“Tín dụng đen” núp bóng app cho vay: Khó kiểm soát vì hoạt động tinh vi
Bên cạnh các ứng dụng cho vay tiền chính thống của các ngân hàng, tổ chức tín dụng, công ty tài chính hoạt động công khai, minh bạch, xuất hiện nhiều ứng dụng không rõ nguồn gốc về đơn vị chủ quản và có liên quan đến người nước ngoài có biểu hiện hoạt động liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Các ứng dụng thường xuyên được thay đổi tên hoặc để ẩn thông tin nhằm tránh sự theo dõi của cơ quan chức năng.
Núp bóng công ty tài chính kinh doanh không giấy phép
Tại các app cho vay, khách hàng chỉ cần cài đặt ứng dụng vay và để lại thông tin cá nhân, sẽ có đối tượng liên hệ, mời chào vay tiền và cài đặt các ứng dụng vay khác. Các ứng dụng này có khả năng truy cập danh bạ, lịch sử tin nhắn, cuộc gọi, thông tin tài khoản mạng xã hội… có thể bị sử dụng vào những mục đích trái pháp luật.
Khách hàng của các app ứng dụng này chủ yếu là học sinh, sinh viên, công nhân viên, người thu nhập thấp cần vay một khoản tiền khoảng vài triệu đồng trong thời gian ngắn mà không mong muốn thực hiện các thủ tục vay tại ngân hàng, tổ chức tín dụng. Khách hàng có thể không để ý hoặc bỏ qua các thông tin quy định ràng buộc về lãi suất, phí, tiền phạt dẫn đến mức lãi suất phải trả cao hơn nhiều lần lãi suất của ngân hàng, việc vay của ứng dụng sau trả lãi cho ứng dụng trước.
Có nhiều công ty lợi dụng công nghệ cao để hoạt động biến tướng với các mô hình như: cầm đồ online; hợp tác, cung cấp khách hàng cho công ty cầm đồ; tạo lập ứng dụng để cá nhân đi vay và cá nhân cho vay tự do kết nối, thỏa thuận với nhau; hợp tác với bên thứ ba là đối tác giới thiệu khách hàng cho các công ty tài chính của hệ thống ngân hàng. “Tại Việt Nam có hơn 100 công ty cho vay lấy danh nghĩa cho vay ngang hàng để cho vay trực tuyến (Vnvon, sieudong, Eloan, Moneybank…), hầu hết có vốn nước ngoài (Trung Quốc, Nga, Indonesia…) đăng ký hoạt động là dịch vụ tư vấn tài chính và kết hợp với các công ty, cửa hàng cầm đồ để thực hiện hoạt động cho vay tiền, thu hồi nợ”, theo thông tin được đưa ra trong báo cáo thực hiện Chỉ thị số 12 về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” mà Bộ Công an gửi Thủ tướng mới đây.
Các doanh nghiệp này thường đăng ký núp bóng thành các công ty hoạt động kinh doanh tại Việt Nam và cho vay theo mô hình hoạt động của công ty tài chính nhưng lại không có giấy phép kinh doanh dịch vụ tài chính tại Việt Nam. Mỗi doanh nghiệp này thường tạo ra nhiều ứng dụng (app) cho vay với tên gọi khác nhau để hoạt động cho vay lãi nặng với thủ đoạn tương tự các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” dưới hình thức cho vay trực tuyến. Ngoài ra, tình trạng các đối tượng kêu gọi, huy động vốn, hứa hẹn trả lãi suất cao, thu lời bất chính dưới hình thức đa cấp tài chính, tiền ảo diễn biến phức tạp. Các đối tượng lập nhiều sàn giao dịch ảo để kêu gọi người đầu tư.
Rất khó kiểm soát
Trả lời báo chí, Thiếu tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) cho biết, sau 2 năm thực hiện Chỉ thị 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, lực lượng công an đã phát hiện 1.047 vụ với 1.718 đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn còn rất phức tạp, điển hình như mới đây, Cục Cảnh sát hình sự triệt phá nhóm đối tượng gốc Hải Phòng hoạt động ở TP.Hồ Chí Minh, cho vay với lãi suất hơn 1.700%/năm. Trong đó, một bị hại vay của nhóm đối tượng này 16,2 tỷ đồng, đã trả trên 20 tỷ đồng, đến nay còn nợ hơn 11 tỷ đồng.
Về nguyên nhân “nở rộ tín dụng đen”, theo Thiếu tướng Trần Ngọc Hà, do nguồn thu lợi bất chính từ hoạt động này rất cao, tâm lý nhẹ dạ cả tin của người dân trong các giao dịch dân sự. Mặt khác, các văn bản quy phạm pháp luật còn bất cập, chưa đủ sức răn đe để phòng ngừa vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”. Một bộ phận người dân chưa tiếp cận thuận lợi với các dịch vụ tín dụng hợp pháp.
Theo ông Nguyễn Văn Tất, Phó Vụ trưởng Vụ Thực hành quyền công tố và Kiểm sát điều tra án trật tự xã hội thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, bên cạnh các giải pháp trấn áp theo sự vụ, về lâu dài cần hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến hoạt động cho vay, đơn giản về thủ tục, chặt chẽ hơn về trách nhiệm thực hiện quy trình của cán bộ tín dụng.
Từ góc độ ngân hàng, theo ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, trước mắt cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu hậu quả của “tín dụng đen”. Bên cạnh đó, kiên quyết xử lý những công ty không thành lập theo Luật Các tổ chức tín dụng nhưng hoạt động cho vay, xử lý cả người cho vay và người vay trong trường hợp vay tiền với mục đích không chính đáng như vay để chơi cờ bạc, lô đề. Đồng thời, đẩy mạnh mạng lưới tín dụng chính thức đến với người dân để những người có nhu cầu chính đáng với món vay dù nhỏ cũng có thể tiếp cận được ngay. Đây là trách nhiệm và quyền lợi của tổ chức tín dụng.
Ông Tú cho biết, NHNN đã có chủ trương xác định tín dụng tiêu dùng là lĩnh vực quan trọng và cần tạo điều kiện mở rộng phát triển trong thời gian tới. Điều này cũng phù hợp với xu thế của nhiều nước phát triển trên thế giới. Một trong các giải pháp là hoàn thiện cơ sở pháp lý để tín dụng tiêu dùng phát triển có sự quản lý của Nhà nước, hài hòa lợi ích của người dân và tổ chức cho vay.
Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cần phối hợp với Bộ Công an khai thác cơ sở dữ liệu dân cư để định danh khách hàng, phục vụ cho vay nhanh, cho vay món nhỏ, lẻ không cần thế chấp. Các tổ chức tín dụng chủ động nâng cấp công nghệ để tiếp cận người dân có nhu cầu vay tiền nhanh và xa hơn. “NHNN sẽ yêu cầu các tổ chức tín dụng dành nguồn vốn nhiều hơn nữa cho tín dụng tiêu dùng. NHNN sẽ dành nguồn vốn hợp lý để khuyến khích các ngân hàng thương mại cho vay tiêu dùng. Sự kết hợp hiệu quả từ các bên chắc chắn sẽ góp phần giảm tình trạng tín dụng đen trong thời gian tới”, ông Tú nhấn mạnh.