Vay tiền không trả có bị phạt tù?

Thứ Tư, 15/06/2022, 16:07

Việc vay, cho vay tiền được thực hiện theo pháp luật dân sự. Tuy nhiên, hành vi vay tiền không trả có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với án phạt nặng.

Án phạt có thể lên tới 20 năm tù hoặc chung thân

Điều 466 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về nghĩa vụ trả nợ của bên vay: “Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn…”. Như vậy, việc trả nợ khi đến hạn là nghĩa vụ của người đi vay. Nếu người dân nào đã vay tiền từ cá nhân hay công ty, tổ chức tín dụng tài chính… nhưng không thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo cam kết ban đầu giữa các thỏa thuận của hai bên là hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Thực tế thời gian qua, nhiều người dân gặp khó khăn về tài chính do dịch bệnh COVID- 19 kéo dài, công việc bấp bênh, kinh doanh khó khăn… nên đã tìm đến các công ty vay tài chính, tổ chức tín dụng để thực hiện việc vay tiền. Tuy nhiên, trong quá trình thỏa thuận vay, một số người khi đến hạn trả nợ đã tìm cách né tránh, trì hoãn việc trả nợ dẫn đến gây bức xúc đối với người cho vay. Đồng thời, phía người cho vay tiền thể hiện việc đòi nợ gây áp lực đối với người vay tiền không đúng pháp luật đã gây ra nhiều bất ổn, hoang mang trong xã hội.

Theo Luật sư Nguyễn Tuấn Hiệp, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cho biết, đối với trường hợp nêu trên, người vay tiền khi thỏa thuận vay tiền đối với các cá nhân, tổ chức tín dụng mà khi đến hạn người vay không có khả năng trả nợ hoặc trả nợ không đúng hạn thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi theo lãi suất chậm trả được quy định theo quy định của ngân hàng nhà nước Việt Nam tại thời điểm hoặc theo lãi suất quy định của pháp luật. Đây được coi là tranh chấp dân sự phát sinh từ thỏa thuận vay tiền của các bên. Việc người cho vay khi đến hạn trả nợ mà bên vay tiền chậm trả hoặc chưa trả nợ theo đúng thỏa thuận cam kết thì bên cho vay có quyền khởi kiện đến Tòa án nhân dân có thẩm quyền để thực hiện thủ tục yêu câu đòi lại tài sản đã cho vay và các khoản lãi suất chậm trả theo quy định của pháp luật. 

Còn đối với một số trường hợp khác được thể hiện bởi mục đích, hành vi của người vay tiền ngay từ đầu đã có mục đích lạm dụng tình trạng khó khăn về kinh tế do dịch bệnh COVID-19 bùng phát, tình trạng khẩn cấp do dịch bệnh kéo dài của cả nước, lợi dụng hoàn cảnh hoạt động kinh doanh của các cá nhân, tổ chức tín dụng để có hành vi gian dối ngay từ đầu với mong muốn vay tiền của nhiều cá nhân, tổ chức để chiếm đoạt, sử dụng chi tiêu cá nhân nên không có khả năng trả nợ. Do đó, khi đến hạn trả nợ theo thỏa thuận cam kết, người cho vay tiền yêu cầu hoàn trả nợ như đã thỏa thuận thì người vay tiền có những hành vi gian dối như: hứa hẹn, khất lần, quanh co, đưa các thông tin giả về tài liệu cá nhân, nhân thân để tìm mọi cách để trì hoãn việc trả nợ, sau đó ẩn các thông tin cá nhân cung cấp ban đầu, tắt điện thoại, bỏ trốn khỏi nơi cư trú với mục đích chiếm đoạt toàn bộ số tiền vay để không phải trả nợ thì có thể có dấu hiệu hành vi vi phạm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” được quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) với mức hình phạt cao nhất là phạt tù đến 20 năm hoặc chung thân.

vay-tien-khong-tra-co-bi-di-tu_2012121336.jpg -0
Ảnh minh họa.

