Nghệ An triệt phá 4 băng nhóm/44 đối tượng núp bóng doanh nghiệp với 35 cơ sở (chi nhánh tại tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Kon Tum, Quảng Bình Khánh Hòa (Nha Trang) với hàng chục nghìn người vay số tiền hơn 500 tỷ đồng. Ngày 2/10, Công an tỉnh Phú Thọ triệt phá băng nhóm, bắt, khởi tố 10 đối tượng do Nguyễn Anh Tuấn (SN 1989, tức Tuấn “Tồ”), trú tại huyện Thanh Ba (tỉnh Phú Thọ) cầm đầu núp bóng cơ sở cho thuê, mua bán xe để vay lãi nặng, cưỡng đoạt, lừa đảo, đánh bạc. Cơ quan Công an thu giữ hàng chục xe ôtô ở nhiều tỉnh, thành.

Ngày 15/12, Công an tỉnh Nghệ An khám xét 51 điểm là Văn phòng đại diện Công ty tài chính Tân Tín Đạt ở 28 tỉnh, thành bắt 52 đối tượng cho vay lãi nặng núp bóng công ty tài chính, số tiền giao dịch hơn 1.000 tỷ đồng, trên 10.000 bị hại, lãi suất 200%/năm, qua phầm mềm, điện thoại.

Ngoài ra, một số địa phương đã phát hiện, bắt giữ nhiều đối tượng sử dụng các app, phần mềm, website để hoạt động “tín dụng đen”. Đơn cử, ngày 9/10, Phòng CSHS Công an tỉnh Quảng Bình bắt 2 đối tượng từ năm 2018, đã cho nhiều người vay hàng tỷ đồng lãi 180 – 365% dưới hình thức cầm đồ online. Ngày 1/12, Công an tỉnh Bắc Ninh bắt 2 đối tượng (là anh em) lập website phần mềm cửa hàng cầm đồ cho vay bát họ để cho vay lãi nặng từ năm 2018 đến nay cho vay 11 tỷ đồng (lãi 55 – 1095%/năm) thu lời 2,6 tỷ đồng. Ngày 18/11, Công an huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa triệt phá băng nhóm 6 đối tượng hoạt động “tín dụng đen” núp bóng cửa hàng mua bán ôtô, tư vấn tài chính (cho vay tín chấp không ghi lãi suất), lãi 194%/năm, thu lời hàng trăm triệu đồng.

Áp dụng các biện pháp khoa học, kỹ thuật đấu tranh

Cục CSHS cho biết, trước đó, lực lượng CSHS tham mưu Công an các cấp làm nòng cốt của hệ thống chính trị trong phòng, chống tội phạm vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín đụng đen”. Thường trực tham mưu UBND các cấp và Ban chỉ đạo 138/CP triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm VPPL liên quan đến tội phạm này. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật liên quan đến “tín đụng đen”. Tổ chức 3 đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm. Thường xuyên tuần tra, kiểm soát, áp dụng các biện pháp khoa học, kỹ thuật, tiếp nhận, xử lý đơn thư, tin báo tố giác tội phạm, đấu tranh các chuyên án, điều tra mở rộng các vụ án có liên quan. Qua đó, đã phát hiện nhiều trường hợp có dấu hiệu hoạt động “tín dụng đen” và triển khai các biện pháp nghiệp vụ để phòng ngừa, đấu tranh, xử lý.

Trong thời gian tới, Cục CSHS đề xuất với lãnh đạo Bộ chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tiếp tục đấu tranh mạnh mẽ, quyết liệt đối với các loại tội phạm và VPPL liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Cục CSHS tiếp tục chủ trì, chỉ đạo hệ lực lượng tổ chức tốt công tác nắm tình hình triển khai mạnh mẽ công tác điều tra cơ bản theo lĩnh vực. Trọng tâm là chuyên đề phòng ngừa tội phạm và VPPL liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, kịp thời phát hiện những nhóm hoạt động “tín dụng đen” để chủ động phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ liên quan triển khai các biện pháp phòng ngừa và đấu tranh ngay từ khi mới manh nha hoạt động. Không để các đối tượng mở rộng phạm vi hoạt động có cơ hội tiếp cận nguồn vốn và móc nối với các tổ chức kinh tế, cán bộ thoái hóa, biến chất trong ngành ngân hàng, cá nhân có nguồn tiền nhàn rỗi cung cấp nguồn vốn để hoạt động “tín dụng đen”.

Thống kế, lập danh sách các đối tượng liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” trong diện quản lý, phối hợp, trao đổi với Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH) và đơn vị liên quan ứng dụng Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư và căn cước công dân trong phòng ngừa tội phạm và VPPL liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Phối hợp với Cục Cảnh sát QLHC về TTXH làm rõ, đấu tranh với các đối tượng có biểu hiện tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ có liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.

Minh Hiền
.
.
.