“Tín dụng đen” “săn” người lao động khó khăn mùa dịch COVID-19
Dịch bệnh COVID 19 đã khiến nhiều người lao động rơi vào cảnh khó khăn, mất việc làm và không có tiền chi tiêu. Lợi dụng tình cảnh này, nhiều tổ chức “tín dụng đen” đã mời gọi, thông qua các app cho vay tiền với lãi suất cao.
Tìm đến “tín dụng đen” vì gặp khó khăn
Chị H có cửa hàng nhỏ làm nghề nail và mi trong một ngõ chợ ở phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy (Hà Nội). Đây là con ngõ chính, là đường đi ra phố của làng Dịch Vọng Hậu xưa. Vì là làng lên phố nên đất trong làng rộng rãi, sinh viên, cũng như người lao động, nhân viên phòng karaoke ở trọ nhiều nên dịch vụ nail và mi của chị rất đắt khách. Nhưng do tính tình phóng khoáng, tính cách trẻ trung nên dù làm ăn được nhưng chị không tích lũy, mà tiêu xài rộng rãi. Khi dịch COVID-19 ập đến, cửa hàng phải đóng cửa nên không còn khoản thu nhập, mà chủ cửa hàng không giảm tiền thuê nhà nên dù cửa hàng không mở, chị vẫn phải trả tiền hàng tháng. Khó khăn chung, chị đi vay bạn bè cũng không ai giúp đỡ được. Khi thấy thông báo cho vay tiền được dán trên trụ cột điện, chị thử vay. Thấy thủ tục cũng dễ dàng, lại nghĩ là với số tiền vay được, cầm cự trong mấy tháng dịch, khi nào cửa hàng mở lại, chị sẽ dễ dàng trả nợ số tiền vay. Nhưng mới vay được hơn 1 tuần thì người cho vay đã bắt chị trả lãi. Chị xin gộp lãi vào gốc và sẽ trả sau thì số tiền vay bị tính lãi lên gấp nhiều lần. Không những thế, người cho vay còn “cầm” luôn của chị chiếc xe máy Air Blade mà chị vẫn đi lại. Các đối tượng nói khi nào chị có tiền trả, sẽ trả lại xe.
Cũng “mắc kẹt” vì dịch COVID-19 như chị H, anh K thuê trọ ở khu vực quận Hoàng Mai (Hà Nội). Trước đây chưa dịch, anh làm nghề lắp đặt biển quảng cáo. Công việc khiến anh phải thuê thêm 5 nhân công và nuôi ăn ở. Nhưng đến khi dịch bệnh bùng phát, ít việc làm, sau đó thì nghỉ hẳn, nên anh K không có khoản thu nhập nào, trong khi anh vẫn phải lo tiền ăn cho công nhân, cùng với đó phải trả tiền nhà trọ, tiền trả góp cho chiếc xe tải anh mua trước đây để làm ăn. Mấy tháng trời nghỉ dịch, anh K rơi vào tình trạng quá khó khăn. Bí bách, anh K đã tìm đến app cho vay tiền “tín dụng đen”, để “duy trì” cuộc sống trong mấy tháng dịch. Mặc dù biết lãi suất cho vay rất cao, nhưng anh vẫn phải chấp nhận, vì không còn cách nào khác. Anh nói, người cho vay yêu cầu phải cung cấp danh bạn điện thoại bạn bè, người thân, và kiểm soát cả zalo của anh nữa.
Đó là hai trong rất nhiều trường hợp phải tìm đến “tín dụng đen” khi gặp khó khăn do không có việc làm và thu nhập mùa dịch. Đối tượng mà nhóm người cho vay nhắm đến là những người yếu thế, thu nhập thấp, vì hoàn cảnh mà phải chấp nhận. Nhưng không vì thế mà chúng không tìm cách thu lại được khoản vay và lãi suất. Người vay vì hoàn cảnh bắt buộc nên phải “nhắm mắt” chấp nhận.
Công nhân các khu công nghiệp và cơn lốc “tín dụng đen”
Thực tế cho thấy, các đối tượng hoạt động cho vay theo kiểu “tín dụng đen” đã và đang nhắm đến công nhân ở các khu công nghiệp. Tại các khu công nghiệp, xuất hiện nhan nhản tờ rơi quảng cáo cho vay tiền nhanh được dán ở các bức tường, cột điện, nơi công nhân hay qua lại. Và cũng không ít công nhân đã sập bẫy “tín dụng đen”, rồi sau đó vô cùng khốn đốn. Cuối tháng 9/2019, Công an huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) cũng đã bắt khẩn cấp 3 đối tượng gồm: Nguyễn Hoài Nam, Nguyễn Hoài Như Hoàng (31 tuổi) - em ruột Nam, và Nguyễn Văn Rim (30 tuổi), cùng ngụ huyện Xuân Lộc để điều tra về hành vi cho vay nặng lãi với công nhân tại các khu công nghiệp.
Theo lời khai của các đối tượng, nhận thấy công nhân các khu công nghiệp có nhu cầu vay tiền nên các đối tượng đã bàn nhau và gom được số tiền 2 tỉ đồng và tìm kiếm khách hàng là công nhân trong các khu công nghiệp.
Chỉ cần thế chấp thẻ ATM, sổ bảo hiểm xã hội là được cho vay ngay từ 2-7 triệu đồng, tùy theo mức lương, người vay nhiều nhất lên tới 60 triệu đồng. Lãi suất dao động từ 4-6%. Nam và Rim yêu cầu người vay phải viết giấy vay nợ với lãi suất theo quy định của nhà nước. Hằng tháng, các đối tượng này tự lấy thẻ ATM của các công nhân để rút tiền. Khi nào các công nhân trả đủ tiền lãi và gốc, Nam và Rim mới trả lại thẻ.
Số công nhân vay lên tới 200 người. Nam và Rim còn thuê thêm Hoàng thực hiện việc rút tiền. Trưa 26/9, khi các đối tượng đang dùng thẻ ATM để rút tiền thì bị Công an huyện Xuân Lộc bắt giữ. Qua khám xét chỗ ở của các đối tượng, lực lượng Công an đã phát hiện, tạm giữ 206 thẻ ATM, hơn 206 triệu đồng, 121 hợp đồng vay, 120 sổ bảo hiểm xã hội.
Để hạn chế tình trạng công nhân sập bẫy “tín dụng đen”, Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai đã tổ chức nhiều lớp tuyên truyền và bằng nhiều hình thức khác nhau để nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật của người lao động. Liên đoàn Lao động tỉnh cũng đã đề nghị các cấp Công đoàn chủ động nắm tình hình “tín dụng đen” trong công nhân và các tệ nạn xã hội để kịp thời thông tin, tuyên truyền giúp công nhân hiểu rõ về phương thức, thủ đoạn và tác hại để biết, cảnh giác; không để các tệ nạn xã hội gây ảnh hưởng đến việc làm, đời sống của công nhân.