Xác định phương án trả nợ để tránh các rủi ro

Trao đổi về việc gia tăng tình trạng vay nợ của người dân thời gian qua, khi tình hình giá cả leo thang, cuộc sống khó khăn do dịch bệnh kéo dài, kinh doanh thua lỗ… dẫn đến nhiều hệ lụy trong xã hội, Luật sư Nguyễn Tuấn Hiệp chia sẻ, Văn phòng của anh cũng nhận được nhiều yêu cầu tư vấn và hỗ trợ pháp lý trong việc đòi nợ do đến hạn mà người vay không trả, hay vấn đề người dân vay nợ xã hội “đen” rồi bị đe dọa, khủng bố tinh thần, ném chất bẩn đến các gia đình để uy hiếp tin thần với mục đích yêu cầu trả nợ.

Một vấn đề tồn tại dai dẳng khó giải quyết lâu nay là tình trạng vay nợ tín dụng “đen” của người dân. Do thủ tục đơn giản, nhanh chóng, không cần thế chấp tài sản nên rất nhiều người dân tìm đến hình thức cho vay trên. Bên cạnh đó, cũng có không ít cá nhân đã lợi dụng việc cho vay với thủ tục đơn giản, nhanh chóng, không cần thế chấp để lợi dụng hoàn cảnh khó khăn để thực hiện việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản các cá nhân, tổ chức.

Ngoài ra, với việc không đủ khả năng trả nợ dẫn đến hệ lụy phát sinh lãi mẹ đẻ lãi con với mức lãi suất “cắt cổ”, do đó, nhiều người mất khả năng trả nợ hoặc không thể trả nợ bởi số tiền lãi chậm trả lớn hơn số tiền vay ban đầu. Chính vì vậy, đã tạo điều kiện cho nhiều tổ chức tín dụng “đen” sử dụng các thủ đoạn đòi nợ trái pháp luật để gây sức ép yêu cầu người vay tiền hoặc gia đình người vay tiền trả nợ thay gây bức xúc, hoang mang trong dư luận xã hội, gây mất trật tự trị an. Bên cạnh đó, cũng có nhiều người lợi dụng hình thức cho vay dễ dàng trên để vay tiền rồi cố tình chây ì không trả hoặc bùng nợ.

Luật sư Hiệp khuyến cáo, người dân trước khi đi vay tiền cần tìm hiểu kỹ lưỡng về các cá nhân, tổ chức tín dụng có uy tín trước khi vay tiền và xác định rõ mục đích sử dụng vốn vay, cũng như phương án trả nợ… Để tránh những rủi ro, hệ lụy không đáng có xảy ra thường xuyên trong xã hội và các vấn đề pháp lý phát sinh.

Theo các chuyên gia tài chính, người dân khi vay nợ cần đọc kỹ các điều khoản hợp đồng mà mình sắp ký kết để nắm rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của mình. Còn về phía các công ty tài chính phải tuân thủ các quy định nội bộ, thực hiện đầy đủ các bước từ thẩm định hồ sơ vay cho đến quyết định cho vay và sau đó là thu hồi nợ.

Các chuyên gia tài chính cũng khuyên người dân để tránh các rủi ro chỉ vay tiền khi thật sự cần thiết và cần tìm đến những địa chỉ uy tín, công ty tài chính, tín dụng đã được ngân hàng Nhà nước cấp phép để được bảo vệ, tránh sập bẫy các hình thức vay tiền biến tướng theo kiểu tín dụng “đen” với lãi suất cắt cổ dẫn đến mất khả năng trả nợ. Và hãy là người vay nợ có trách nhiệm vì nếu không tuân thủ nghĩa vụ trả nợ, người vay tiền có thể bị bên cho vay yêu cầu các cơ quan pháp luật vào cuộc xử lý theo quy định của pháp luật.

B.N
.
.
.